(Bài viết trích dẫn quan điểm của Karl W. Smith, chuyên gia bình luận của tờ Bloomberg. Ông còn là cựu trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Carolina, Phó Chủ tịch về Chính sách Liên bang của tổ chức Tax Foundation.)
Không hề yên bình như vẻ bên ngoài
Có vẻ như các Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hoà sẽ khó đạt được sự đồng thuận về một dự luật cứu trợ COVID-19 tiếp theo, trong bối cảnh họ cần phải đưa ra một thoả thuận với Đảng Dân chủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi đã tuyên bố rằng: “Sự chậm trễ này xuất phát từ chính những xáo trộn trong nội bộ Đảng Cộng hoà.”
Chiều ngày 15/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ "Heroes Act" trị giá 3.000 tỉ USD cho các cá nhân, doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên, dự luật này lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ Đảng Cộng hoà, và đến nay vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
Đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hoà bị chia rẽ sâu sắc. Họ không chỉ bất đồng quan điểm về mặt chiến thuật, mà còn bất đồng cả về những nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch đối phó với dịch bệnh.
Theo tôi, hiện tại Đảng Cộng hoà đã bị chia rẽ làm ít nhất 4 phe. Nếu họ không thể giải quyết sớm những mâu thuẫn này, người lao động và cả nền kinh tế Mỹ sẽ còn phải tiếp tục vật lộn với những khó khăn mà COVID-19 gây ra.
Đại dịch COVID-19 là một thảm hoạ khó lường và đang tiếp tục lan rộng - đó là sự kết hợp của một cuộc tấn công từ bên ngoài và sự lục đục bên trong nội bộ nước Mỹ. Đảng Dân chủ sẽ đương đầu với cả 2 thử thách này bằng những biện pháp như tăng cường sự can thiệp, chi thêm ngân sách và ban hành các quy định chặt chẽ hơn.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: Reuters) |
Đảng Cộng hoà thì lại không chọn cách xử lý như vậy. Với những mối đe doạ bên ngoài quốc gia, họ có truyền thống ủng hộ sự lãnh đạo của chính quyền và sự chi tiêu ngân sách không hạn chế để chống lại kẻ thù. Với những vấn đề trong nước, họ thường ưu tiên giao cho các bang hoặc các khu vực riêng giải quyết.
Chi tiêu ngân sách - vấn đề cốt lõi gây ra sự bất đồng
Một nhóm riêng trong Đảng Cộng hoà đã hình thành trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra - đó là nhóm không quá tin tưởng vào chính phủ Mỹ. Cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan là một trong những sự kiện làm cho các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hoà bắt đầu nghi ngờ chính phủ Mỹ, trong khi truyền thống của họ là luôn ủng hộ những hành động chống lại sự đe doạ từ bên ngoài.
Hiện tại, đại dịch COVID-19 có vẻ như đang đẩy nhóm này tới giới hạn chịu đựng của mình. Ngân sách mà Quốc hội dành cho việc phòng chống COVID-19 trong 4 tháng vừa qua (kể từ tháng 3) đã bằng một nửa số ngân sách mà Mỹ chi cho việc chống khủng bố trong vòng 20 năm qua. Nhưng số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng. Nếu như Quốc hội không đưa ra một kế hoạch hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh và khôi phục lại nền kinh tế, các thành viên thuộc nhóm này sẽ không sẵn sàng chi thêm những khoản tiền hỗ trợ lớn tiếp theo.
Một nhóm khác, bên cạnh việc đồng cảm với những lo lắng của nhóm đầu tiên, cho rằng vấn đề chính nằm ở Đạo luật CARES được Quốc hội thông qua vào tháng 3.
Họ cho rằng hàng trăm tỷ đô-la đã được cung cấp cho những người không thực sự cần sự giúp đỡ từ gói cứu trợ này. Đồng thời, gói cứu trợ đã thất bại trong việc tài trợ cho các chương trình nghiên cứu cần thiết để ngăn chặn virus. Các thành viên thuộc nhóm này muốn giữ các chi phí ở mức thấp nhất; họ muốn ngân sách sẽ tập trung vào các biện pháp liên quan trực tiếp đến việc giảm thiểu sự lây lan của virus.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành gói giải cứu lịch sử trị giá 2.200 tỉ USD ngay sau khi Quốc hội thông qua, ngày 27/3/2020. Ảnh: ABCNEWS. |
Phe thứ 3 tin rằng toàn bộ lực lượng của chính phủ Mỹ cần phải tiếp tục tham gia vào cuộc chiến này. Điều này có nghĩa rằng họ ủng hộ việc tiếp tục chi thêm ngân sách cho y tế công cộng, nghiên cứu y sinh và các trường học, cũng như tiếp tục viện trợ cho nền kinh tế và những người lao động đang gặp khó khăn. Việc trì hoãn một dự luật cứu trợ mới sẽ chỉ khiến nền kinh tế ngày càng suy yếu hơn.
Nhóm cuối cùng là một vài thượng nghị sĩ không nhiệt tình lắm với việc chi thêm ngân sách, nhưng có thể chấp nhận được điều đó nếu như nó đi kèm với những biện pháp dài hạn để giúp đỡ nền kinh tế.
Đoàn kết hoặc tê liệt
Theo tôi, đây là những gì họ suy nghĩ: Không ai biết được bao giờ dịch bệnh sẽ chấm dứt hoặc bao giờ nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại. Vì vậy, các quyết định chi tiêu ngân sách cần được đánh giá dựa trên những gì họ có thể làm để ngăn chặn dịch bệnh ở hiện tại và phục hồi nền kinh tế trong tương lai.
Những phân tích này của tôi có thể chưa bao quát được toàn bộ cục diện tại Đảng Cộng hoà, bởi chắc chắn sẽ có một số thành viên thuộc nhiều phe, hoặc không thuộc bất cứ phe nào trong số 4 phe trên. Để tập hợp tất cả lại thành một nhóm duy nhất, Đảng Cộng hoà cần điều mà họ đang thiếu nhất hiện nay: một tầm nhìn rõ ràng về việc làm thế nào để chiến thắng dịch bệnh với số người chết và sự thiệt hại nhỏ nhất.
Những người sẽ hiện thực hoá tầm nhìn đó có thể là bất cứ ai. Tuy nhiên, cho đến lúc họ có thể đi đến một thoả thuận, mặc dù không hoàn hảo, tôi có thể chắc chắn một điều: Đảng Cộng hoà tại Thượng viện, rộng hơn là chính phủ - có thể tự nhận thức rằng mình đang bị “đóng băng".