Mỹ: Tranh luận về tuổi tác của tổng thống "nóng lên"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, một yếu tố khiến ông lo ngại là tuổi tác. Và khi đó ông mới 64 tuổi.
Tổng thống Biden sẽ 86 tuổi vào cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và ông Trump cũng ở tuổi bát thập trong nhiệm kỳ 2, nếu tái đắc cử. Ảnh: ABC News.
Tổng thống Biden sẽ 86 tuổi vào cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và ông Trump cũng ở tuổi bát thập trong nhiệm kỳ 2, nếu tái đắc cử. Ảnh: ABC News.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower viết trong nhật ký của mình vào tháng 11/1954, là sự cần thiết của “những người trẻ tuổi hơn ở những vị trí có trách nhiệm cao nhất” vào thời điểm “các vấn đề đặt ra cho tổng thống ngày càng nghiêm trọng và phức tạp”. Lúc đó ông 64 tuổi.

Gánh nặng tuổi tác

Ngày nay, hai ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ cũ của Eisenhower đều đã ở tuổi 77 và 81. Ngoại trừ một "trận động đất" chính trị không lường trước được, nước Mỹ dường như đã được định sẵn sẽ có một tổng tư lệnh đã quá tuổi nghỉ hưu thông thường trong nhiều năm tới bất kể ai giành chiến thắng vào tháng 11. Ông Donald J. Trump sẽ 82 tuổi vào cuối nhiệm kỳ tiếp theo và ông Joseph R. Biden Jr. sẽ 86 tuổi.

Tất nhiên, tuổi già ngày nay đã khác so với những năm 1950, và Eisenhower đã quyết định tái tranh cử, phục vụ nhiệm kỳ thứ hai để lãnh đạo một chính quyền mà các nhà sử học cho là đáng nể. Tuy nhiên, ông đã trải qua nhiều mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe khi đương nhiệm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Giới quan sát cảnh báo nước Mỹ có thể phải đối mặt với những vấn đề tương tự từ nay đến tháng 1/2029, khi nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo sẽ kết thúc.

Vấn đề tuổi tác lại được đặt lên hàng đầu với báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert K. Hur về cách xử lý thông tin mật của Tổng thống Biden, trong đó mô tả tổng thống là một “người đàn ông lớn tuổi, có thiện chí và trí nhớ kém”, người đã “suy giảm năng lực khi tuổi càng cao”. Báo cáo được đưa ra cùng tuần xảy ra hai lần ông Biden đề cập đến các cố lãnh đạo châu Âu như thể họ vẫn còn sống và gọi nhầm tổng thống Ai Cập là tổng thống Mexico.

Ông Trump nhanh chóng tìm cách lợi dụng báo cáo của công tố viên đặc biệt, gọi ông Biden “quá già để làm tổng thống”. Tuy nhiên, bản thân ông gần đây cũng phải hứng chịu cơn bối rối về tuổi tác trước công chúng.

Theo các cuộc thăm dò, về mặt chính trị, tuổi tác là gánh nặng lớn hơn với ông Biden so với ông Trump, có lẽ là do dáng vẻ bề ngoài của tổng thống. Ông Biden đã đồng ý rằng tuổi tác là một vấn đề chính đáng cần xem xét nhưng tỏ ra tức giận trước báo cáo của cố vấn đặc biệt Robert K. Hur.

Jonathan Darman, tác giả cuốn “Trở thành FDR” nói về những thách thức sức khỏe của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, cho biết: “Ngay cả khi, như Biden và các trợ lý của ông nhấn mạnh, ông có sức khỏe thể chất và tinh thần tuyệt vời, ông vẫn nợ đất nước một cuộc trò chuyện thẳng thắn và mạnh mẽ về chủ đề này.”

Không ứng cử viên nào có vẻ háo hức với điều đó. Cả hai đều đưa ra báo cáo từ các bác sĩ cho biết họ đang ở trong tình trạng tốt, nhưng đều không trả lời các câu hỏi về sức khỏe của họ. Trong khi bác sĩ Nhà Trắng đã được các tổng thống tiền nhiệm cho phép sẵn sàng tiếp xúc với các phóng viên, lúc này ông Biden thấy chưa phù hợp khi cho phép bác sĩ của mình trả lời các câu hỏi chi tiết.

Hiến pháp Mỹ với vấn đề sức khoẻ tổng thống

Ngay cả khi giả sử cả hai đều phù hợp với chức vụ tổng thống vào thời điểm này, câu hỏi khó đánh giá hơn đối với cử tri là liệu sức khoẻ của họ có còn phù hợp trong 5 năm nữa hay không. Và tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với đất nước sẽ là phải làm gì nếu một tổng thống bị sa sút về sức khoẻ tinh thần hoặc thể chất đến mức ảnh hưởng đến khả năng thực hiện công việc nhưng không thừa nhận điều đó hoặc tự nguyện xin rút.

Lịch sử cho thấy các tổng thống không sẵn lòng từ bỏ quyền lực cho dù họ có bị suy giảm sức khoẻ đến đâu, và cơ chế hiến pháp để loại bỏ họ được quy định trong Tu chính án thứ 25 thì cũng không dễ dàng. Tu chính án này yêu cầu phó tổng thống và đa số nội các phải tuyên bố rằng tổng thống “không thể thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình” - điều mà những người được bổ nhiệm trung thành có thể do dự thực hiện nếu tổng thống không đồng ý. Ngay cả khi họ làm vậy, tổng thống vẫn có thể kháng cáo lên Quốc hội, và cần phải có 2/3 phiếu bầu của cả hai viện để thông qua việc loại bỏ ông.

Một số thành viên nội các của ông Trump khi ông còn là tổng thống từng tính viện dẫn Tu chính án thứ 25 để lật đổ ông, nhưng Phó tổng thống Mike Pence, đã từ chối làm theo. Tu chính án thứ 25 đưa ra một giải pháp thay thế: Một ủy ban do Quốc hội thành lập có thể tuyên bố một tổng thống không thể phục vụ, nhưng các nhà lập pháp chưa bao giờ thành lập một cơ quan như vậy.

Những cuộc "khủng hoảng sức khoẻ tổng thống"

Vấn đề này đã nảy sinh dưới nhiều hình thức khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thống James A. Garfield bị một kẻ ám sát bắn vào năm 1881 và sống được thêm 80 ngày, trong thời gian đó ông gần như không đủ sức để điều hành đất nước. Tương tự như vậy, Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981 và phải nhập viện gần hai tuần, mặc dù đội ngũ của ông đã nỗ lực tạo ra ấn tượng rằng ông có thể điều hành ngay từ trên giường bệnh.

Sau khi Eisenhower suy nghĩ về tuổi tác trong nhật ký của mình, vị tổng thống đã bị đau tim vào năm 1955 và phải trải qua cuộc phẫu thuật vào năm 1956 trước khi giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử. Năm 1957, ông bị một cơn đột quỵ nhỏ nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành nhiệm kỳ vào năm 1961. Giống như các tổng thống khác, ông tự thuyết phục mình là người đặc biệt phù hợp với Nhà Trắng và tái tranh cử.

Còn Tổng thống Roosevelt luôn phải vật lộn với vấn đề chính trị liên quan sức khoẻ, khi buộc phải thuyết phục cả nước rằng ông sẽ phù hợp với cương vị tổng thống trong lần đầu tranh cử vào năm 1932 dù đã mất khả năng sử dụng đôi chân vì bệnh bại liệt. Roosevelt rõ ràng đã chứng tỏ được khả năng của mình bất chấp căn bệnh.

Tuy nhiên, vào thời điểm tranh cử nhiệm kỳ thứ tư năm 1944, ông Roosevelt đã kiệt sức và suy sụp đến mức bác sĩ riêng của ông không tin rằng ông sẽ sống sót qua nhiệm kỳ. Bác sĩ Darman nói: “Quyết định tranh cử năm đó của ông ấy thật khó để bảo vệ. Các trợ lý của Roosevelt nói với cả nước rằng sức khỏe của ông rất tốt, nhưng bất kỳ ai tiếp xúc gần gũi với ông vào thời điểm đó đều có thể thấy rằng sức chịu đựng thể chất của ông đã giảm sút đáng kể”.

Cuộc khủng hoảng sức khoẻ tổng thống nổi tiếng và nghiêm trọng nhất xảy ra khi Woodrow Wilson gục ngã trong một chuyến tàu xuyên quốc gia quảng bá cho đảng Liên minh Quốc gia của ông vào năm 1919. Sau cơn đột quỵ, ông gần như không đủ sức để lãnh đạo đất nước, kín đáo nhường lại vai trò cho vợ là Edith Wilson và một số trợ lý trong gần một năm rưỡi.

Hai ứng viên Biden - Trump cần làm gì?

Cho đến gần đây, Ronald Reagan là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ, rời nhiệm sở chỉ vài tuần trước sinh nhật lần thứ 78. Ông Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức đã già hơn Reagan vào ngày cuối cùng, đảm nhận danh hiệu tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất. Nếu ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 và kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ vượt qua ông Biden về thành tích đó.

Ông Darman cho biết bài học ông rút ra từ lịch sử là Roosevelt đã xua tan nỗi lo về sức khỏe bằng lịch trình vận động tranh cử rầm rộ. Ông nói: “Người Mỹ ngày nay nghi ngờ về khả năng của ông Biden trong việc giải quyết các yêu cầu của nhiệm kỳ tổng thống. Cách duy nhất để ông ấy giải quyết những nghi ngờ đó là làm những gì Roosevelt đã làm - xuất hiện trước công chúng và cho cả nước thấy rằng ông ấy sẽ còn ở lại thêm 4 năm nữa.”

Ông Trump cũng sẽ phải dập tắt những lo ngại về sức khỏe của mình, điều từng gây lo lắng nghiêm trọng khi ông còn đương chức nhiệm kỳ đầu tiên.

Khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, sự lựa chọn tiềm tàng giữa ứng viên độ tuổi "bát thập" (ông Biden) và "thất thập" (ông Trump) có thể là duy nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng nó có thể không phải là cuối cùng. Ông Norton Smith - cựu Giám đốc Trung tâm Dwight D. Eisenhower, nói, với tuổi thọ dài hơn và những tiến bộ trong khoa học y tế, “tốt hơn hết chúng ta nên làm quen với những tổng thống cao tuổi hơn”.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.