Một số nghi can trong vụ cướp trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã từng có giao dịch với ông Lê Đức Nguyên (nạn nhân của vụ cướp) qua các sàn Coin do ông Nguyên kêu gọi đầu tư.
Sau khi đầu tư, thua lỗ và cho rằng ông Lê Đức Nguyên "lừa" mình nên nhóm này đã tổ chức giám sát, theo dõi và dựng ra hiện trường va quẹt trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây để ép ông Nguyên trả lại tiền cho mình.
Theo gia đình các nghi can, số tiền giao dịch giữa ông Nguyên và 1 nghi can được cho là khoảng 10 tỷ đồng nhưng sau khi khống chế được ông Nguyên, nhóm này đã ép chuyển sang ví điện tử số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Nguyên, nạn nhân vụ cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, từng có nhiều buổi thuyết trình về Bitkingdom cho Công ty Cổ phần Modern Tech.
Ông Lê Đức Nguyên, nạn nhân của vụ cướp trong một buổi thuyết trình về Bitkingdom. Ảnh: Nguyễn Nam. |
Năm 2018, dư luận và cộng đồng mạng hết sức quan tâm đến sự kiện khi xuất hiện nhiều người dân mang băng rôn, khẩu ngữ kéo tới trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) tố công ty này đã lừa đảo chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng bằng hình thức huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo.
Dự án "ảo" này được cho là đã khiến 32.000 người sập bẫy với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng. Chủ của đơn vị này ban đầu yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000 USD, cam kết lãi suất lên tới 48%/ tháng, tương ứng với mức lãi siêu khủng là 576%/ năm. Riêng chuyện lôi kéo được người mới tham gia, người "môi giới" còn được trích 8% giá trị vốn góp của người đó.
Sự việc trên đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) chỉ đạo 6 bộ, ngành cùng vào cuộc điều tra.
Ông Lê Đức Nguyên. Ảnh: Nguyễn Nam |
Tháng 04/2018, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng Tham mưu (nay là Phó giám đốc Công An TP.Hồ Chí Minh) kiêm người phát ngôn Công an TP.Hồ Chí Minh cho biết các đơn vị Công an TP.Hồ Chí Minh đang vào cuộc xác minh việc Công ty CP Modern Tech bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng tiền ảo iFan.
Khi ấy, đại tá Quang cho rằng chưa xác định có phải lừa đảo hay không và trên thực tế, tiền ảo không được Nhà nước Việt Nam xem là tài sản và cho lưu thông. Và lúc ấy, Công an TP.Hồ Chí Minh cũng chưa nhận được tố cáo từ nhà đầu tư nào.