Số liệu của chương trình giám sát DETER của Cơ quan Không gian quốc gia Brazil (INPE) cho thấy trong năm ngoái, 5.152 km2 rừng Amazon đã bị phá hủy, giảm 50% so với năm 2022 nhưng vẫn gấp khoảng 29 lần diện tích của Washington DC (Mỹ). Rừng Amazon có vai trò quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vì sở hữu lượng lớn cây có khả năng hấp thụ khí CO2 giúp giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, một trong những thảo nguyên lớn nhất thế giới Cerrado, khu vực đa dạng sinh học có hệ sinh thái liên kết chặt chẽ với Amazon, ngày càng bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng khi diện tích thảm thực vật bị phá hủy trong năm ngoái tăng 43% so với năm trước đó, lên mức kỷ lục 7.800 km2, cao nhất kể từ khi hoạt động giám sát bắt đầu vào năm 2018.
Bà Mariana Napolitano thuộc văn phòng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Brazil cho rằng nạn phá rừng Amazon giảm đáng kể là kết quả nổi bật nhưng xu hướng tương tự không diễn ra ở thảo nguyên Cerrado. Cerrado được xem là một bể chứa carbon lớn giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhưng tình trạng phá cây và đồng cỏ tại đây là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn.
Cả hai số liệu về rừng Amazon và thảo nguyên Cerrado đều được cập nhật đến ngày 29/12/2023. Cộng cả hai số liệu, tổng diện tích rừng bị phá hủy trong năm ngoái là 12.980 km2, giảm 18% so với năm 2022. Giới chuyên gia cho rằng nạn phá rừng ở cả Amazon và Cerrado chủ yếu là do hoạt động trồng trọt và chăn nuôi gia súc ở Brazil, nước xuất khẩu đậu nành và thịt bò hàng đầu thế giới.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2023, chính phủ của Tổng thống Lula da Silva đã tăng cường ngăn chặn tình trạng phá rừng và cam kết đưa Brazil trở lại là một đối tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.