Đầu tuần này, Nhật Bản thông báo nền kinh tế nước này đã đạt mốc tăng trưởng 5% trong quý III vừa qua, cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã thoát khỏi suy thoái.
Vài giờ sau thông báo của Nhật Bản, Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy khả năng phục hồi thần tốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sản xuất công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng gần 7% trong tháng trước. Doanh số bán lẻ tăng nhẹ hơn 4%, mức tăng nhanh nhất trong năm nay.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây đang phải vật lộn trước làn sóng dịch bệnh lần thứ hai vào mùa đông.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đã nhắc lại vào thứ Năm tuần trước rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm nhiều biện pháp kích thích từ chính phủ và ngân hàng trung ương để vượt qua cuộc khủng hoảng.
Vào đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Anh đã cảnh báo về một cuộc suy thoái kép đối với nền kinh tế Vương quốc Anh khi chính quyền Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
Ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại coongty Oxford Economics, cho biết: “Hầu hết các nền kinh tế châu Á đang hoạt động tốt hơn so với các nền kinh tế phương Tây, một phần lớn là do khả năng ngăn chặn virus tốt hơn đáng kể".
Vị chuyên gia dự đoán rằng hầu hết các nền kinh tế lớn của châu Âu sẽ càng thu hẹp trong quý này do phải phong tỏa toàn quốc.
Thách thức hiện nay ở châu Á là làm thế nào để duy trì đà phát triển, trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại giữa các đối tác thương mại lớn.
Frederic Neumann, trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Châu Á và Giám đốc điều hành tại ngân hàng HSBC, nhận định: “Các cuộc đình trệ ở châu Âu và sự suy thoái mới ở Mỹ gây ra rủi ro cho ngành xuất khẩu của các nước châu Á".
Ông Neumann chỉ ra rằng các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại toàn cầu và nhu cầu chậm chạp từ phương Tây có thể làm giảm khả năng phục hồi.
"Trọng tâm" dịch chuyển về phía Đông
Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Hai đã thừa nhận rủi ro do đại dịch tiếp tục phổ biến ở những nơi khác.
Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng dịch bùng phát ở châu Âu và Mỹ đã tạo ra những bất ổn cho xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên cho rằng tổng giá trị thương mại của Trung Quốc đã tăng trong năm nay, đi ngược lại xu hướng toàn cầu.
Bất kể tình trạng của đại dịch như thế nào, các nước trong khu vực cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ với nhau mà không cần đến sự trợ giúp của phần còn lại của thế giới.
Cuối tuần này, Trung Quốc, Nhật Bản và hơn một chục quốc gia khác ở Châu Á Thái Bình Dương đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một hiệp định thương mại lớn đã được gần một thập kỷ hình thành.
"Nó có thể củng cố một xu hướng đã diễn ra trong nhiều thập kỷ: rằng trọng tâm kinh tế toàn cầu không ngừng thúc đẩy về phía Đông", các nhà kinh tế tại ngân hàng HSBC viết trong một báo cáo nghiên cứu được công bố hôm Chủ nhật.