Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), biên bản ghi nhớ được Nga và Ấn Độ ký kết tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở thành phố Vladivostok hồi tuần trước nhấn mạnh, New Delhi và Moscow nhất trí thiết lập một tuyến hàng hải mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trải dài từ thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga đến thành phố Chennai trên vịnh Bengal, phía đông Ấn Độ.
Nga - Ấn hợp tác thiết lập tuyến đường biển mới đi qua Biển Đông. (Ảnh: EPA) |
Đáng nói, tuyến hàng hải mới này sẽ đi qua Biển Đông, một trong những tuyến đường biển thương mại quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Lâu nay, Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đơn phương trên phần lớn diện tích Biển Đông. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Ngoài hợp tác xây dựng tuyến đường biển mới qua Biển Đông, biên bản ghi nhớ giữa Nga và Ấn Độ còn nhắc tới việc tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự và công nghệ bao gồm "phát triển và sản xuất trang thiết bị quân sự cũng như nâng cấp các hệ thống sau khi được bán”.
Hồi năm ngoái, New Delhi và Moscow đã đồng thuận về thương vụ mua bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.
“Đây có thể là dấu hiệu cho thấy, quan hệ hợp tác giữa Nga và Ấn Độ hiện duy trì đà phát triển ổn định. Trong bối cảnh Nga tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á, mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ ở một khía cạnh nào đó có thể giúp Moscow đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực”, ông Hu Zhiyong tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận định.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh tuyến đường biển mới đi qua Biển Đông phù hợp với chính sách "Hành động hướng Đông" của New Delhi nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị với các nước Đông Nam Á. Bởi với hơn 55% hoạt động giao thương đi qua Biển Đông và eo biển Malacca, Ấn Độ thực sự quan tâm tới lợi ích chiến lược trên Biển Đông.
Hồi tuần trước, trong chuyến thăm tới Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cùng người đồng cấp Nhật Bản cũng đã ra tuyên bố chung liên quan tới tình hình Biển Đông.
Trong tuyên bố chung, New Delhi và Tokyo khẳng định hai bên cam kết chia sẻ hậu cần quân sự để cải thiện khả năng hoạt động chung trong khu vực.
Giới chuyên gia thì cho rằng, giữa lúc giao dịch thương mại của Ấn Độ với các nước Đông Á gia tăng, New Delhi có thể tìm cách tăng cường sự hiện diện trong khu vực để giảm bớt sự phụ thuộc vào các cường quốc ở Tây Thái Bình Dương.
"Ấn Độ lo ngại hành động ngang ngược cũng như những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông", ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore chia sẻ.
Song theo các nhà quan sát, Ấn Độ sẽ tìm cách né tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
"Giới chức Ấn Độ thường xuyên nhấn mạnh về các lợi ích kinh tế và thương mại to lớn ở Biển Đông. Ngoài việc kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa bình, giới chức Ấn Độ sẽ không đưa ra thêm hành động hay tuyên bố mạnh mẽ hơn”, ông Abhijit Singh tại Quỹ Nghiên cứu quan sát tại New Delhi cho hay.
Còn theo ông Hu, dù Bắc Kinh không hài lòng với những động thái của Ấn Độ trên Biển Đông, nhưng dường như Trung Quốc sẽ không nêu vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tới New Delhi vào tháng 10 tới.
“Bởi hành động này có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương Trung - Ấn. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là tìm cách lôi kéo Ấn Độ vào dự án ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’. Do đó, Trung Quốc sẽ không đưa ra phản ứng mạnh mẽ với Ấn Độ về vấn đề Biển Đông”, ông Hu kết luận.