Phần mềm hiện đại, sáng tạo
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ là bác sĩ, nên cậu học trò Nguyễn Lê Gia Thịnh, lớp 7, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Vị Thanh, Hậu Giang) có niềm đam mê ngành y. Ngoài thời gian học ở trường thì những ngày nghỉ, Gia Thịnh thường được mẹ là bác sĩ Lê Thị Cương, Trưởng Khoa nội Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang dẫn vào bệnh viện.
Cậu học trò cấp 2 này quan sát các bác sĩ khám chữa bệnh, xem mẹ cập nhật phác đồ điều trị… Mỗi lần thấy mẹ tra cứu bệnh lý phải mất nhiều thời gian để tra phác đồ dày cả nghìn trang giấy, làm cho Gia Thịnh băn khoăn. Bên cạnh đó, khi xem báo đài, thấy những nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu… vẫn có xảy ra tình trạng sử dụng sai thuốc làm ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Từ đó, cậu bé 13 tuổi nảy sinh ý định viết phần mềm y khoa về chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Cậu học trò Nguyễn Lê Gia Thịnh |
Đầu tiên, Thịnh tìm những sách vở, truy cập mạng về y khoa của các nước tiên tiến trên thế giới và cả những bệnh viện lớn trong nước để chọn những tài liệu chính thống. Trong rất nhiều phiên bản thì Gia Thịnh chọn ra những phiên bản mới nhất, để làm dữ liệu. Miệt mài thiết kế “bộ khung” mất gần sáu tháng, phần mềm “Sức khỏe cho mọi người” mới cơ bản định hình.
Theo đó, phần mềm gồm các chuyên mục như: Phác đồ điều trị bệnh, sự tương tác của các loại thuốc, tư vấn sức khỏe, kiến thức y khoa, các quy trình kỹ thuật… Thí dụ như, muốn tìm loại thuốc A tương tác với thuốc B để điều trị chứng bệnh gì thì chỉ cần gõ tên thuốc A là cho ra kết quả ngay. Hay như muốn tìm phương pháp trị bệnh nào đó, chỉ cần gõ vào bệnh lý sẽ cho ra các hướng trị bệnh… Phác đồ điều trị được chia theo từng chuyên ngành như ngoại, nội, sản, nhi, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt… Các bác sĩ chỉ cần nhấp chuột vào bệnh lý nào, mã số, chuyên ngành… thì lập tức hiện ra phác đồ điều trị. Hiện tại, Gia Thịnh cập nhật hơn 300 phác đồ điều trị. Đối với phần “tương tác thuốc”, Gia Thịnh cũng bỏ công sức tìm kiếm khoảng 7.000 loại thuốc khác nhau để đưa vào phần mềm.
Kết quả bước đầu là vậy, song cha mẹ của Gia Thịnh vẫn chưa an tâm bởi phần mềm chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định. Bác sĩ Nguyễn Văn Út (cha của Gia Thịnh, hiện công tác ở Sở Y tế Hậu Giang) động viên con trai gửi phần mềm y khoa tham dự cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật” năm 2014 tỉnh Hậu Giang, do Sở Khoa học & Công nghệ Hậu Giang phối hợp Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Hậu Giang, Sở Thông tin & Truyền thông Hậu Giang… tổ chức. Tại cuộc thi này, phần mềm y khoa của cậu học sinh lớp 7 đã vượt qua rất nhiều đề tài sáng tạo khác để giành giải nhất.
Giấc mơ “phòng khám điện tử”
Ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, rất bất ngờ trước sự thông minh và sáng tạo của cậu bé lớp 7 khi thiết kế phần mềm y khoa độc đáo này. Đây là phần mềm có khả năng giúp ích trong khám và điều trị bệnh. Hiện phần mềm này đã được Khoa Nội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang sử dụng. Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hậu Giang nhận xét: “Em là một hiện tượng của Hậu Giang, rất cần được bồi dưỡng để tiếp tục phát huy sự thông minh của mình”. Sau khi đoạt giải nhất của cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật” năm 2014, mới đây, phần mềm y khoa của Gia Thịnh tiếp tục đoạt giải nhất tại cuộc thi sáng tạo dành cho tuổi “Thanh thiếu niên nhi đồng” tỉnh Hậu Giang năm 2015.
Gia Thịnh bộc bạch: “Những kết quả trên chỉ là bước đầu và phía trước là chặng đường rất dài mà em đang tiếp tục phấn đấu. Năm học 2015-2016 này em lên lớp 8, cùng với học thật giỏi, thì em đang ôm ấp giấc mơ thiết kế “Phòng khám điện tử” để mọi người đỡ vất vả khi phải tới bệnh viện chờ đợi quá lâu”.
Gia Thịnh chia sẻ: Với “phòng khám điện tử”, người bệnh chỉ cần ngồi tại nhà và gõ những thông tin như “tên tuổi, nơi ở, nghề nghiệp, đang bị bệnh gì, triệu chứng ra sao, bị lúc nào… Cần khám ở bệnh viện nào, bác sĩ nào khám, thời gian nào? Sau đó gửi thông tin này qua email cho bệnh viện và bác sĩ mà mình muốn khám. Khi bệnh viện và bác sĩ nhận được thông tin yêu cầu của bệnh nhân thì trả lời lại qua email về “thời gian khám, lúc mấy giờ, phòng mấy…”.
Bệnh nhân nhận được sự phản hồi của bác sĩ thì sẽ sắp xếp đến phòng khám đúng giờ và được khám bệnh ngay chứ không phải thực hiện các khâu như “bốc thăm số, ngồi chờ phòng, khoa…”, rất mất thời gian như hiện nay. Và khi khám xong, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh, hướng dẫn cách phòng trị, cho toa thuốc, cách uống, giờ tái khám… trên email luôn để người bệnh thuận tiện. “Nếu thực hiện được mô hình“phòng khám điện tử” sẽ vô cùng tiện lợi và giảm rất nhiều thời gian cho người bệnh và bệnh viện”, Gia Thịnh nói.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Ngày đầu tiên đi học, làm gì để bé không sợ đến trường?