Hiện trường loang lỗ vết sơn trên nhà anh T. sau những lần bị giang hồ khủng bố |
Theo tường trình của ông T.: “Trong thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, gia đình tôi nhiều lần bị kẻ lạ mặt đe doạ, khủng bố, phá hoại tài sản, dùng xăng dầu, sơn tạt vào nhà hoặc chặn đường tạt chất lỏng. Lo sợ nguy hiểm tới tính mạng, tôi đã phải đem vợ và con vừa sinh được 2 tháng tuổi bỏ nhà đi lánh nạn nhưng cũng không xong, bọn chúng tới trường tìm gặp con tôi… Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên công an phường, công an quận nhưng không hiểu sao, vẫn chưa thấy cơ quan công an có động thái can thiệp, giúp đỡ…”
Theo ghi nhận từ camera, lúc 21 giờ 26 phút ngày 13/4/2020, một đối tượng cao khoảng trên 1m62, lưng đeo ba lô màu đen, đi xe gắn máy mang biển kiểm soát 60B2-157XX, đầu đội nón bảo hiểm màu xanh, giữa có vệt sơn đen, đeo khẩu trang màu trắng kéo xuống dưới cằm. Người này mặc áo dài tay 2 màu đỏ đen, quần soọc lửng màu trắng, chân đi dép kẹp. Đối tượng chạy đến trước số nhà 79/51/11 đá chống xe dừng lại, ngó nghiêng quan sát, vừa hút thuốc là vừa điềm nhiên cầm một mảnh giấy đối chiếu với địa chỉ nhà và bắt đầu xuống xe, đập cửa...
Sau đó, đối tượng này quay lại xe, rút tập giấy in nội dung nợ nần, hình ảnh con nợ tung ra trước cửa nhà và lấy ra một chai nhựa chứa chất lỏng màu đỏ, mở nắp rồi tạt tung toé vào nhà. Điều đáng nói là, dù đi một mình nhưng đối tượng này hành động không có gì e dè hay sợ sệt và có vẻ thành thạo. Khi tạt chất lỏng màu đỏ lần thứ nhất, thấy chai còn dư gần một nửa, đối tượng này đã bình tĩnh tạt nốt phần chất lỏng còn lại rồi mới bỏ đi.
Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã tới trình báo sự việc với công an phường 11, quận Gò Vấp đến xác minh hiện trường (có hình ảnh và trích xuất camera đính kèm). Tuy nhiên, 4 ngày sau, tức khoảng 23 giờ ngày 17/4/2020, người tạt sơn đó tiếp tục quay lại. Lần này, đi kèm với một người khác trên xe gắn máy biển số 59E-416XX, cũng đều đeo khẩu trang và có hành động tương tự như lần một là mở nắp can nhựa màu trắng, rót chất lỏng màu đỏ, tạt vào số nhà nói trên. Sau đó, cả hai thản nhiên rời đi.
Gia đình tôi trình báo sự việc với Công an phường 11, quận Gò Vấp đến xác minh. Tại hiện trường, ghi nhận ngoài nhà cửa bị dính sơn, các vật dụng khác cũng vương vãi sơn, dầu hôi…
Sau 2 lần bị khủng bố tại nhà và ngoài đường, gia đình tôi có báo công an phường nhưng chưa được giải quyết. Ngày 20/4, ngoài việc gửi đơn lên công an phường kêu cứu, tôi đã gửi thêm đơn kêu cứu khẩn cấp tới công an quận Gò Vấp và công an TP.HCM.
Ngày 27/4, tôi nhận được phản hồi từ công an TP.HCM là đã chuyển đơn về Công an quận Gò Vấp xem xét, giải quyết.
Lo lắng cho sự an toàn của mọi người trong gia đình, con còn quá nhỏ, vợ mới sinh, mấy tháng qua, tôi đã bỏ ngôi nhà đang ở đưa gia đình đi lánh nạn. Nhưng sự việc đáng sợ hơn khi con gái tôi kể lại, cách đây vài hôm cháu đã bị một thanh niên lạ mặt, đeo khẩu trang, tìm tới tận sân trường nơi cháu đang theo học, hỏi cháu có phải con của tôi hay không? Sau khi nghe con kể lại, tôi tìm hỏi người thân, anh em họ hàng quen biết thì được biết không có ai tìm con tôi làm gì, vào thời điểm đó… Hiện tại, cả gia đình tôi đều rất hoang mang, lo sợ và bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng…”
Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên Ngày nay đang liên hệ với chính quyền địa phương để có phương án can thiệp, tránh những điều đáng tiếc xảy đến.
Theo ông Châu T., trước giờ ông không mượn nợ cá nhân, ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào. Nhưng hồi tháng 2/2020, thì bất ngờ gia đình ông nhận được những cuộc điện thoại đòi nợ. Đến tháng 4/2020, cụ thể là ngày 10 và ngày 13, gia đình ông T. nhận được 2 giấy đòi nợ hơn 128 triệu đồng từ một công ty xử lý nợ của đơn vị tài chính mà Ngày Nay đã nhắc đến trong loạt bài “Đòi nợ kiểu Bất lương” và giấy đòi nợ 139 triệu đồng của công ty đòi nợ thuê S…. Tuy nhiên, người vay nợ lại có tên là Châu L.
“Châu L. là em ruột tôi, trước đây, L. có đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ 79/51/11 (tức nhà tôi), nhưng đến năm 2016, khi công việc ổn định, lập gia đình thì L. đã chuyển hộ khẩu và sinh sống tại một địa chỉ khác. Việc ông Châu L. vay nợ ra sao, bao nhiêu, của ai.. Tôi và người thân trong gia đình tôi không biết. Tôi đã tới gặp bên bộ phận xử lý nợ để báo họ biết nhưng… tình hình càng lúc càng nghiêm trọng”- Ông T. trình bày.