Vào khoảng 12h15 trưa nay, trước cửa nhà số 203, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần cầu vượt Lê Hồng Phong), phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng “nghệ sỹ đường phố” Đỗ Bá Lý (82 tuổi) đã qua đời vì TNGT nghiêm trọng.
Ảnh chụp tại hiện trường vụ tai nạn |
Các nhân chứng cho biết trưa nay, sau khi kéo đàn ở ngã tư, cụ được xe ôm đến đón về nhà ăn cơm thì bị xe đầu kéo 40 feet có BKS 15R-039.03 đi cùng chiều gây tai nạn.
Chiếc container cán qua người khiến cụ tử vong tại chỗ, người lái xe ôm bị thương nặng đã được người dân đưa đi cấp cứu, theo Vietnamnet
Chiếc đàn Vilolon đã ở bên người nghệ sĩ cho đến phút cuối đời. Ảnh: Vietnamnet |
Đôi giàu của cụ Lý bị văng ra được người dân nhặt gọn lại. Ảnh: Vietnamnet |
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng đã có mặt, phong toả, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và đưa thi hài ông Lý về Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp để quàn tại đó. Bà Lý Thị Hải, vợ ông Lý cũng có mặt tại hiện trường sau khi tai nạn xảy ra, báo Dân trí đưa tin.
Người nghệ sĩ già với cuộc đời nhiều nốt trầm
Chắc hẳn những người dân Hải Phòng không lạ gì tiếng đàn của cụ Đỗ Bá Lý, người nghệ sĩ với cuộc đời đầy gian truân với cây đàn Violon mưu sinh khắp đường phố Hải Phòng.
Hình ảnh người nghệ sĩ già với cây đàn Violon đã trở thành hoài niệm của nhiều người Hải Phòng |
“Nghệ sỹ đường phố” Đỗ Bá Lý sinh năm 1935, là người Hải Phòng gốc. Ngay từ nhỏ gia đình đã phát hiện năng khiếu âm nhạc của ông nên đã sớm cho ông theo học nhiều loại nhạc cụ trong đó có đàn violin.
Thời kỳ bao cấp, ông Lý được Đoàn Cải lương Hải Dương đón nhận, ông trở thành nhạc công của đoàn và lập gia đình trong giai đoạn này. Sau đó vợ ông tái phát bệnh tim bẩm sinh và mặc dù ông đã dốc hết sức lực cùng tài sản để mong giành lại sự sống cho người vợ nhưng cũng không thắng nổi mệnh trời. Vợ mất, nhà cửa không còn, một nách 3 con dại, ông Lý như rơi xuống vực thẳm.
Tuy nhiên số phận dường như đã mỉm cười khi ông gặp và tái giá với bà Lâm Thị Hải (khi đó là công nhân Xí nghiệp mì sợi Hải Phòng) vào năm 1979. Do cuộc sống khó khăn, ông bà quyết định không sinh con mà tập trung nuôi dạy con riêng của mỗi người. Cứ thế ông bà đã bên nhau cùng vượt qua những năm tháng gian khó, nuôi dạy các con.
Thế nhưng cuộc đời dường như chẳng ưu ái đối với ông bà, khi tuổi đã già, sức đã cạn thì các con riêng của ông bà người chẳng may mất vì bạo bệnh, người phiêu dạt làm ăn xa nên ông bà vẫn phải tự bươn chải, xoay sở lo cho nhau.
Cái khổ không buông tha vợ chồng già, bà Hải trong một lần đi bán rau ở chợ không may bị tai nạn gãy chân. Gánh nặng dồn cả lên đôi vai gầy của ông Lý nên ông đành mang sáo ra chợ thổi để có tiền lo cho mình cùng người vợ ốm đau.
Sau rồi ông cũng tích cóp mua được chiếc đàn violin cũ và từ đó cây đàn trở thành vật bất ly thân, theo ông suốt những năm tháng sau này để mưu sinh. Bà Hải, vợ ông sau này được xuất viện nhưng lúc nào cũng phải có cặp nạng gỗ làm bạn.
Hai ông bà thuê trọ ở gần trường ĐH dân lập Hải Phòng. Căn phòng ở một xóm trọ sinh viên, nhỏ xíu chỉ chừng hơn 10m2. Hàng ngày đều đặn ông Lý mang theo cây đàn ra khỏi nhà mưu sinh và trở về nhà khi tối muộn. Cuộc sống tuy nghèo nhưng ông bà sống rât hòa thuận, vui vẻ, chẳng ai nghe thấy ông bà to tiếng với nhau bao giờ.
Một nhóm tình nguyện sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của ông bà Lý đã tìm đến chia sẻ, động viên và giúp đỡ. Ông Lý đã được mời giảng dạy cho lớp học về đàn violin cho một trường học. Và thế là hàng ngày, cứ ban ngày là một “nghệ sĩ violin đường phố” đến tối lại là một giảng viên, truyền dạy những kỹ thuật và hiểu biết của mình tới các học viên.
Những tưởng ông Lý sẽ có những tháng ngày cuối đời an yên, tai nạn đã xảy đến với ông, bỏ lại người vợ già đau yếu, người nghệ sĩ già cùng cây đàn không thể cất lên những nốt nhạc như trước.