Nghi lễ tuyên thệ trước Quốc kỳ nên có sự điều chỉnh hợp lý hơn?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Nghi thức tuyên thệ không có gì cần phải thay đổi. Vì người tuyên thệ đứng trước lá cờ như vậy là hợp lý”.
Nghi lễ tuyên thệ trước Quốc kỳ nên có sự điều chỉnh hợp lý hơn?

Không có gì là bất hợp lý

Lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam có một nữ Chủ tịch lãnh đạo. Lần đầu tiên, Quốc hội chứng kiến lễ tuyên thệ của lãnh đạo cao nhất. Có lẽ, vì những cái đầu tiên đó mà lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân càng thêm thiêng liêng, trang trọng và được đồng bào cử tri cả nước đón chờ với những tình cảm đặc biệt.

Cộng đồng mạng liên tục chia sẻ bức ảnh Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ và bày tỏ sự xúc động, trang nghiêm.

Tuy nhiên, nhiều độc giả của báo Người Đưa Tin thắc mắc gửi đến tòa soạn về việc, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước Quốc kỳ nhưng nhìn vào những bức ảnh được truyền thông đăng tải, lá cờ Tổ quốc lại đứng phía sau lưng Chủ tịch.

Như thế có sự vô lý nào không?

Để rộng đường dư luận và giải đáp thắc mắc của độc giả, phóng viên đã có trao đổi với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bên hành lang Quốc hội sáng 1/4.

Nghi lễ tuyên thệ trước Quốc kỳ nên có sự điều chỉnh hợp lý hơn? ảnh 1

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn của PV bên hành lang Quốc hội. (Ảnh Dương Thu)

Theo đó, việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước Quốc kỳ là điều đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và không có gì bất hợp lý.

“Tuyên thệ trước Quốc kỳ tức là người tuyên thệ đứng trước lá cờ. Đây không phải một hình thức mới mà từ năm 1946, Bác Hồ đã tuyên thệ tại đình Tân Trào. Lúc đó, Bác đứng trên hòn đá, hướng mặt về phía cửa nhà Tân Trào, phía sau Bác có lá cờ Tổ quốc và Bác tuyên thệ rất trang trọng, linh thiêng. Trước đây, Bác Hồ đã từng tuyên thệ như thế”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Phóng viên đặt câu hỏi, liệu có sự điều chỉnh nào cho những lần tuyên thệ tiếp theo ví dụ như ý kiến của một số dư luận cho rằng nên để lá cờ ở phía trước người tuyên thệ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Nghi thức đó không có gì cần phải thay đổi. Vì người tuyên thệ đứng trước lá cờ như vậy là hợp lý”.

“Đây là điều đã được quy định trong Điều 70 của Hiến pháp và nằm trong nội quy kỳ họp (sửa đổi) đã được đa số đại biểu bấm nút thông qua từ kỳ họp trước. Theo đó, bốn chức danh chủ chốt của Nhà nước (bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao) sẽ có không quá 3 phút đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp ngay sau khi được bầu”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: “Lời tuyên thệ là do Hiến pháp quy định. Nội dung lời tuyên thệ đã được ghi rõ trong Hiến pháp: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là bắt buộc trong mỗi lời tuyên thệ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong lời hứa có cái chung mà hiến pháp đã quy định, còn ý đằng sau đó không thể giống nhau được. Tùy vào chức vụ tuyên thệ sẽ được các cá nhân điều chỉnh cho hợp lý. Tuy nhiên, lời tuyên thệ sẽ không quá 3 phút. Điều này cũng được Hiến pháp quy định”.

Nghi lễ tuyên thệ nên có sự điều chỉnh?

Liên quan đến nghi lễ tuyên thệ, nhiều ĐBQH lại cho rằng nên có sự thay đổi để tăng tính trang nghiêm.

Nghi lễ tuyên thệ trước Quốc kỳ nên có sự điều chỉnh hợp lý hơn? ảnh 2

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, nghi lễ tuyên thệ mới nên điều chỉnh cho trang nghiêm và trang trọng hơn nữa.

(Ảnh Dương Thu)

Đánh giá rất cao lời tuyên thệ ngắn gọn, súc tích, không khí trang nghiêm, nhưng ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Việc đứng trước cờ tuyên thệ tức là lá cờ ở phía sau lưng mình. Phải chăng, chúng ta nên điều chỉnh đưa lá cờ lên phía trước đứng cùng người tuyên thệ để có thể nhìn vào lá cờ.

Có ý kiến nói rằng người tuyên thệ nên quay lên nhìn vào cờ nhưng tôi thấy nếu quay mặt lên như thế thì cũng không hợp lý, cũng khó cho truyền thông. Cho nên, có thể đứng chếch sang hoặc như thế nào đó thì cần tham khảo thêm”.

Nói về lễ tuyên thệ, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đây không phải điều mới. “Thực ra, chúng ta đang trở lại với những giá trị truyền thống chứ không có gì mới với hình thức tuyên thệ này.

Cách đây gần 10 năm, tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội về hình thức tuyên thệ này. Tôi nói rằng, nơi các vua Hùng khởi nghiệp ngày nay, chúng ta còn di tích cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh. Trong lịch sử chúng ta thấy có hội thề Đông Quan. Trong lịch sử cận đại, kết thúc quốc dân đại hội Tân Trào, Ủy ban giải phóng dân tộc đọc tuyên thệ trước hòn đá thề đến nay vẫn còn chứng tích, Cụ Hồ đọc tuyên ngôn độc lập xong cũng thề…

Tuyên thệ là một nghi thức, một tập quán đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Nó phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đúng là với Quốc hội Việt Nam là lần đầu tiên nhưng là chúng ta đang trở lại với những giá trị truyền thống”.

Đánh giá về việc tuyên thệ, ĐB Dương Trung Quốc nói: “Rõ ràng như chúng ta thấy thì tuyên thệ không phải là hình thức mà thực sự đánh thức trách nhiệm của mỗi người, kể cả người đọc lời tuyên thệ đến những người chứng kiến”.

“Hôm qua tôi đã viết thư cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và rất mong được tiếp thu ý kiến. Theo tôi, phải chăng các đại biểu khi chứng kiến lời tuyên thệ thì nên đứng dậy, còn Đoàn Chủ tịch cũng nên đứng xuống phía dưới để cùng chứng kiến”, ĐB Dương Trung Quốc đưa ý kiến.

ĐB Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng nghi lễ tuyên thệ nếu như được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước được chứng kiến thì sẽ trang trọng, để lại dấu ấn hơn.

Theo lịch làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày mai mùng 2/4, sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch nước cũng sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc kỳ.

Dương Thu

Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.