Được cấp chỉ 180 nghìn USD vẫn thừa phân nửa
Sau kỳ tích lần đầu lên ngôi nhất SEA Games với 17 HCV, điền kinh đã trở thành mũi nhọn số 1 của TTVN. Ngành thể thao khẳng định sẽ không chỉ đầu tư tối đa, mà sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của các tuyển thủ xuất sắc. Các nhà quản lý môn này thậm chí còn bức xúc với khoản kinh phí 180 nghìn USD được phê duyệt cho việc xuất ngoại tập huấn thi đấu.
Tưởng như số kinh phí hãy còn khiêm tốn này sẽ được sử dụng hiệu quả cho quá trình chuẩn bị của các tuyển thủ trọng điểm thì đến giờ, ngay trước thềm Á vận hội, điền kinh Việt Nam lại xảy ra nghịch lý “thừa tiền” kỳ lạ.
Bởi thế thay vì thỏa sức thi tài rèn chân ở các trung tâm hàng đầu , những niềm hi vọng Bùi Thu Thảo, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh lại chỉ tập luyện ở Nhổn, có mười ngày sang Côn Minh Trung Quốc để thay đổi không khí. Càng bi hài hơn ở đây nguyên nhân có tiền mà không thể tiêu, việc các HLV, VĐV không muốn tập huấn ở Mỹ, Nhật Bản theo lý giải của những người có trách nhiệm, xuất phát từ chính sự lựa chọn của họ, mà lãnh đạo phải tôn trọng.
Những người có trách nhiệm đã cố tình lờ đi phần cầm chịch của mình, khi không có kế hoạch sớm, không hỗ trợ liên hệ địa điểm, không thể hiện vai trò quyết định của mình. Nhà vô địch nhảy xa châu Á và SEA Games Bùi Thu Thảo có lý do để không mặn mà với chuyện xuất ngoại, khi mà mãi tháng 3 mới bắt đầu được tính đến.
Rốt cuộc, kế hoạch, nhiệm vụ quan trọng nhất năm là chuẩn bị ASIAD, nói cách khác là đầu tư tiền để ra thành tích của điền kinh Việt Nam đã thất bại, với nghịch lý thừa tiền cười ra nước mắt. Đây cũng chính là một sự lãng phí ghê gớm, mà chính những niềm hi vọng như Thảo, Lan, Oanh phải lãnh đủ và trả giá, có thể quá đắt ở cuộc đấu vào tháng 8 tới.
Cả một kế hoạch, nhiệm vụ đã bị đổ bể mà người ta vẫn chỉ coi như một sự đã rồi đáng tiếc, đáng buồn và không ai phải chịu trách nhiệm. Câu chuyện đơn giản là nếu không kịp đầu tư cho ASIAD thì sẽ cố tiêu hết trong năm để chuẩn bị cho…. SEA Games năm 2019.
Có lẽ cũng chỉ ở TTVN mới có chuyện, mọi thất bại đều được đổ hết cho chuyện thiếu tiền, thiếu song khi có tiền lại không biết, không thể đầu tư cho hiệu quả, thậm chí còn lãng phí nghiêm trọng, như ở môn điền kinh.
Mạnh ai nấy chạy
Đã có sự biến chuyển về chất, điền kinh lập tức được quan tâm và trở thành môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam. Từ địa phương cho đến tổng cục, tất cả đều có sự đầu tư đáng kể cho điền kinh để cùng nhau hướng tới Asiad, điển hình như Tổng cục sẵn sang chi 180 nghìn USD cho tuyển thu xuất ngoại tập huấn, ở địa phương thì TP HCM cũng có ngân sách nguồn nhân lực đưa Lê Tú Chinh sang Mỹ. Nhưng cái cách chuẩn bị để đột phá hơn nữa về chất cho Asiad thì dường như vẫn mang tính thời vụ, dàn trải kiểu SEA Games.
Niềm hi vọng Bùi Thu Thảo |
Bằng chứng là, như chúng tôi đã đề cập trong phóng sự trước, phía Tổng cục khẳng định thừa kinh phí nhưng ngoại trừ Lê Tú Chinh, các VĐV khác vì nhiều lý do hậu trường vẫn tập ở địa phương hay những VĐV kỳ vọng như Bùi Thu Thảo, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Oanh, Dương Thị Việt Anh vẫn tập tại Nhổn hoặc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh. 3 tuần trước kỳ đại hội, họ có đợt sát hạch cuối cùng ở giải điền kinh quốc tế TP HCM mở rộng. Vậy với kiểu đầu tư dàn trải và thiếu tập trung, liệu điền kinh Việt Nam có thể tranh chấp sòng phằng vàng tại Asiad?
Nỗi buồn phía sau “ngoại lệ” Lê Tú Chinh
Sau kỳ tích Sea Games 29, từ đầu tư chuyên gia, giáo án khoa học, dinh dưỡng cho đến cơ sở vật chất, điền kinh Việt Nam đã được quan tâm hơn rất nhiều ở mỗi địa phương. Nhưng nói gì thì nói, để đột biến về chất, các VĐV Việt Nam cần được tôi rèn dài hạn, có chiến lược trong một môi trường chuyên nghiệp hơn. Và đó là lý do TP HCM quyết đưa tài năng trẻ Lê Tú Chinh đi sang Mỹ tập huấn dài hạn dưới sự kèm cặp của các chuyên gia hàng đầu thế giới của học viện IMG, bằng kinh phí nguồn nhân lực của thành phố.
Trong khi các VĐV mũi nhọn ở Việt Nam chỉ tập huấn ngắn hạn tại Trung Quốc rồi lại trở về các đơn vị hoặc các trung tâm huấn luyện quốc gia luyện Asiad, để rồi trước ngày đến đại hội thì tổng duyệt bằng giải quốc tế TP HCM mở rộng thì tại học viện IMG ở Mỹ, Tú Chinh tập dài hạn, có chiến lược phát triển từng bước với các chuyên gia, thường xuyên tham dự các giải ở nhiều tiểu bang với các đối thủ mạnh, để cọ sát chuyên môn thực thụ. Đây rõ ràng là hướng đầu tư đúng nhất mà TP HCM dành cho tài năng trẻ của mình.
Nhưng Lê Tú Chinh là tương lai của điền kinh Việt Nam, vẫn đang được các chuyên gia Mỹ gọt rũa từng ngày trong chiến lược đào tạo ít nhất 3 năm để thay đổi về chất, từ đẳng cấp khu vực lên tầm thế giới. Hiện tại, niềm hi vọng vàng số 1 thuộc về VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo. Nên nhớ, thông số cao nhất 6m68 của Thu Thảo đã vượt qua mức HCV Asiad 2014 tới… 13 cm. Nhưng trong một năm qua, Thảo chuẩn bị cho Asiad tại Nhổn thế nào? Có một sự trùng hợp không vui, Thu Thảo vừa giành HCV tại giải điền kinh quốc tế TP HCM mở rộng – giải đấu được xem là bài test cho Asiad. Nhưng thành tích chỉ là 6m55, tụt so với thành tích của chính chị lại tới… 13 cm? Vậy trong những ngày tháng ở Nhổn, Thảo có suy nghĩ về nước Mỹ, nơi có đàn em Tú Chinh?