Chùa Chuông (Kim Trung Tự) mang trong mình một giá trị văn hóa, tinh thần trường tồn của một đô thị cổ sầm uất phồn thịnh. Người ta từng ngợi ca một tiểu “Tràng An” vào thời kỳ 16, 17 nổi tiếng như câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
Tên gọi chùa Chuông bắt nguồn từ truyền thuyết vào một năm xảy ra trận đại hồng thủy, xuất hiện một quả chuông lớn đúc bằng vàng đặt trên bè gỗ trôi trên sông. Dân làng nhiều nơi đua ra kéo nhưng quả chuông vẫn không nhúc nhích. Một ngày kia chuông vàng dạt vào bãi sông thuộc làng Nhân Dục.
Sư tổ chủ trì tại ngôi chùa này cùng các hương lão và nhân dân rất vui mừng. Họ cho là trời phát ban chuông quý liền làm lễ kéo chuông lên bờ và rước vào chùa. Người làng kể lại, khi thỉnh tiếng chuông vang lên âm thanh trong sáng, tiếng vang xa hàng vạn dặm, dân tình các nơi nghe thấy đều phấn chấn. Sau đó không lâu, kẻ gian đóng giả các cao tăng đến chùa mưu lấy cắp chuông vàng. Sư tổ trong chùa biết được dã tâm đó liền giấu chuông đi. Dần dần những người đi giấu chuông đều viên tịch hết. Hậu thế muốn tìm lưu lại chuông không biết ở đâu.
Cổng Tam Quan. |
Để tưởng nhớ chuông vàng đã từng ở chùa, các tăng ni Phật tử cùng nhân dân liền đổi tên chùa thành Kim Chung Tự (Chùa Chuông vàng).
Chùa Chuông là nơi tôn thờ đức Phật, thờ Mẫu, thờ Tổ, thờ đức Vua Thần Nông…, khuyên răn con người sống hướng thiện, tu nhân tích đức. Tương truyền chùa được khởi dựng từ sớm vào thế kỷ thứ III, trùng tu lớn vào thời Hậu Lê, chùa xây dựng với kết cấu kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” liên hoàn cùng “tứ thủy quy đường”, gồm nhiều hạng mục công trình mang đậm nét kiến trúc mỹ thuật thời Hậu Lê. Từ ngoài vào là cổng Tam Quan, làm kiểu chồng diêm 3 tầng với dáng vẻ uy nghi, hài hòa, mặt sau Tam quan có đôi câu đối ca ngợi sự linh thiêng của chùa “Kim Chung phật tích thiên niên kỷ- Thạch bích linh truyền vạn cố hương” (Dấu phật chuông vàng nghìn năm ghi mãi - Đá xanh linh ứng muôn thuở tỏa hương).
Qua Tam Quan là ao chùa hiện đang nuôi nhiều đàn cá vàng rất đẹp. Có cầu đá xanh cổ nổi tiếng quý hiếm bắc qua kế tiếp là khoảng sân rộng là khu nội tự gồm tiền đường, thượng điện, hai dãy hành lang, gác chuông, gác khánh, nhà thờ, nhà mẫu và nhà thờ tổ.
Ban Tam bảo. |
Hiện tại chùa Chuông còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật rất có giá trị về mặt mĩ thuật, lịch sử và văn hóa. Đó là những bức đại tự, câu đối, chuông đồng, khánh đá,… với ý nghĩa phong phú, sâu sắc, đậm tính nhân văn. Tiêu biểu là các di vật cầu đá xanh, cây hưng đá (thanh thiên đài) được làm năm Chính Hòa thứ 23 (1702). Quý hiếm hơn là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Văn bia ca ngợi chùa là nơi danh thắng hào khí anh linh và ghi tên những người có công đức tu tạo chùa thời phố Hiến hưng thịnh.
Đặc biệt chùa Chuông có tiếng bởi hệ thống tượng phong phú đặc sắc: Thập bát La hán, Thập điện Diêm vương, cùng bộ Tứ trấn và Bát bộ Kim cương... Mỗi pho tượng mang một sắc thái dáng vẻ khác nhau được các nghệ nhân đương thời tạo tạc rất công phu, sống động và uyển chuyển. Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích danh lam lịch sử phố Hiến xưa.
Từ sau ngày được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992, chùa Chuông được sự quan tâm của nhà nước, chính quyền, sư chủ trì và nhân dân địa phương đã đầu tư trùng tu lớn, tôn tạo rất khang trang.
Chùa Chuông đã và đang sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của mỗi du khách khi về thăm Hưng Yên. Trong tâm thức của mỗi người, chùa Chuông mãi mãi “ Đệ nhất danh lam” của mảnh đất phố Hiến hưng thịnh và bạn bè quốc tế. Đúng như người xưa đã ca ngợi:
Chùa Chuông thành tráng lệ
Nhà ngọc xưa bụi trần
Hổ ngồi trên núi gấm
Rồng chầu dải sông ngân
Đất thiêng người tuấn kiệt
Vật báu trời phát phân
Cảnh phúc dài vạn kiếp
Công đức mãi ngàn xuân…