Nằm cách thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) hơn 30 km, làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) nổi tiếng với những ngôi nhà cổ đẹp. Trong đó có ngôi nhà gần 200 năm của ông Nguyễn Đình Hoan (56 tuổi).
Ngôi nhà nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, hướng ra cánh đồng lúa, cao hơn những nhà trong làng khoảng 50 m. Con ngõ dẫn lên ngôi nhà nhỏ hẹp, một bên là bờ đá hàng trăm năm tuổi rêu phong phủ kín, một bên là hàng chè tàu được cắt tỉa kỹ càng.
Ông Hoan là chủ nhân đời thứ tư của căn nhà 3 gian 2 chái. Nằm trong khuôn viên vườn rộng hơn 4 hecta, phía trước ngôi nhà có bể cá, vườn cây cảnh. Toàn bộ căn nhà cũng như bàn ghế, sập... còn chắc chắn.
"Nó nổi tiếng không chỉ vì đẹp, còn nguyên vẹn mà bởi có nhiều giai thoại. Đó là chuyện ông Ngô Đình Diệm hai lần hỏi mua nhưng không được", cụ Trần Hanh (92 tuổi), nói. Ngôi nhà rộng hơn 100 m2, làm bằng hàng trăm m3 lõi gỗ mít rừng, do những người thợ mộc nức tiếng làng Văn Hà, nay là xã Tam Thành, Phú Ninh làm trong suốt 12 năm.
Ông Hoan kể, năm 1939 lúc đó ông Ngô Đình Diệm vào thăm anh trai Ngô Đình Khôi đang làm Tổng đốc Nam Ngãi (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi), nghe tiếng ngôi nhà này đẹp đã tìm đến xem và gạ mua.
Nhà gồm 36 cây cột chính, trong đó 16 cột lớn cỡ một người ôm. "Cha tôi kể rằng khi xem xong ngôi nhà, ông Diệm nói một mực phải mua bằng được, đòi bao nhiêu tiền cũng trả nhưng cha tôi nhất quyết không bán. Ông nói nhà do ông nội để lại, không thể bán được. Hôm đó ông Diệm nghỉ lại đây một buổi rồi hụt hẫng ra về", chủ nhân ngôi nhà đời thứ 4 nói. Sau lần đầu mua thất bại, năm 1962, khi đã làm tổng thống, ông Diệm ra lệnh cho quận trưởng tiếp tục đến gạ mua.
Quận trưởng Tiên Phước lúc đó gọi cha tôi lên miết nhưng ông kiên quyết không đồng ý. Không mua được, ông Diệm sau đó gạ đổi nhà. Tổng thống bảo với cha tôi muốn ở nhà nào cũng được, chỉ cần nhượng lại cho ông", ông Hoan kể. Tuy nhiên, cha ông Hoan không đổi. Chuyện lão nông "cứng đầu" không chịu bán nhà cho tổng thống nhanh chóng lan khắp vùng. Nhiều người từ xa nghe tiếng kéo đến xem căn nhà.
Căn nhà còn lưu giữ nhiều đồ đạc từ đời cụ cố ông Hoan. Năm 2014, ngôi nhà được Nhà nước trùng tu, thay thế một số thanh gỗ nhỏ bị mục. Luôn xem ngôi nhà như bảo vật, nhiều khi mưa gió, sợ bị dột, ông Hoan lại hì hục che chắn. "Lõi gỗ mít tuy không bị mối mọt nhưng dính nước là nhanh hư lắm", chủ nhân giải thích.
Cách đây 8 năm, bố ông Hoan mất. "Lúc hấp hối cha dặn sau này nếu kinh tế khá lên thì trùng tu, sửa lại ngôi nhà được thì tốt. Còn không dù nghèo đến mấy cũng không bán, nếu hư hại quá thì cứ để nó sập", ông Hoan kể. Trước đây nhà lợp bằng tranh, đến đời cha ông Hoan thì được thay thế bằng mái ngói âm dương.
Mọi ngóc ngách trong ngôi nhà đều được chạm khắc công phu. "Dù gia cảnh khó khăn nhưng có trả cả gánh vàng tôi cũng không bán ngôi nhà này", ông Hoan khảng khái nói.
Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Tiên Phước, cho biết được nghe cha ông Hoan kể rất nhiều chuyện về nhà cổ. "Trong hồ sơ để công nhận di tích đối với ngôi nhà có đề cập chuyện Ngô Đình Diệm hai lần hỏi mua không bán. Đó là câu chuyện có thật chứ không chỉ là giai thoại", ông Dung nói.
Theo Vnexpress