Cụ thể, ghi nhận trong nhiều ngày qua tại Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh) khá vắng vẻ, rất ít người dân tới làm thủ tục sau khi Thông tư 24 có hiệu lực. Lý do là nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ quy định, thủ tục nên còn e ngại.
Ông Nguyễn Văn Trung (ngụ thành phố Thủ Đức) cho rằng, thủ tục theo Thông tư 24 khá phức tạp so với trước đây. Người dân muốn sang tên, đổi chủ phải làm thủ tục online trước rồi mới tới điểm đăng ký. Việc áp dụng biển số định danh khiến thủ tục sang tên xe phức tạp hơn, tôi chưa biết quy định mới áp dụng như thế nào.
Khi tới đăng ký thì dù cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình làm thủ tục online nhưng mất gần 1 giờ đồng hồ và tôi phải hỏi đi hỏi lại cán bộ tại đây. Hệ thống liên tục báo lỗi lúc được, lúc không.
Tương tự, chị Trần Thị Hoa (ngụ Quận 3) mua xe máy của một người khác cách đây hơn 5 năm. Theo quy định mới, biển số định danh sẽ là của người chủ cũ. Chị Hoa mua mà chưa sang tên. “Giờ nếu muốn sang tên, đổi biển thì phải tìm chủ cũ của xe nhờ làm thủ tục. Tôi tìm người bán xe không được do người này đã chuyển đi nơi khác sống, số điện thoại cũng thay đổi. Nay tôi lên đây mong được cơ quan Công an hướng dẫn cụ thể", chị Hoa chia sẻ.
Từ khi Thông tư 24 có hiệu lực, trung bình mỗi ngày Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ tiếp nhận khoảng 50 - 60 hồ sơ đăng ký xe.
Thiếu tá Hà Xuân Liêm, Đội phó Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho biết, đúng là có tâm lý người dân e ngại vì chưa hiểu rõ quy định của Thông tư mới. Điển hình như vấn đề người dân quan tâm là việc sang tên xe mà không có giấy tờ mua bán xe, tuy đã có quy định rõ ở Điều 31 của Thông tư 24 nhưng nhiều người dân vẫn chưa nắm kỹ.
Theo Thiếu tá Hà Xuân Liêm, trường hợp tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng thì Cơ quan đăng ký xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, cơ quan đăng ký xe phải gửi thông báo cho chủ xe và cơ quan đăng ký xe đã đăng ký cho xe đó; niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký của tổ chức, cá nhân tại trụ sở cơ quan đăng ký xe; tra cứu, xác minh tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe theo quy định tại Điều 15 Thông tư 24.
Liên quan đến nơi đăng ký, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng PC08 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định tại Thông tư 24 thì người dân có thể đăng ký xe ở nơi tạm trú.
Theo đó, trường hợp xe chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu thì Thông tư 24 có quy định rằng: Tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên xe tại cơ quan đăng ký xe nơi có trụ sở, nơi cư trú tại địa phương. Trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ cũng là cơ quan giải quyết đăng ký sang tên xe thì không phải làm thủ tục thu hồi.
Ngoài ra, ghi nhận thêm tại các cửa hàng mua bán xe máy cũ trên các con đường ở quận Phú Nhuận, Quận 5,... rất vắng khách. Ông T.H, chủ một cửa hàng mua bán xe máy cũ trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) cho biết, trước đã vắng khách do kinh tế thì nay càng vắng hơn. Một số hồ sơ sang tên xe của cửa hàng đi làm vẫn chưa có kết quả.