Người nghèo ở phố

(Ngày Nay) - Dịch bệnh khiến người ta phải quay về với những giá trị cơ bản và hướng nội. Mặt khác, nó kéo trái tim con người lại gần nhau hơn, dù họ buộc phải giãn cách về mặt vật lý. Tuy nhiên, hiểu và thông cảm cho nhau, luôn là một quá trình đòi hỏi thời gian, mà quan trọng là gạt đi những định kiến.
Ảnh: Phạm Đức Long
Ảnh: Phạm Đức Long

Đêm qua tôi đọc được một dòng tít trên báo, trong đó có dùng cụm từ “những kẻ giàu sang vô liêm sỉ” để chỉ những người “bộ dạng có điều kiện” đến nhận nhu yếu phẩm được phát miễn phí cho người khó khăn ở Hà Nội.

“Bộ dạng có điều kiện”, theo cảm quan của phóng viên, là dựa trên mấy đặc điểm:
- Đi xe tay ga
- Ăn mặc sành điệu
- Dân sống ở chung cư.

Nghe có vẻ đúng. Thế là phóng viên chĩa thẳng máy ảnh vào mặt “những kẻ có điều kiện nhưng vô liêm sỉ”, khiến họ ngại ngùng quay xe đi vội (cả chi tiết quay xe đi vội này cũng do phóng viên hỉ hả chú thích dưới ảnh).

Người nghèo ở phố ảnh 1

Một người nhận đồ phát chẩn quay xe giấu mặt khi thấy phóng viên giơ máy ảnh
Ảnh: VOV

Phóng viên, và cả những người đi phát đồ miễn phí đều có chung thắc mắc: Những người như thế (ý là không khó khăn), mà lại đi nhận đồ phát chẩn chẳng đáng là bao để làm gì?

Ấy nhưng, một câu hỏi rất rõ ràng ở chiều ngược lại thì không được đặt ra: Nếu với họ số đồ phát chẩn ấy chẳng đáng là bao thật, thì họ “mặt dày” đến nhận làm gì?

Theo chuẩn nghèo áp dụng đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ LĐTB&XH ban hành, thì hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân đầu người/ tháng từ 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng. Được xây dựng từ năm 2015, quy định này là quá thấp và chiểu theo đó, thì rất khó có hộ nghèo ở thành thị. Kiếm 30.000 đồng/ ngày ở thành thị là hoàn toàn không khó, nhưng hàng tháng sống bằng 1.300.000, thậm chí là gấp đôi như thế, thì gần như bất khả thi.

Nghĩa là gì? Ở thành thị, rất khó để “đạt chuẩn hộ nghèo”, nhưng cũng không hề dễ để trụ vững cho một cuộc sống có tích lũy, sao cho cái thang bậc của bản thân trên tháp nhu cầu Maslow vượt khỏi cái đáy của thể lý.

Người nghèo ở phố ảnh 2

Một cái bếp điển hình ở Hà Nội, mọi thứ đều được treo lên để tận dụng không gian
Ảnh: Elle

Hàng xóm của người nhà tôi, sống ngay giữa Thủ đô Hà Nội, có 4 cô con gái. Bốn nàng Tố Nga sàn sàn năm một, học hành tầm tầm, làm những việc tầm tầm, tóm lại đều trông vào nồi bún thang của bà mẹ bán vỉa hè đầu phố. Thu nhập bình quân đầu người tất nhiên vượt chuẩn nghèo áp cho thị dân, kể cả cộng thêm bổ đầu ông bố quanh năm chỉ tập trung lương hưu cho việc đánh đề và mấy đứa cháu lít nhít liên tục phát sinh thêm.

Nhưng họ không cách nào có tích lũy. Bởi thế, mỗi khi đại gia đình ấy có một biến cố cần hơi nhiều tiền, như là ai đó đi viện, như là một đứa bé mới sinh… thì bà mẹ lại chạy vòng quanh xóm vay từng trăm nghìn bạc để đi chợ. Một đứa cháu của bà, năm nay đã 6-7 tuổi, nhưng gần như chưa bao giờ được biết đến sữa bột mà chỉ toàn uống sữa tươi trong hộp giấy (loại bán lẻ mấy nghìn 1 hộp).

Đấy có phải là nghèo không?

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, để đánh giá diện hộ nghèo, ngoài thu nhập thì còn phải xét đến các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Có 10 chỉ số, gồm: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường này, thì cũng tính là hộ nghèo.

Vậy thì xin khẳng định, có vô số hộ gia đình ở Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, không thể đáp ứng các chỉ số về chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; hố xí/ nhà tiêu hợp vệ sinh và thậm chí là nguồn nước sinh hoạt.

Người nghèo ở phố ảnh 3

Một buổi sáng thường thấy ở phố cổ, ngoài đồng hồ nước riêng thì mọi thứ đều chung
Ảnh: Elle

Có rất nhiều số nhà ở phố cổ Hà Nội, bước vào bên trong là cả chục hộ gia đình. Họ chia nhau 1 không gian siêu nhỏ hẹp, mà cách duy nhất để thích ứng với nó là bạn sinh ra ở đấy, rồi lớn lên dần dần. Mấy chục con người chia nhau 1 khoảng sân chung rộng hơn cái chiếu 1 chút, cho mọi nhu cầu rửa ráy, cơm nước. Kinh khủng hơn, họ chia nhau 1 cái cầu tiêu kiểu “xí xổm” cuối ngõ, sát sạt thời gian đến mức, nếu ai đó dậy trễ chỉ 10 phút thôi, thì sẽ phải bấm bụng ôm một cái bàng quang đầy nước tiểu đến chỗ làm mà xả.

Đấy có phải là nghèo không?

Những khu tập thể ngay giữa lòng Hà Nội (mà nay dựa hơi, được gọi cho sang là “chung cư”), có tuổi đời cả nửa thế kỷ, xập xệ và chen chúc. Ở đó, thị dân sống như những ngôi làng nghèo túng, Họ tằn tiện mua thực phẩm ở những chợ cóc do nông dân chuyển đến sáng sớm hoặc chiều muộn. Họ đun nấu bằng bếp than tổ ong, ăn sáng với mỳ tôm chan cơm nguội, và giải trí bằng cách triệt để sử dụng các thiết bị thể dục công cộng được thành phố trang bị dưới các mảnh sân chung.

Người nghèo ở phố ảnh 4

Quang cảnh thường thấy ở các khu nhà tập thể cũ 
Ảnh: Elle

Nếu đâu đó còn giữ được lề thói “tam, tứ đại đồng đường” ở Thủ đô, thì chắc phần lớn là ở các khu tập thể cũ. Như là Thành Công, Trung Tự, Nghĩa Tân, Kim Liên, Giảng Võ… Những cán bộ nhà nước được phân nhà, rồi ở đó sinh con đẻ cháu, chen chúc trong các căn hộ đã được chia 5 xẻ 7, và an lão bằng lương hưu.

Để tồn tại được, họ phải luyện nếp căn cơ. Một đời căn cơ.

Mà đó là chưa đề cập đến những thị dân mới – những người di cư từ nơi khác đến, vật vã mưu sinh. Và để được vào cuộc mưu sinh, chí ít họ phải có được 1 chiếc xe máy, đôi bộ quần áo bảnh bao. Dù rằng chỗ ở của họ có thể chỉ là một tấm đệm mỏng trong một căn chung cư mini vài mét vuông, giá cho thuê vừa túi tiền.

Chiều qua tôi tình cờ gặp cậu em đồng nghiệp cũ. Học xong cao đẳng, suốt mấy năm trời cậu thanh niên lăn như quả trứng hết công ty này đến cơ quan khác, rốt cuộc lương vẫn không quá 4-5 triệu bạc. Bây giờ cậu ngồi nhà, làm dịch thuật cho 1 website nước ngoài, lương khoảng 7 triệu, là ổn. Nhưng đó là 1 website về du lịch, và đại dịch Corona khiến cậu em tôi vào diện nhân công bị sa thải đầu tiên. Cậu xoay sang đi bán đồ online, đúng nhu cầu của xã hội, hiện đang kiếm cũng được. Nhưng đấy có phải là nghèo không?

Người nghèo ở phố ảnh 5

Đấy có phải là nghèo không?
Ảnh: Elle

Quay trở lại với khẩu hiệu của nhiều điểm phát tặng nhu yếu phẩm mùa dịch này: “Nếu bạn khó khăn, xin cứ lấy dùng. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Đó là một khẩu hiệu rất hay, sáng tạo và nhân văn. 

Trong những gói quà có gì? Đôi gói mỳ tôm, vài quả trứng, mấy thanh xúc xích ăn liền. Hoặc sang hơn thì cân gạo, chai nước mắm, chai xì dầu… Quy ra tiền thì nhỏ, nhưng nó thực sự thiết thực, và vì thiết thực nên món quà thật ấm áp.

Vậy nên, nếu có ai đó trông “bộ dạng có điều kiện” lại ghé nhận quà phát chẩn, hãy tin là họ thực sự khó khăn. Bởi vì ngay cả nếu họ không khó khăn đến mức cần gói mỳ hay cân gạo, thì rất có thể họ cần một chút hơi ấm sẻ chia giữa những con người.

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.