Ngồi tìm hiểu sách giáo khoa bậc tiểu học ở Nhật, không thấy có chỗ nào dạy trẻ con nói hay viết những điều chung chung như học tập tốt, lao động tốt; "phải" hiếu thảo với ông bà cha mẹ; "phải" khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên bảng...
Môn đạo đức lớp 1 toàn bài tập thực hành kiểu: quan sát xem ông bà cha mẹ cười tươi vào lúc nào, em nghĩ nên làm gì để cho người thân của mình cười tươi hằng ngày và làm thử xem kết quả ra sao; ra công viên thì tìm sọt rác chỗ nào; công viên là nơi công cộng nên phải để ý không làm phiền những người xung quanh; khi lên xe bus thì chào bác lái xe và trước khi xuống thì nói cảm ơn; đi mua hàng nếu đến sau thì xếp hàng chứ không được chen ngang; hàng ngày gặp mọi người thì chào thật to và cười thật tươi nhưng ở những nơi công cộng không được nói to...
Thực hành trồng trọt, dù là học sinh nông thôn hay thành thị, trẻ đều được đến trang trại/vườn |
Thực hành trồng trọt, dù là học sinh nông thôn hay thành thị, trẻ đều được đến trang trại/vườn của bác nông dân để được nông dân hướng dẫn, cùng gieo hạt, trồng cây hoa/rau quả và chăm sóc cho đến khi thành phẩm thì đi thu hoạch chứ không ngồi học lý thuyết trên lớp hay ở phòng thí nghiệm...
Đến trường học nào cũng vậy, ở trong lớp học hay ngoài vườn, trẻ con đều rộn rã, vui vẻ, tích cực hoạt động chứ chưa thấy lớp học nào mà trẻ ngồi im phăng phắc học... Đối với mình, khi đi trợ giảng môn Quốc ngữ, học trò như là bạn vậy, chúng tự tin khi phát biểu và có thể mạnh dạn trao đổi với cô giáo mà không sợ áp đặt suy nghĩ hay bị rào cản cô trò.
Cũng gần 2 năm lui tới các trường tiểu học, mình thấy rõ một điều: Ở Nhật, giáo viên tiểu học chưa bao giờ là nỗi ám ảnh của phụ huynh học sinh.
Từng theo chân thầy hiệu trưởng ra đến cổng để đón các bé người nước ngoài chuyển đến; đi theo thầy chủ nhiệm đến từng gia đình của hơn 30 học sinh trong 1 lớp suốt một tuần liền để xem xét điều kiện và tình tình học tập ở nhà của các bé ra sao; từng chứng kiến cả hiệu trưởng, chuyên gia và giáo viên chủ nhiệm cùng ngồi tiếp cặp vợ chồng người Việt Nam có con được chẩn đoán là tự kỉ để thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con mình vào lớp học đặc biệt... mới càng thấm thía: Ở đất nước này, phương châm và chính sách giáo dục nhà nước ban ra không phải để nói miệng chơi hay truyền tay nhau đọc cho vui.
Ở Nhật, phương châm là dạy trẻ trở thành người sáng tạo và có ước mơ |
Như trường hợp của bé bị chẩn đoán là tự kỉ, sau khi kiểm tra ở trường, thuê chuyên gia về tự kỉ đến để kiểm tra lần nữa, nhà trường mới mời phụ huynh đến đế giải thích về tình hình và tư vấn. Nếu bố mẹ đồng ý, bé sẽ được học theo chế độ đặc biệt mà nửa thời gian bé học ở lớp bình thường để tránh vấn đề tâm lý cho bé và gia đình , một nửa thời gian bé được học với sự hỗ trợ luân phiên của 4 giáo viên -chuyên viên.
Các buổi khám và họp định kì với phụ huynh, thành phố chi trả toàn bộ chi phí thuê chuyên gia và phiên dịch chứ phụ huynh không tốn đồng nào. Việc mà người ta muốn phụ huynh làm kí vào tờ giấy đồng ý cho con mình theo học chế độ đặc biệt này.
Ở Nhật, sách giáo khoa hay chương trình dạy, phương pháp dạy đều thế hiện rõ phương châm: dạy trẻ trở thành người sáng tạo và có ước mơ. Người ta không dạy trẻ con học thật nhiều chữ hay làm những bài toán khó, thế nên, học tiểu học ở Nhật không lo bị đội sổ hay bị đúp. Các bài kiểm tra có nhưng không có các kì thi cuối kì và thi vào trường chuyên đầy ác mộng đối với học sinh tiểu học.
Ở Nhật, việc làm toán kém và viết chữ xấu không đáng xấu hổ bằng việc không trả lời được câu hỏi: "Lớn lên em muốn làm gì?", "Ước mơ của em là gì?" theo đúng nghĩa đen của nó. Thành ra nếu con bạn có tố chất và muốn làm toán khó, bạn có thể đưa con đi học thêm ở bên ngoài chứ nhà trường không có các lớp bồi dưỡng Văn, Toán... Trường tiểu học ở đây chỉ có các đội hợp xướng, đội bóng chày, đội bơi thành tích cao... mà thôi.
Nhà mình có đứa cháu từ bé đã thích bơi và có ước mơ trở thành vận động viên Olympic nên khi vào lớp 1, bé được đăng kí vào câu lạc bộ bơi thành tích cao. Khi thành tích của cháu chững lại do thừa cân, nhà trường đã mời ngay bố mẹ cháu sang làm việc với chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng để điều chỉnh ngay chế độ rèn luyện ở nhà và ăn uống phù hợp.
Mặc dù đến nay cháu đã phải chuyển hướng qua Karatedo và ước mơ của bé cũng gần với thực tế hơn, nhưng việc cháu mang ước mơ và quyết tâm thực hiện nó, cộng với sự hỗ trợ tối đa từ trường và phụ huynh như mình đang thấy tận mắt, mình ngộ ra: Đầu tư giáo dục cần sự bài bản và hiểu biết, cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình , nhà trường và địa phương.
Lý thuyết này mình nghe từ xửa từ xưa rồi và cũng từng chả tin, nhưng mãi gần đây nhờ tiếp cận thực tế mình mới hiểu nó là điều có thực chứ không hề là lý thuyết suông hay là cái đích không thể thực hiện xa vời.
Xem thêm:
- Trẻ em ở Mỹ, Nhật học kỹ năng sống như thế nào?
- Học cách người Nhật dạy kỹ năng sống cho trẻ em
ST