Với giá thành hàng chục triệu đồng, dòng xe đạp điện này được đánh giá bán chạy số một tại Việt Nam. Thế nhưng, dường như nó tiềm ẩn không ít nguy cơ với người sử dụng mà chỉ sau vụ nổ này mới được phát lộ.
Chạy pin cao cấp cũng phát nổ?
Khảo sát một vòng quanh thị trường Hà Nội, trong cả “rừng” xe đạp điện được bày bán, dòng xe của hãng HKbike đang rất thịnh và được nhiều người sử dụng. Trên nhiều trang bán hàng trực tuyến, dòng xe này thậm chí được quảng cáo bán chạy số 1 Việt Nam. Trong vai người mua một chiếc xe đạp điện, PV đã được anh Cường - chủ cửa hàng xe đạp điện Cường Minh trên phố Định Công tư vấn nhiệt tình. "Em muốn mua xe đạp điện loại đắt hay rẻ. Giá cả xe ở đây chênh nhau không lớn. Nếu muốn dòng xe của Hkbike, giá dao động từ 9 triệu đến 20 triệu đồng", vừa nói anh Cường chỉ vào từng chiếc xe đang được bày bán trong cửa tiệm.
Khi PV hỏi thêm, đã có người mua một chiếc xe đạp điện HKbike Zinger Extra của hãng HKbike chỉ có 6 triệu đồng, anh Cường phản ứng ngay tức thì: "Không chỗ nào chính hãng mà bán cho em với giá đó đâu. Một là em mua xe cũ, hai là mua hàng Tàu, hàng giả hàng nhái thôi. HKbike Zinger Extra khi hãng giảm giá sốc mới còn 10,9 triệu đồng. Trong khi, giá gốc 12,5 triệu đồng, mức giá bằng và thậm chí còn rẻ hơn một số dòng chạy ắc quy khác".
Không chỉ tại cửa hàng anh Cường, khi đến một vài cửa hàng khác trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa), chúng tôi cũng được các chủ hiệu tư vấn tương tự. Khi tư vấn xe cho khách, họ đều nhấn mạnh vào những mặt như: Giá thành bình dân, mẫu mã đa dạng và đặc biệt là xe của hãng HK bike chạy dòng pin cao cấp…
Hình ảnh chiếc xe bị cháy nổ khi đang sạc pin. Ảnh Internet
Chính vì lẽ đó, hình ảnh chiếc xe đạp điện HKbike Zinger Extra với thông tin "phát nổ khi đang sạc" đã khiến nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đang sử dụng xe đạp điện cảm thấy hoang mang. Bạn Đỗ Phương Thảo (Mỹ Đình – Hà Nội) phản ánh: "Mình cũng đang dùng dòng xe này của HK bike. Ở trường bạn bè mình cũng dùng khá nhiều. Xem hình ảnh cháy nổ xe mình cũng hơi nghi ngại. Có lẽ mình sẽ phải cẩn thận hơn trong quá trình sạc pin cho xe".
Tại thị trường TP.HCM, dòng xe đạp điện HKbike Zinger Extra cũng được bày bán khá nhiều. Hầu như khi PV đến cửa bán bán xe đạp điện đều có dòng xe này.
Trò chuyện với PV, chị Hồ Thị Tâm (chủ cửa hàng xe đạp điện Minh Tâm, quận Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Dòng xe đạp điện Zinger Extra này của HKbike được người tiêu dùng khá chuộng vì mẫu mã đẹp và chất lượng. Dòng xe này thu hút khách vì sử dụng loại pin khá cao cấp Lithium, có khả năng đi được 80 km sau mỗi lần sạc đầy. Trung bình một tháng cửa hàng của tôi bán được từ 6-10 chiếc”.
Theo lời chị Tâm, chị cũng vừa nắm thông tin một chiếc xe đạp điện HKbike Zinger Extra bất ngờ phát nổ và cháy chỉ còn trơ khung. Theo chị, từ trước đến nay, chưa xảy ra vụ việc tương tự nào liên quan tới dòng xe đạp điện này. Chị cũng đang lo ngại nếu thông tin này lan rộng sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của dòng xe trên.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Thanh – chủ một cửa hàng bán xe đạp điện tại quận Bình Thạnh thừa nhận, dù rất hút hàng nhưng dòng xe này cũng bị làm nhái, làm giả rất nhiều.
Trong vụ nổ vừa xảy ra liên quan đến dòng xe này, ông Thanh đặt nghi vấn, rất có thể là xe đạp nhái sử dụng pin kém chất lượng. Thông thường xe đạp điện phát nổ, thường do sử dụng pin không đảm bảo chất lượng.
Cũng trong vai người mua xe đạp điện tại quận Tân Phú, PV tình cờ bắt gặp một người phụ nữ vừa mua xong chiếc HKbike Zinger Extra với giá 5,5 triệu đồng. Đây là mức giá khá rẻ cho một thương hiệu xe đạp điện nổi tiếng tại Việt Nam.
Đem thắc mắc này hỏi nhân viên của cửa hàng này thì được tiết lộ: “Dán mác thương hiệu nổi tiếng thôi chứ thật ra là hàng Trung Quốc nên mới có giá đó”.
Nữ nhân viên tên Thủy nói thêm: “Hiện nay, các dòng xe đạp điện có thương hiệu bị làm giả rất nhiều. Hầu như dòng xe này đều không đảm bảo chất lượng, nhất là bộ phận pin. Bên cạnh đó, bộ phận điều khiển của xe cũng thường xuyên gặp trục trặc, hư hỏng”.
Nguy cơ từ xe nhái
Đem thông tin về chiếc xe đạp điện phát nổ liên hệ với PGS. TS Đinh Ngọc Ân (khoa Cơ khí động lực, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên), TS. Ân phân tích: “Dòng xe Zinger Extra của HKbike sử dụng loại pin khá cao cấp với quy trình sản xuất khép kín ở điều kiện vô trùng.
Nguyên nhân có thể do thiết bị kiểm soát vòng nạp không chuẩn, do thiết bị nạp không đủ, tiêu thụ dòng điện quá tải… Còn nếu chỉ dùng ắc quy a-xít bình thường không phải ắc quy đặc biệt như pin điện thoại thì rất khó cháy nổ”.
Theo PGS. TS Ân, cần phải xác minh thêm mới khẳng định nguyên nhân là do pin hay do tác động bên ngoài vào.
Cũng trao đổi với PV, thạc sỹ Nguyễn Minh Nam (chuyên gia kỹ thuật trường ĐH Bách khoa TP.HCM) giải thích: “Nguyên nhân gây nổ các dòng xe đạp điện chủ yếu rơi vào bộ phận pin. Nếu xe đạp điện xử dụng pin kém chất lượng, thì nguy cơ nổ là thường xuyên. Tôi từng ghi nhận vài trường hợp xe đạp điện phát nổ vì nguyên nhân này”.
Xe đạp điện HKbike trên đường phố Hà Nội.
Đánh giá về vụ nổ của chiếc xe đạp điện HKbike mới đây, thạc sỹ Nam nói: “Hiện chưa có kết luận cụ thể của cơ quan chức năng đây là xe thật hay xe nhái nên tôi chưa thể đưa ra đánh giá gì. Tuy nhiên, tôi khẳng định nguyên nhân gây nổ là từ bộ phận pin của xe”.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, hiện nay các dòng xe đạp điện làm nhái, làm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Khi mua xe, người tiêu dùng phải cực kỳ chú ý, không nên vì ham rẻ mà mua những dòng xe này. Khi sử dụng một thời gian, nguy cơ xe hỏng hóc hoặc phát nổ ở bộ phận pin sẽ diễn ra thường xuyên.
Hiện chưa rõ đây là một vụ cháy nổ do pin của xe đạp HKbike hay do vấn đề khác tác động lên chiếc xe đạp điện trên.
Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, đại diện hãng xe HKbike đã lên tiếng xác nhận trên báo chí: Đây là một mẫu xe cũ được sản xuất cách đây 2 năm và rất khó để xác minh liệu đây có phải là xe của HKBike hay không, do cháy từ pin hay từ một vấn đề nào khác từ bên ngoài tác động vào...?.
Liên tục ra quân xử lý cơ sở kinh doanh xe đạp điện nhái Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xác nhận: “Thời gian qua, nhu cầu mua, sử dụng xe đạp điện của người dân (chủ yếu người già, học sinh THPT) tăng cao. Chính vì thế, các dòng xe đạp điện giả, nhái không đảm bảo chất lượng cũng xuất hiện. Do đó, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã liên tục ra quân xử lý rất nhiều cơ sở kinh doanh, bày bán xe đạp điện giả, nhái. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, người dân nên tìm mua các dòng xe đạp điện đảm bảo chất lượng, của các hãng xe uy tín, có thương hiệu”. |
Kim Thược – Trần Nga