Nguy cơ khi chính phủ Mỹ bị đóng cửa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chính phủ Mỹ đang tiến gần tới nguy cơ bị đóng cửa, gây gián đoạn các dịch vụ và hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ việc không lương, nếu Quốc hội không cấp kinh phí cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10.
Nhà Trắng. Ảnh: CNN.
Nhà Trắng. Ảnh: CNN.

Trong khi một số cơ quan chính phủ sẽ được miễn trừ nếu chính phủ ngừng hoạt động, các chức năng khác sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng. Các cơ quan liên bang sẽ dừng mọi hành động được coi là không cần thiết và hàng triệu nhân viên liên bang sẽ không nhận được tiền lương.

Đóng cửa chính phủ là gì?

Việc đóng cửa xảy ra khi Quốc hội không thể thông qua một số luật ngân sách liên bang do tổng thống ký. Các nhà lập pháp có nhiệm vụ phải thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan trong chính phủ, nhưng quá trình này rất tốn thời gian. Họ thường phải thông qua một lệnh gia hạn tạm thời để cho phép chính phủ duy trì hoạt động.

Nếu không có luật ngân sách nào được ban hành vào ngày 1/10 tới, các cơ quan liên bang phải dừng toàn bộ công việc không thiết yếu và sẽ không trả tiền lương trong thời gian chính phủ đóng cửa.

Mặc dù các nhân viên được coi là thiết yếu như kiểm soát viên không lưu và nhân viên thực thi pháp luật vẫn phải đến làm việc, nhưng các nhân viên liên bang khác sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời. Theo luật năm 2019, những nhân viên đó sẽ nhận được tiền truy lĩnh sau khi tình trạng bế tắc về tài chính được giải quyết.

Không thể dự đoán việc đóng cửa sẽ kéo dài bao lâu. Với việc Quốc hội Mỹ bị chia rẽ giữa Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo, cũng như việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đang tìm cách cắt giảm chi tiêu, nhiều người đang chuẩn bị cho khả năng chính phủ sẽ ngừng hoạt động hàng tuần.

Việc đóng cửa ảnh hưởng đến ai?

Hàng triệu công chức liên bang phải đối mặt với tình trạng trả lương chậm khi chính phủ đóng cửa. Gần 60% công chức liên bang làm việc tại các Bộ Quốc phòng, Cựu chiến binh và An ninh Nội địa.

Các nhân viên liên bang làm việc ở tất cả 50 tiểu bang và làm việc trực tiếp với người dân, từ nhân viên vận hành an ninh tại các sân bay cho đến các nhân viên chuyển thư.

Một số văn phòng liên bang cũng sẽ phải đóng cửa hoặc phải đối mặt với tình trạng rút ngắn thời gian hoạt động trong thời gian chính phủ đóng cửa.

Ngoài nhân viên liên bang, việc đóng cửa có thể có tác động sâu rộng đến các dịch vụ của chính phủ. Những người đăng ký các dịch vụ của chính phủ như thử nghiệm lâm sàng, giấy phép sử dụng súng và hộ chiếu có thể bị chậm trễ.

Các doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ liên bang, chẳng hạn như các nhà thầu liên bang hoặc dịch vụ tham quan tại các công viên quốc gia, cũng có khả năng gặp phải tình trạng gián đoạn và suy thoái. Theo Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày nếu chính phủ ngừng hoạt động.

Các nhà lập pháp cũng cảnh báo rằng chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính. Tập đoàn Goldman Sachs ước tính tình trạng đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,2% mỗi tuần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi khi chính phủ mở cửa trở lại.

Những người khác cho rằng sự gián đoạn trong các dịch vụ của chính phủ có tác động sâu rộng vì nó làm lung lay niềm tin của người dân đối với chính phủ. Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo: “Một nền kinh tế hoạt động tốt cần có một chính phủ hoạt động tốt”.

Tổng thống và các thành viên quốc hội sẽ tiếp tục làm việc và được trả lương. Cơ quan tư pháp có thể tiếp tục hoạt động trong một thời gian giới hạn bằng cách sử dụng nguồn kinh phí có được từ hồ sơ tòa án và các khoản phí khác.

Đáng chú ý, nguồn kinh phí chi cho ba cố vấn đặc biệt do Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm sẽ không bị ảnh hưởng nếu chính phủ đóng cửa.

Điều này đã từng xảy ra chưa?

Trước những năm 1980, việc thiếu ngân sách không gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động của chính phủ. Nhưng sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Benjamin Civiletti đã lập luận rằng các cơ quan chính phủ không thể hoạt động hợp pháp trong thời gian thiếu hụt ngân sách chi tiêu.

Kể từ năm 1976, đã có 22 lần việc thông qua ngân sách cho tài khóa mới bị chậm trễ, trong đó có 10 lần các nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời. Nhưng hầu hết các vụ đóng cửa lớn đều diễn ra vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton, khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Newt Gingrich và đa số nghị sĩ Hạ viện yêu cầu cắt giảm ngân sách.

Lần đóng cửa chính phủ lâu nhất xảy ra giữa năm 2018 - 2019 khi Tổng thống Donald Trump lúc đó và các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội rơi vào bế tắc đàm phán liên quan đến yêu cầu xây dựng bức tường biên giới. Tình trạng gián đoạn đó đã kéo dài 35 ngày, xuyên suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm. Nhưng sự kiện năm đó cũng chỉ là đóng cửa một phần vì Quốc hội đã thông qua một số dự luật phân bổ ngân sách để tài trợ cho các cơ quan.

Cần làm gì để tránh đóng cửa?

Trách nhiệm của Quốc hội Mỹ là tài trợ cho chính phủ. Hạ viện và Thượng viện phải nhất trí cấp kinh phí cho chính phủ theo một cách nào đó, và tổng thống phải ký ban hành luật thành luật.

Quốc hội thường dựa vào cái gọi là “nghị quyết tiếp tục”, hay CR, để tạm thời cấp tiền hoạt động cho các văn phòng chính phủ trong thời gian đàm phán về ngân sách đang diễn ra. Nguồn tiền dành cho các ưu tiên cấp bách của quốc gia, chẳng hạn như hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân thiên tai, thường được đề cập ngay trong dự luật ngắn hạn.

Nhưng các nghị sĩ Cộng hòa đang muốn giữ chính phủ đóng cửa cho đến khi Quốc hội đàm phán xong tất cả 12 dự luật tài trợ. Đây là một quá trình tốn nhiều thời gian và ít nhất phải đến tháng 12 mới được giải quyết.

Ông Donald Trump, đối thủ hàng đầu của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024, đang thúc giục những người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa hành động như trên. Nếu ông vận động thành công, việc đóng cửa sẽ kéo dài hàng tuần, thậm chí có thể lâu hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.