Theo ThS BS Trần Ngọc Tài, Phó trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh Parkinson không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì, nhưng nó làm trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh có thể diễn tiến ngày càng nặng dần với các dấu hiệu thường gặp là run lúc nghỉ, chậm cử động và đơ cứng, gây khó khăn cho các hoạt động sống hằng ngày. Nếu người bệnh không được điều trị đúng đắn và kịp thời, thì sau 5 – 7 năm sẽ có nguy cơ bị tàn phế.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh này. Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê dịch tễ học, riêng số liệu tại khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM năm 2015 cho thấy có đến 1.089 người bệnh Parkisnon đang theo dõi và điều trị với tổng số trên 4.000 lượt khám/năm.
Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới 40 tuổi.
Với sự phát triển của ngành Y tế, tỷ lệ phát hiện bệnh Parkinson ở người trẻ ngày càng gia tăng. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khoảng 5 – 10% người bệnh có yếu tố gen, có sự tương tác giữa gen và môi trường đặc biệt gây ra bệnh.
Bên cạnh đó, các đối tượng mà tiền sử gia đình có người bị bệnh Parkinson, tiếp xúc nhiều với hóa chất hay thuốc trừ sâu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị nào chữa lành bệnh cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, từ đó giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn. Các phương pháp điều trị đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam gần đây như các thuốc mới, phẫu thuật.
Theo Công An TP.HCM