Ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá, hóa chất trừ sâu diệt cỏ, tia tử ngoại, đặc biệt là ánh sáng xanh mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc qua tivi, màn hình điện thoại thông minh... là các yếu tố nguy cơ hình thành gốc tự do, gây thoái hóa hoàng điểm.
Gốc tự do là những nguyên tử hay phân tử thiếu một điện tử lớp ngoài cùng. Chúng hoạt động như chất ôxy hóa, chiếm lấy điện tử của phân tử, nguyên tử khác để thiết lập trạng thái bền vững cho mình. Các phân tử, nguyên tử vừa bị cướp mất điện tử, lại tiếp tục tái lặp quá trình này.
Chuỗi hiệu ứng “domino” sẽ gắn kết các acid béo không bão hòa của màng tế bào (tế bào não, tế bào cảm thụ ánh sáng, biểu mô sắc tố võng mạc…). Quá trình oxy hóa làm xơ cứng, biến đổi các phân tử chất béo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dưỡng chất, ngăn chặn sự trao đổi tín hiệu giữa các tế bào...
Hoàng điểm - trung tâm cảm nhận ánh sáng của võng mạc là một trong những bộ phận chịu ảnh hưởng của gốc tự do. Sỡ dĩ được gọi là hoàng điểm, vì nơi đây tập trung sắc tố vàng gồm Lutein, Zeaxanthin và Méso-zeaxanthin. Zeaxanthin gắn kết với tế bào nón (đảm nhận thị giác ban ngày). Lutein gắn kết với tế bào que (đảm nhận thị giác trong tối và vật chuyển động).
Sắc tố vàng giúp bảo vệ võng mạc bằng cách hấp thu ánh sáng xanh đồng thời ngăn chặn oxy đơn bội và các gốc tự do. Do màng ngoài các tế bào cảm thụ ánh sáng chứa rất nhiều acid béo không bão hòa nên dễ bị biến đổi khi gắn kết với các gốc tự do. Chúng cũng phá hủy các tế bào cảm thụ ánh sáng và ảnh hưởng đến thị lực con người.
Cách phòng ngừa đơn giản nhất là hạn chế ánh sáng mặt trời (đội nón, mang kính râm); giảm tiếp xúc với các nguồn phát ánh sáng xanh; hạn chế thuốc lá; ăn nhiều rau lá xanh đậm, quả màu cam vàng… chứa Lutein.
Nghiên cứu cho thấy, uống Lutein với liều 8-20 mg mỗi ngày sẽ làm tăng mật độ sắc tố hoàng điểm sau 3-6 tháng. Nghiên cứu bệnh nhãn khoa do tuổi (AREDS) cho thấy, với liều bổ sung thấp Lutein và Zeaxanthin vào chế độ ăn có thể giảm 20% nguy cơ tiến triển đến giai đoạn nặng của thoái hóa hoàng điểm do tuổi.
Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp được Lutein mà phải cung cấp qua thức ăn. Còn Zeaxanthin được sản xuất từ Lutein. Bên cạnh chế độ ăn, có thể dùng thêm các chất hỗ trợ dinh dưỡng có chứa Lutein, Zeaxanthin, kẽm và các chất chống ôxy hóa như vitamin E, C, selenium...
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Thị Hoàng Lan Đại học Y Dược TP.HCM