Theo các chủ doanh nghiệp, việc kinh doanh trên mặt nước của họ đã được chính quyền địa phương thỏa thuận cho phép nên cần có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, việc di dời chỉ được thực hiện khi cơ sở bến mới tại Đầm Bẩy được hoàn thiện nhưng hiện cơ sở tại đây chưa được xây dựng. Các DN, chủ nhà nổi viện dẫn TP.Hà Nội có chủ trương đề nghị các DN nhà nổi kê khai tài sản để đền bù di dời, giải toả. Đây là biện pháp nhằm hỗ trợ tài sản của nhiều hộ dân.
Hà Nội đưa hạn chót để nhà nổi, du thuyền di dời khỏi Hồ Tây
Theo quyết định mới đây của UBND quận Tây Hồ số 35/KH – UBND về việc tháo dỡ các công trình vi phạm, di dời toàn bộ phương tiện thủy kinh doanh sai phép trên Hồ Tây.Các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2 – 10 Nguyễn Đình Thi phải tháo dỡ xong trong tháng 2 này. Còn các du thuyền, nhà nổi phải được di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy xong trước ngày 10/3. Quá thời hạn nêu trên, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện trên Hồ Tây có 6 đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. 4 đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác.
10 đơn vị còn lại hiện vẫn đang có hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi Hồ Tây mà không được cấp phép. Trước mắt, UBND các phường: Xuân La, Thụy Khuê, Nhật Tân, Quảng An sẽ phối hợp với Điện lực Tây Hồ và Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình, tiến hành cắt điện, nước để buộc các hộ ngừng kinh doanh.
Quá thời hạn nêu trên, Công an quận sẽ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, cùng với sự hỗ trợ của Công an TP tiến hành tổ chức lực lượng, kiên quyết cưỡng chế xử lý; các trường hợp chống đối, gây rối nếu có sẽ bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo bà Lê Thị Minh Phương, đại diện Công ty Potomac, công ty này đã được UBND quận Tây Hồ đồng ý hoạt động và còn có sơ đồ bố trí các doanh nghiệp tại Hồ Tây trước đó. Nay chủ trương Hà Nội là xóa bỏ, 14 doanh nghiệp trên Hồ Tây, các DN phải tuân thủ, nhưng tài sản có nguy cơ mất trắng.
Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, cần giải pháp có tình - có lý
"Trong thời gian từ tháng 5/2009, theo quy định DN phải có giấy phép con để hoạt động và Sở GTVT TP.Hà Nội giao cho quận Tây Hồ chủ trì cấp giấy phép con cho DN. Tuy nhiên, không DN nào được cấp. Quãng thời gian đó đến nay, chúng tôi vẫn nộp thuế, phí đầy đủ, hợp đồng lao động, bảo hiểm cho người lao động theo Luật DN", bà Phương cho hay. Vị này cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trên Hồ Tây đang hoạt động theo đúng tinh thần pháp luật, được phép của Hà Nội, có quyết định, thỏa thuận vị trí.
Ông Phương Năng Thắng (Công TNHH Du thuyền Hồ Tây), Sàn nổi Eureka cho hay: Sau khi đơn vị nhận thông báo, quyết đinh tháo dỡ, quyết định vi phạm các doanh nghiệp Hồ Tây hoàn toàn đồng thuận di dời về bến mới. Tuy nhiên, các DN mong chính quyền nên cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ.
"Chúng tôi sẵn sàng chấp hành chủ trương Hà Nội, năm ngoái là tưởng di dời nhưng giờ không có bến mới, chính quyền lại ra quyết định xóa bỏ nhà nổi, du thuyền. Chúng tôi kiến nghị xem xét tài sản trên Hồ Tây của DN là bao nhiêu để hỗ trợ đền bù cho tương xứng. Bởi theo thông báo của Thành phố, cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tài chính, mức thiệt hại", ông Thắng nói.
Chúng tôi chỉ mong phường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ thực hiện có tình, có lý cho doanh nghiệp bởi tài sản của doanh nghiệp, là tài sản của xã hội: "Có những doanh nghiệp bỏ toàn bộ vốn liếng gia đình, nếu hiện nay bị cưỡng chế, thì không biết lấy đâu mà trang trải nợ nần".
Theo Dân trí