Tuổi thơ thiếu sự chăm sóc của cha
Từ nhỏ, Phòng Tổ Danh đã sống với mẹ ở Mỹ. Hàng năm Thành Long chỉ ghé qua nhà một vài lần để thăm hai mẹ con. Mỗi khi gọi điện về cho con, ngôi Sao Vua Kungfu cũng không biết nói gì để thể hiện tình cảm. Thành Long từng thổ lộ ông thực sự thấy có lỗi với Tổ Danh khi số lần hai cha con ăn cơm cùng nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong căn biệt thự xa hoa ở Los Angeles luôn luôn chỉ có Phòng Tổ Danh, mẹ anh và những người giúp việc. Có một lần khi đang ngủ, Tổ Danh chợt tỉnh giấc vì nghe thấy có tiếng nấc nghẹn. Sau khi hé mở mắt, anh phát hiện ra mẹ đang ngồi cạnh mình khóc thầm vì cô đơn. Ban đầu, Tổ Danh định ngồi dậy an ủi mẹ, nhưng rồi lại quyết định không để mẹ biết anh đã phát hiện ra.
Tuổi thơ của Phòng Tổ Danh luôn thiếu vắng cha
Vì thân phận đặc biệt của Thành Long nên mãi đến năm 17 tuổi Phòng Tổ Danh mới được tiết lộ về danh tính của cha. Trước đó, Tổ Danh luôn ghi nhớ lời mẹ dặn không được nói với bất kỳ ai anh là con trai của Thành Long, nếu không sẽ bị người ta bắt cóc. Chia sẻ về quãng thời gian này, Phòng Tổ Danh từng nói: "Khi đó, tôi luôn thấy chán chường và bí bách, đi đến đâu mọi người cũng hỏi cha tôi đang ở đâu, đang làm gì mà tôi không thể nói ra được."
Sự thiếu vắng tình thương của cha đã trở thành nỗi ám ảnh suốt tuổi thơ của Phòng Tổ Danh. Anh từng viết trong cuốn nhật kí của mình rằng: "Mong ước lớn nhất của tôi là được cha đón về mỗi khi tan học". Sau này, Thành Long đã có một cơ hội để thực hiện ý nguyện của con.
Con trai Thành Long giao du với nhiều bạn bè để khỏa lấp nỗi cô đơn trong tâm hồn
Một ngày nọ, sau khi trở về Mỹ từ Hồng Kông, Thành Long đã gọi điện nói với lái xe: "Báo với Tổ Danh rằng hôm nay tôi sẽ đến đón nó." Tuy nhiên khi đến trường của Tổ Danh, Thành Long chờ mãi mà không thấy bóng dáng con đâu. Sau đó, ông mới biết ngôi trường mà mình đã đến vốn là trường tiểu học của con trai. Tuy nhiên khi ấy, Phòng Tổ Danh đã bước vào trung học.
Có thể thấy suốt những năm tháng tuổi thơ của Tổ Danh, tình cảm của anh và cha không hề được nuôi dưỡng và bồi đắp. Theo tâm lý học, người cha chính là biểu tượng của sức mạnh trong gia đình. Sự tồn tại của nguồn sức mạnh này sẽ hỗ trợ con trong việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách. Một người con trai sẽ trở nên dũng cảm, quyết đoán, tự tin và trách nhiệm hơn nếu được cha dạy dỗ, chỉ bảo.
Tuy nhiên, cuộc sống Phòng Tổ Danh lại thiếu đi điều này. Sau này, anh có kết giao và thân thiết với nhiều bạn bè, song đó dường như chỉ là cách để quý tử nhà Thành Long che giấu nỗi cô đơn và sự thiếu hụt tình cảm trong chính tâm hồn.
Cái bóng của cha
Khi Thành Long công khai con trai, chỉ sau một đêm, từ một "đứa con không cha" Phòng Tổ Danh bỗng chốc trở thành quý tử của siêu sao hàng đầu Trung Quốc. Bệ phóng vững chắc này đã giúp Tổ Danh nhanh chóng tiến thân vào làng giải trí Hoa ngữ. Tuy nhiên, đó cũng là một áp lực nặng nề đối với anh.
Trong một cuộc trò chuyện với báo giới, Lý Liên Kiệt từng chia sẻ: "Khi trò chuyện với Tổ Danh, tôi phát hiện ra rằng dù làm bất cứ việc gì cậu ta cũng sẽ nghĩ "mình làm thế này liệu có được không, có ảnh hưởng đến danh tiếng của cha không? Nếu mình làm không tốt liệu cha có thấy mất mặt không?" Thanh niên của thế kỷ 21 tôi gặp rất nhiều, đa số họ đều có xu hướng coi mình là trung tâm, song Phòng Tổ Danh thì lại khác. Dù đã sắp 25 tuổi song cậu ta luôn luôn nghĩ phải làm thế nào để không khiến cha xấu hổ vì mình."
Cái bóng của cha là nỗi ám ảnh với Phòng Tổ Danh
Lời nhận xét của Lý Liên Kiệt cũng giống như cảm nhận chung của những ai từng tiếp xúc với Phòng Tổ Danh. Chính vì vậy, trước thông tin Tổ Danh bị bắt vì nghiện ma túy, nhiều người đã không tin đó là sự thật.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ Phòng Tổ Danh đã là một người đàn ông trưởng thành. Lòng tự tôn thôi thúc anh phải bước qua cái bóng của cha. Song trên thực tế, dù có nỗ lực thế nào, Tổ Danh cũng không thể đạt được những thành công như mong đợi. Dần dần, nỗi thất vọng đã trở thành bóng đen ám ảnh tâm trí anh. Cuối cùng, Phòng Tổ Danh đã tìm đến ma túy để quên sầu, để có được khoái cảm thăng hoa mà cuộc đời thực không thể đem lại.
Sự giáo dục hà khắc của gia đình
Khi Phòng Tổ Danh bị bắt, báo chí rộ tin đồn Thành Long vừa gặp đã nổi giận đùng đùng, tung chân đá con bay xa 5m. Mặc dù sau này thông tin trên đã được đính chính, song trước đấy không ít người đã tin vào chuyện này. Qua đó có thể thấy rằng trong mắt nhiều người, Thành Long là một ông bố có phương pháp giáo dục con khá "bạo lực".
Phòng Tổ Danh từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: "Khi 4 tuổi, tôi từng bị cha ném vào bàn thủy tinh vì vô lễ. Lúc đó, mẹ còn tưởng tôi đã chết rồi." Vì thiếu tình thương của cha, nên Phòng Tổ Danh rất gần gũi với mẹ. Tuy nhiên cách Lâm Phụng Kiều dạy con cũng "bạo lực" chẳng kém gì chồng. Phòng Tổ Danh tiết lộ: "Lúc dữ dằn nhất, mẹ thường dùng chày cán bột đánh vào tay tôi cực kỳ đau."
Hình ảnh hạnh phúc hiếm hoi của gia đình Thành Long
Đối với những đứa trẻ có tính cách hướng nội, nhút nhát, việc thường xuyên bị cha mẹ đánh sẽ khiến chúng dễ trở nên nhu nhược, thiếu chủ kiến. Ngược lại, với những đứa trẻ có cá tính mạnh, ngang bướng, khi bị đánh chúng có thể phục tùng theo ý muốn của cha mẹ, song trong tâm thức mầm mống nổi loạn ngày càng sinh sôi.
Có thể nói, Phòng Tổ Danh được liệt vào trường hợp thứ hai. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Thành Long thường xuyên nhấn mạnh rằng ma túy là thứ mà con trai ông tuyệt đối không thể dính vào. Tuy nhiên, "càng cấm thì càng cứ", đó chính là tâm lý khiến Tổ Danh muốn thử mùi chất trắng. Ban đầu chỉ đến với ma túy vì tò mò song dần dà anh ta càng ngày càng mê muội trước sự cám dỗ của nàng tiên nâu.