8 người đó là 8 đại diện người Nhật của 8 công ty Nhật Bản tại khu công nghiệp (KCN) Tân Đức, tỉnh Long An. Họ quyết định ngồi lại với nhau để bàn bạc cầu cứu Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và các cơ quan chức năng tại Việt Nam về việc bị “xã hội đen” địa phương “khủng bố”.
Không chỉ có 8 công ty Nhật Bản mà còn một số công ty khác trong KCN ngồi trong cuộc làm việc ấy…
Trong đó tôi chú ý ông già hiền từ và ít nói mang tên Tango Hirosuke - Ông chủ công ty Tango Candy chuyên sản xuất bánh kẹo xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản. Công ty Tân Đức yêu cầu Tango Candy và các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp phải đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2. Tango Hirosuke cho biết công ty ông có diện tích 10.000m2 nên số tiền mỗi năm phải đóng là 100,2 triệu đồng.
Các nữ công nhân Tango Candy đứng sát cánh bên ông giám đốc Hirosuke.
Nhưng mức mà các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn là 8.500 đồng/m2. Như vậy mỗi năm công ty ông sẽ đóng khoảng 85 triệu đồng – thấp hơn 15 triệu đồng so với giá công ty Tân Đức yêu cầu.
“Chúng tôi muốn minh bạch! Mỗi ngày tôi thiệt hại khoảng 15.000 USD. Cả tuần qua tôi thiệt hại tiền tỷ, chưa tính tổn thất tinh thần, công nhân hoang mang. Thiệt hại này lớn hơn rất nhiều so với việc tôi chấp nhận nhượng bộ mức giá của họ. Tuy nhiên việc không đúng thì dù 1 đồng chúng tôi cũng không chi!” – Tango Hirosuke nói.
Người trợ lý của Tango Hirosuke nói anh ta hiểu sếp của mình không phải sợ tốn kém, mà vì muốn giữ nguyên tắc. Thứ nguyên tắc biến một quốc gia tan nát sau chiến tranh thế giới, chẳng có tài nguyên gì lại trở thành cường quốc thế giới. Tango Hirosuke năm nay 77 tuổi (ông sinh năm 1939), tôi tin ông hiểu và giữ nguyên tắc này là hợp logic.
Nếu biết rằng những bảo vệ của Tân Đức đã từng đưa ngón tay thối trước mặt Tango Hirosuke. Nếu biết rằng ông già 77 tuổi người Nhật ấy đã ngồi trên đường ống dẫn nước vào công ty lúc rạng sáng đến lúc các bảo vệ Tân Đức hiểu họ không có quyền cắt nước công ty ông. Nếu biết rằng Tango Hirosuke “ra lệnh” phải trả lương cho công nhân dù họ có phải nghỉ làm và bị “ai đó” ngăn cản…v.v… Tôi có nhiều thứ “nếu biết rằng” để hiểu thêm về nguyên tắc của Tango Hirosuke.
Người viết đã xin lỗi Tango Hirosuke và 7 đồng hương của ông vì quốc thể. Tôi nhìn bãi đất sét và chiếc barie chắn ngang cổng công ty của Tango Hirosuke mà xấu hổ; khi lá cờ Việt Nam bay song song cùng lá cờ Nhật Bản.
Và Tango Hirosuke nhìn những bảo vệ người Việt đưa ngón tay thối trước mặt mình. Cũng bình thản. Vì đó là nguyên tắc.
Nhưng nhìn thái độ bình thản của Tango Hirosuke trước mọi sự việc đã diễn ra, tôi hiểu mình cần cả đời để học thứ nguyên tắc của ông. So với ông tôi chỉ là một đứa trẻ!
Càng khó khăn hơn, khi một người gánh nợ công trung bình 23 triệu đồng như tôi, như các bạn; để học nguyên tắc của một người đến từ Quốc gia đang là chủ nợ ODA lớn thứ 2 của đất nước mình .
Bỗng dưng tôi khóc. Vì nhục!.
Mai Quốc Ấn