Nhà báo phiếm luận về… nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - 1. Từ nhiều năm nay, hễ đến dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, bao giờ tôi cũng tìm đến một quán xá nào đó, thật vắng, ngồi một mình và dọn lòng thật yên tĩnh. Để làm gì? Đơn giản lắm, chẳng để làm gì cả. Chỉ là một khoảnh khắc mình nhìn lại chính mình.

Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua trong một năm, thậm chí trong nhiều năm. Mà, chỉ tập trung suy nghĩ về nghề nghiệp đã “chọn lấy mình”. Nếu nghề báo có ông Tổ như lãnh vực sân khấu và những ngành nghề khác, tôi tin rằng tôi là một trong những người đã được chọn. Ai chọn? Ông tổ của nghề báo chứ còn ai nữa. Vì rằng, từ lúc rời khỏi quân ngũ, trên vai với chiếc ba lô nhẹ tênh, trên tay chỉ có dăm ba cuốn sách, tôi đã đến Sài Gòn-TP.HCM “thử thời vận”. Cuối cùng, từ năm 1983 đến nay, tôi đã “bén rễ xanh cây” tại vùng đất nghĩa tình và nhân hậu.

Người ta thường nói đùa rằng, tại sao nơi này có quá nhiều người Quảng Nam làm báo, đeo đuổi nghề báo và đã thành công? Không cần phải tra Google, không cần vận dụng trí nhớ, ngay lập tức tôi đã có thể kể vanh vách những tên tuổi đã góp phần làm rạng rỡ cho nền báo chí tại miền Nam lẫn cả nước. Xin kể ngẫu hứng không theo thứ tự thời gian, cương vị lẫn tuổi tác: nhà báo Huỳnh Thúc Kháng, Lương Khắc Ninh, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Vũ Hạnh, Huỳnh Bá Thành, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Công Sơn, Tiểu Vũ, Văn Bảy, Cao Vũ Huy Miên, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Công Khế, Cung Văn, Lưu Quý Kỳ v.v… Danh sách này, nếu kể cho hết có lẽ phải kể từ khuya này đến sáng hôm sau.

Ấy là cách nói vống vòng vèo của người Quảng Nam.

Theo tôi, người Quảng Nam thường thích nói vống lên một chút khi kể/ tường thuật vấn đề gì đó. Để làm gì? Để hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Thế thì, tại sao khi lập nghiệp tại Sài Gòn, họ không nói mà lại viết/ viết báo? Rằng, “đơn giản như đang giỡn” là dù họ có gân cổ lên nói, nói thật to, thật rổn rảng nhưng rồi có mấy ai hiểu thấu đáo cái âm vực ngữ âm ngữ điệu như “eng không eng téc đèn đi ngủ”, quớ trời qươi núa chi mà lọa rứa”… Người miền Nam không hiểu. Bực mình ghê. Không lẽ cứ nói hoài à?

Chi bằng viết ra giấy, cứ cầm giấy đọc ắt hiểu. Hiệu quả lắm. Thế là họ bèn… chọn lấy nghề báo. Đúng không? Đúng là đúng trong một cách nói tếu táo, xin chớ ai cãi làm chi nhưng vẫn chưa đủ. Còn phải thêm yếu tố này nữa, rằng, một khi rời quê nhà đi lập nghiệp nơi khác, muốn gì muốn ai cũng phải đem theo các dụng cụ làm nghề, gạo, lúa, tiền bạc dự trữ nọ kia. Nhưng rồi có người “trên răng dưới khố” nào có gì đáng giá ngoài hai bàn tay trắng, dù thế, bù lại họ có vốn kiến thức chữ nghĩa ở trong đầu, chỉ có thế. Vậy, phải làm gì để kiếm cơm? Họ đem chữ trong đầu viết ra thành chữ rồi bán cho các tờ nhựt trình nói chung.

Nghe hài hước mà cũng… có lý đấy chứ?

Nói gì thì nói, nghề báo không là “đặc quyền” của người cầm bút từ thuở oa oa lọt lòng mẹ trong tâm tưởng đã hằn vết “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”. Mà, ấy là một nghề độc đáo dành cho bất kỳ ai có tư duy phản biện và tranh luận. Nếu không có tư duy này, chỉ là một loại “thằng mõ”, hễ khi trong làng có chuyện gì cần thông báo thì rao cho mọi người đều rõ, đố dám rao sai nội dung. Nhà báo không là thằng mõ, vì phải nhận biết thông tin ấy đúng hay sai, có cần thiết, có thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng hay không? Phải biết thẩm định thông tin, muốn thế, trong đầu phải có chữ, có tri thức, nói nôm na là có học.

Nhìn lại lịch sử tiến trình phát triển báo chí nước nhà, ta có quyền tự hào nhiều nhà báo Quảng Nam xứng đáng xếp vào đội ngũ những cây bút làm rạng danh cho nền báo chí Việt Nam.

Nhà báo phiếm luận về… nhà báo ảnh 1

Nhà báo Lê Minh Quốc phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao tại Hà Nội.

2. Vậy, nhà báo - anh chị là ai?

Thời gian qua, trên mạng xã hội đã có cuộc tranh luận “nẩy lửa” liên quan đến định nghĩa về nhà báo. Cụ thể Từ điển Từ ngữ Nam Bộ (NXB Khoa học Xã hội-2007) của TS Huỳnh Công Tín giải thích: “Nhà báo: Người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình”, dẫn chứng văn liệu: “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu” (tr. 894). Có thể trong khẩu ngữ, người ta dùng từ “nhà báo” để ám chỉ sự việc này, do đó, ông Tín xác định đây là nghĩa bóng, tức là “Nghĩa của từ ngữ chỉ cái trừu tượng trên cơ sở phát triển từ nghĩa cụ thể” - Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích. Sở dĩ từ nhà báo xuất hiện trong ngữ cảnh này là do người sử dụng “ăn theo” từ “báo”.

Báo là gì?

Hiểu nôm na, báo có nhiều nghĩa, thí dụ, 1. Gây phiền nhiễu người khác (báo cô, báo hại); 2. Đáp trả lại (báo ân, báo oán); 3. Cho hay biết, sai bảo, mách bảo (biểu); 4. Tờ báo thông tin sự kiện, tin tức định kỳ; 5. Tên gọi khác của con beo. Ngày xưa, ở Nam Bộ có từ “gia báo” hàm nghĩa “Làm hại, khuấy trong nhà. Tiếng nói đồ gia báo, thì tiếng mắng tôi, con làm hại trong nhà. Tiếng nói gia báo, gia hại cũng về một nghĩa”. Có người căn cứ vào giải thích này của ông Huình Tịnh Paulus Của suy luận rằng, cách nói “nhà báo” của người Nam Bộ mà ông Tín dẫn chứng trong văn liệu nêu trên là từ gia báo mà ra.

Điều này không đúng, vì ở báo trong từ nhà báo ở nghĩa 1 đã hoán đổi vào vị trí của nghĩa 4 - là một cách nói tếu táo, châm chọc, vận dụng sự đồng âm. Trong ngữ cảnh anh chàng thất nghiệp, ăn bám gia đình mà cha mẹ phải nuôi; hoặc phải nuôi bất kỳ ai mà mình không hề muốn gọi là nuôi báo cô. Cô có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa tội, lỗi. Ngày xưa có quy định nuôi báo cô: “Nuôi mà đền tội, ấy là tại mình làm cho người khác bị thương tích nặng, quan phạt phải nuôi hoặc phải chịu tiền cơm thuốc cho đến khi lành mạnh” - Đại Nam quấc âm tự vị (1989) cho biết.

Qua văn liệu của ông Tín, lại có người cho rằng trường hợp này là: “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ: từ điển thu thập hiện tượng ngôn ngữ, chứ không phải lời nói”. Tôi không nghĩ thế, chẳng phải hiện tượng gì cả, chỉ là cách sử dụng quen thuộc của người Việt trong sự đồng âm. Thí dụ, ta có cách nói: “Ra trường rồi ở nhà làm thợ đụng chớ có làm được gì đâu”. Thì đụng từ nghĩa hai vật chạm/ đụng chạm/ va chạm vào nhau lại được hiểu theo nghĩa hễ đụng việc gì làm việc nấy, không có công việc ổn định. Hoặc: “Ra trường rồi ở nhà làm phi công chớ có làm được gì đâu”; hoặc: “Nghe tiếng cười, đã biết hắn 35”; Còn có thể thêm nhiều dẫn chứng khác. Thế thì, tại sao lại cho rằng, “không phải lời nói”?

Theo tôi, ông Tín định nghĩa không sai, chỉ có điều đáng tiếc là không đủ, còn thiếu sót bởi vì, người Nam Bộ không những hiểu “nhà báo” theo nghĩa vừa nêu mà còn hiểu là chỉ “Người hoạt động trong ngành báo chí” - Phương ngữ Nam Bộ (NXB Hội Nhà văn - 2015 của Bùi Thanh Kiên, tr. 1056). Do định nghĩa thiếu một vế nên mới dẫn đến sự tranh luận là thế.

3. Đã tranh luận cho vui câu chuyện thì có thêm nữa lại càng vui chứ sao?

Rằng, từ báo chí, ta có thể nhìn sang lãnh vực văn chương, có được không? Tại sao không? Do đứng từ góc độ báo chí, tôi đã nhìn thấy và tâm đắc với suy nghĩ: Báo chí chính là “vườn ươm” của văn chương. Nếu bài thơ Tình già của nhà văn hóa Phan Khôi không công bố đầu tiên trên báo chí - cụ thể tờ Phụ Nữ Tân Văn (trong Nam), sau này, tờ Phong Hóa (ngoài Bắc) in lại thì sức mấy có thể tạo ra tiếng vang đã vang dội từ Nam chí Bắc.

Có điều lạ, xưa cũng như nay, tôi đồ rằng, hiếm hoi lắm mới các tác phẩm văn học khi in thành sách, lần đầu tiên phát hành đã tạo ra dự luận. Hầu hết phải bắt đầu từ báo chí. Xin kể thoáng qua những tác phẩm lớn của Việt Nam như Số đỏ, Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng), Tắt đèn, Việc làng (Ngô Tất Tố)…; kể cả những truyện dài tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam,..; Tân Dân với Vũ Bằng, Ngọc Linh, Lê Văn Trương, Nam Cao, Tô Hoài .., đã khiến bạn đọc nhiều thế hệ say mê, tìm đọc đều có “điểm rơi” giống nhau: trước tiên công bố trên báo chí.

Phải là thế. Các tờ báo có số bản in hàng vạn bản, còn in thành sách chỉ chừng 1-2 ngàn, vậy, bạn đọc tiếp cận nhiều nhất là từ đâu?

Như đã nói một cách khiêm tốn dù “cái tôi là cái đáng ghét” nhưng cũng dám nói rằng: “Ông tổ nghề báo đã chọn lấy tôi”. Chọn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến lúc ngoài lục thập, vì thế tôi mới dám mạnh dạn chia sẻ điều mà tôi biết rõ: không riêng gì tôi, ngay cả các đồng nghiệp khác như Nguyễn Nhật Ánh, Huỳnh Dũng Nhân, Lê Trâm, Trương Điện Thắng, Duy Bình, Huỳnh Bá Thành, Lưu Đình Triều v.v… ít nhiều được bạn đọc biết đến vẫn từ chỗ công bố đầu tiên trên báo chí.

Nói như thế, để thấy rằng, từ xưa cũng như nay, vai trò của báo chí rất quan trọng, có thể “gạch đầu dòng” hàng loạt sự kiện/ sự việc cụ thể ấy đã tác động vào đời sống xã hội trải dài theo năm tháng. Tiếc thay, đến nay, chúng ta - những nhà báo chuyên nghiệp, chưa tổ chức những cuộc hội thảo đánh giá và ghi nhận của báo chí đã “ươm mầm” văn chương như thế nào.

Còn chờ đến bao giờ nữa?

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.