PV: Là thành viên trong đoàn tháp tùng Tổng thống Pháp - Francois Hollande - tới Việt Nam, bà chia sẻ gì về chuyến đi lần này?
- Tôi đang có một dự án phim dự định quay ở Việt Nam. Đúng dịp có chuyến thăm của Tổng thống François Hollande tới Hà Nội và TP HCM, Bộ trưởng Văn hóa Pháp mời tôi tham gia cùng bởi chuyến đi nhấn mạnh vào lĩnh vực văn hóa. Đây cũng là lần đầu tôi tới Việt Nam và châu Á.
Nhà sản xuất phim người Pháp - Sylvie Pialat - trong buổi ra mắt phim "Vĩnh cửu" của đạo diễn Trần Anh Hùng ở Hà Nội hôm 5/9. Ảnh: Nick M.
- Đó là một phim điện ảnh có tên gốc là Les confins du monde (tạm dịch:Những nơi tận cùng thế giới) của đạo diễn Guillaume Nicloux - tác giả phimValley of Love từng dự tranh Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2015. Trước chuyến đi, chúng tôi đã tiếp xúc, làm việc bước đầu với một số đối tác ở Việt Nam. Tôi hy vọng đây là cơ hội để dự án có thể thực hiện tốt đẹp.
Trước đây, nhiều phim làm về Việt Nam, câu chuyện đặt bối cảnh Việt nhưng lại quay ở nước khác như Campuchia, Philippines và lấy diễn viên ở đó đóng giả người Việt. Tôi thấy điều đó thật đáng tiếc và nực cười. Với đạo diễn Guillaume Nicloux, ông ấy muốn câu chuyện đã nói đến Việt Nam thì phải được quay tại đây và đóng bởi các diễn viên bản địa với không khí Việt Nam. Chúng tôi phản đối cách làm kia vì nó đồng hóa người châu Á với nhau. Không thể lấy một người Campuchia lên phim và nói là người Việt Nam được. Chúng tôi muốn thực hiện câu chuyện đúng trên đất nước các bạn.
PV: Bối cảnh thời gian và câu chuyện của tác phẩm này sẽ đặt vào thời kỳ nào?
- Les confins du monde nói về cuộc chiến tranh Đông Dương ngày xưa. Kịch bản không mang cái nhìn của người Pháp hay thực dân Pháp vào câu chuyện. Nội dung là về một anh lính trẻ người Pháp và quá trình phát triển tâm lý trong con người anh ta từ lúc đặt chân tới Việt Nam. Anh ta nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh và đứng về phía Việt Nam hơn là quê hương mình. Bộ phim này chia sẻ điểm chung giữa con người với nhau, giữa hai quốc gia chứ không phải đứng về phía Pháp để nói về Việt Nam hay ngược lại.
Gaspard Ulliel - tài tử người Pháp sinh năm 1984 - sẽ đóng vai chính trong dự án phim chiến tranh "Les confins du monde" dự kiến quay ở Hà Nội năm sau. Anh từng đóng chính trong " It's Only the End of the World" của đạo diễn trẻ Xavier Dolan thắng giải "Giám khảo lựa chọn" tại Liên hoan phim Cannes năm nay.
PV: Bà đã chọn bối cảnh và dàn diễn viên ra sao?- Đoàn phim tìm được một số địa điểm và dự định quay chính ở Hà Nội cùng các vùng lân cận. Vai chính chúng tôi đã chọn, đó là nam diễn viên trẻ người Pháp - Gaspard Ulliel. Anh từng đóng vai huyền thoại thời trang Yves Saint Laurent trong bộ phim cùng tên dự tranh Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2014. Ngoài ra, tài tử Gérard Depardieu vào vai người dẫn chuyện, như là một nhân chứng trải dài xuyên suốt bộ phim. Các vai quan trọng khác do diễn viên Việt Nam đảm nhận và chúng tôi sẽ tiến hành casting trong phần tiền kỳ.
PV: Đã lâu mới có một bộ phim Pháp dự định quay tại Việt Nam kể từ "Người tình" và "Đông Dương" ở thập niên 1990. Với dự án này, bà và đoàn phim gặp khó khăn gì trong quá trình xin giấy phép?
- Chúng tôi đang tìm những nhà đồng sản xuất Việt Nam để kết hợp bởi đây là phim hợp tác giữa hai nước. Mục đích chuyến đi của tôi cũng là để gặp gỡ các nhà làm phim, đối tác tại đây cho dự án. Chúng tôi là người Pháp, không thể hiểu đất nước các bạn một cách cặn kẽ nên sự cộng tác là quan trọng. Khi Les confins du monde quay ở Việt Nam, chúng tôi sẽ làm việc với đa số là kỹ thuật viên người Việt. Đoàn phim Pháp sẽ khá gọn, chỉ gồm các thành viên chủ chốt của tổ đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm thanh.
PV: Thời điểm quay tại Hà Nội dự tính vào khi nào?
- Chúng tôi sẽ ghi hình từ tháng 3 đến tháng 5 năm sau vì đó là thời gian thuận tiện về khí hậu và cũng phù hợp với lịch làm việc của các diễn viên.
PV: Trước chuyến đi này, bà đã tìm hiểu gì về điện ảnh Việt Nam?
- Tôi xem tất cả phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. Trong chuyến bay tới Hà Nội thì tôi xem "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ. Đất nước các bạn rất đẹp bởi khu vực địa lý trải dài nhiều vùng miền, nhiều bối cảnh đẹp. Ngày trước, tôi cũng xem nhiều phim tài liệu Việt Nam nhưng không phải của nhà làm phim người Việt.
Đây là lần đầu tiên tôi tới đây nhưng họa sĩ thiết kế của dự án Les confins du monde lại biết Việt Nam rất rõ. Ông làm việc trong đoàn phim Người tình năm xưa và từng ở Việt Nam một năm để chuẩn bị cho bộ phim đó.
Nhà sản xuất phim Sylvie Pialat (trái) bên siêu sao gạo cội người Pháp - Gérard Depardieu.
PV: Trong các phim về Việt Nam đã xem, bà ấn tượng tác phẩm nào nhất?- Thực ra tôi chưa được xem nhiều lắm nhưng trong số phim của Trần Anh Hùng, tôi thích nhất là Mùi đu đủ xanh. Khi công chiếu, bộ phim đó như một cú sốc với giới làm phim. Đó là tác phẩm khiến nhiều người phải yêu mến Việt Nam dù chưa từng đặt chân tới.
PV: Khán giả Việt giờ đây cũng quan tâm tới điện ảnh Pháp, tới những bộ phim nghệ thuật gây sốt tại Cannes như "Blue is the Warmest Color" hay "Love 3D" dù rất khó để xem ngoài rạp. Bà dự định khắc phục điều này thế nào?
- Những hãng phát hành lớn ở Việt Nam hay Hàn Quốc thường nhập phim Mỹ vì họ thấy thị hiếu khán giả hợp với Hollywood hơn phim châu Âu. Tuy nhiên, phim châu Âu có những ngôn ngữ điện ảnh khác lạ và thể hiện được phong cách riêng, tính đột phá của nghệ thuật thứ bảy. Vì thế, giá thành phát hành những phim như Blue is the Warmest Color không hề rẻ. Tuy nhiên nhân chuyến đi, tôi nghĩ có lẽ các phim nghệ thuật Pháp nên được bán rẻ hơn với riêng thị trường Việt Nam, như một sự khởi đầu để tiếp cận khán giả nơi đây.
Ngoài ra, tôi hy vọng có nhiều phim Pháp chiếu tại Việt Nam vì chúng tôi có rất nhiều phim hành động hay hài - tình cảm đặc sắc. Sẽ thật tuyệt khi khán giả Việt cởi mở với điện ảnh Pháp. Mỗi năm, chúng tôi sản xuất tới 220 bộ phim và trong số đó, rất nhiều câu chuyện có thể được làm lại với bối cảnh hiện đại của Việt Nam.
Sylvie Pialat sinh năm 1960, là nhà sản xuất phim người Pháp. Khởi đầu của bà là bồi bàn quán café, làm giáo viên, thư ký cho đoàn phim sau đó lại quay về làm bồi bàn. Giữa thập niên 1980, Sylvie trở thành nhà biên kịch và cộng tác với đạo diễn Maurice Pialat. Hai người nên duyên và thành bộ đôi đạo diễn - nhà sản xuất ăn ý. Tác phẩm Under the Sun of Satan do Maurice làm đạo diễn và Sylvie chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết đã chiến thắng Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 1987.
Khi đạo diễn Maurice Pialat qua đời vào năm 2003, bà Sylvie quyết định tập trung làm nhà sản xuất và thành lập hãng phim Les Films du Worso. Trong hơn 10 năm, hãng đã có nhiều bộ phim gây tiếng vang. Stranger by the Lake (2013) là phim về đồng tính nam gây xôn xao tại Cannes bởi những cảnh quay trần trụi. Timbuktu (2014) với đề tài người Hồi giáo không chỉ vào danh sách tranh Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes mà còn được đề cử Oscar ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất". Một số bộ phim khác cũng gây chú ý là Jauja (2014), Valley of Love (2015) hay Staying Vertical (2016).