PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - “Bác sĩ phẫu thuật tâm hồn”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Xưa nay, dù Đông y hay Tây y, nhiều người hành nghề thầy thuốc đã gắn tên mình với văn chương như một cách để khám phá, lý giải sâu hơn tâm hồn con người thay vì xác thịt đơn thuần. PGS.TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam là một “bác sĩ phẫu thuật tâm hồn” như thế.

Sáng ngày 14/9, tại Bệnh viện Minh Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã ra mắt tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, sau các tác phẩm “Nửa đêm xuống phố”, “Những linh hồn sau cánh cửa”, “Bởi yêu nhiều nên khỏe ấy mà”, “Chuyện tình cuối mùa đông”…

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - “Bác sĩ phẫu thuật tâm hồn” ảnh 1

PGS.TS.BS nhà văn Nguyễn Hoài Nam tại buổi ra mắt “Bác sĩ phẫu thuật”

Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, cho biết: “PGS.TS Nguyễn Hoài Nam là một nhân vật được nể trọng trong giới y khoa. Tên tuổi của ông không chỉ được xác lập ở lĩnh vực chuyên khoa tim mạch, mà còn ở vai trò một bác sĩ cầm bút. Giữa nghề thầy thuốc và nghề viết văn, ông không bận tâm phân định chính và phụ. Bởi lẽ, ông quan niệm rất rõ ràng về công việc chữa trị nỗi đau thể xác và công việc xoa dịu nỗi đau tinh thần. Ông tự nguyện gánh vác cả hai công việc ấy, một cách ung dung và nồng nhiệt”.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, phát biểu: “Đây có thể nói là một sự kiện ra mắt sách và một buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả với đồng nghiệp và độc giả trong một bối cảnh đặc biệt. Đặc biệt, bởi cả đất nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả do mùa bão lụt năm Thìn 2024 vẫn hoành hành ở nhiều địa phương phía Bắc mà người khoác blue trắng luôn chịu vất vả và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện quốc tế Minh Anh, nơi tổ chức sự kiện ra mắt sách của PGS.TS.BS nhà văn Nguyễn Hoài Nam, là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đóng góp tiền của, gom góp yêu thương dành cho đồng bào vùng bão lụt”.

Hành nghề y được tiếp xúc với nhiều người bệnh, nhiều số phận, dù cho họ có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những người bệnh đáng thương cần được cứu chữa, phải chăng rất nhiều thầy thuốc đã cầm bút vì lòng trắc ẩn của mình không thể chôn giấu trước sự đau đớn, đối diện tử sinh của kiếp người? Chính vì lòng trắc ẩn này, nên PGS.TS Nguyễn Hoài Nam đã không những cứu người về thân xác mà còn muốn chuyển tải thành câu chuyện để những ai đọc được càng thêm quý trọng cuộc đời này hơn.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, tâm sự qua tùy bút “Sống giữa mùa dịch”: “Ngày nào cũng vài chục bệnh nhân thập tử nhất sinh cần cấp cứu, nhờ vậy mà giới bác sĩ luôn có hệ thần kinh thép trong một cơ thể có trái tim nóng bỏng, tràn đầy nhiệt huyết. Có những lúc tôi muốn tắt điện thoại để nghỉ ngơi một chút. Cũng có lúc công việc quá nhiều, quá căng thẳng giữa mùa dịch giã này, tôi muốn đập bỏ điện thoại trở về đời sống thanh bình. Nhưng rồi lại thôi, còn bao nhiêu bệnh nhân đang trông chờ mình”. Hoặc: “Sau một đêm trực, tôi không còn là mình nữa. Nhìn vào gương thấy đầu tóc bù xù, mặt mày phờ phạc, làn da mịn màng thay thế bằng làn da tai tái, sần sùi, quần áo đầy mồ hôi, có khi dính máu. Thèm một giấc ngủ ngon hơn cả bữa cơm sơn hào hải vị”.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - “Bác sĩ phẫu thuật tâm hồn” ảnh 2

Tác phẩm Bác sĩ phẫu thuật

Không chỉ chia sẻ nỗi vất vả của nghề thầy thuốc trong việc cứu người, đọc tác phẩm của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam còn thấy sự sống quý báu đến nhường nào. “Vì tập mổ trên kính hiển vi phẫu thuật nên chúng tôi phải lấy cả mắt đem lên khoa chứ không mổ trên xác được. Có một đêm tôi đang trực thì được báo có mắt hiến tặng, chỉ biết anh ta là một người vô thừa nhận. Tôi nâng niu con mắt như trứng mỏng, gói ghém cẩn thận rồi đặt lên bàn mổ như đang mổ một mắt sống vậy. Có gì đó thiêng liêng nhắc nhở tôi phải biết cảm ơn người đã cho tôi mắt. Tôi gói vào một chiếc gạc rồi đi nằm. Sáng hôm sau dậy sớm, tôi âm thầm đem xuống vườn. Chọn chỗ cao nhất dưới gốc cây dầu, tôi đào đất chôn nó xuống rồi cắm một nén nhang, thành tâm nói lời tạ ơn” – nhà văn Nguyễn Hoài Nam, chia sẻ.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCN, nhận xét về tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật”: “Nếu Lỗ Tấn dùng ngòi bút suốt phần đời còn lại để chữa căn bệnh xã hội thì bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho đến nay vẫn cầm chiếc dao phẫu thuật phục vụ nghề y. Nhưng ông vẫn viết văn vì chất văn chương đã ngấm vào máu ông từ tuổi thơ nhiều mất mát, vì kiến văn rộng rãi, vì trời phú cho năng khiếu, vì trải nghiệm cuộc sống đa dạng, nhiều chiều, vì đam mê…

Nhưng có lẽ trên tất cả, ngòi bút cũng là lưỡi dao vi phẫu để ông chữa căn bệnh tâm hồn, để nhận ra những giới hạn, bởi “dù nỗ lực hết mình cũng không cứu được người thân”, ông chân thành và dũng cảm nhìn thấy những góc khuất ngành y, những áp lực nghề nghiệp mà những người trong cuộc phải đối mặt: “Lương y như từ mẫu?!... Nếu Lỗ Tấn sống lại, có lẽ ông cũng giằng xé, vò đầu bức tai về nỗi đau nhân sinh, về sự lừa dối tinh vi ngay trong lòng người thân, về sự thực dụng, cả tội ác được khoác trên đôi cánh mỹ miều, hoàn hảo… Tôi thực sự ấn tượng và bị ám ảnh bởi truyện “Bác sĩ phẫu thuật””.

“Bác sĩ phẫu thuật” (NXB Thanh Niên) dày gần 300 trang in, gửi gắm nhiều tâm sự của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam qua gần 50 câu chuyện vừa là chuyện nghề y vừa là suy nghĩ về phận người. PGS.TS Nguyễn Hoài Nam hiện được nể trọng trong giới y khoa nhưng tác giả tự sự phận mình cũng như nhiều thân phận khác: “…Tuy sinh ra ở nhà bảo sinh cây Đa Nhà Bò, phố Lò Đúc, Hà Nội, nhưng khi hơi lớn hơn một chút tôi lại sống ở nhà máy thủy điện Thác Bà trong khoảng 8-9 năm, từ những năm 1966 đến năm 1974, sau đó về lại Hà Nội sống ở nhà bác tôi một khoảng thời gian, trước khi theo cha tôi về quê hương miền Nam sinh sống tháng 12 năm 1975. Đây là đoạn thời thơ ấu khá nhiều gian khó, vì cha tôi một mình gà trống nuôi con rất vất vả với đồng lương có phần khiêm tốn…”.

TIN LIÊN QUAN
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.