Hậu quả của đại dịch Covid 19 vẫn còn dai dẳng. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Nợ công tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.
Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tiếp đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023, hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết biến động thất thường, ngành Nông nghiệp cũng cần phải chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, ngập mặn, từ đó tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định của khu vực này như những năm qua.
Khu vực công nghiệp và xây dựng dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức trước bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo phục hồi chậm, nhu cầu thế giới yếu, thị trường thế giới thu hẹp, lưu thông và luân chuyển hàng hóa thương mại thế giới còn khó khăn do giá cả tăng, khan hiếm nguyên vật liệu.
Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước vẫn phải đối diện với tình trạng đơn hàng giảm, chi phí đầu vào cao. Thị trường bất động sản suy giảm tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất có liên quan. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong năm 2024 cũng sẽ góp phần cho tăng trưởng của nước ta trong năm tới.
Khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch v.v.. Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.
Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.
– Các chính sách, giải pháp tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức, đặc biệt liên quan đến phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác một cách đồng bộ, hài hòa
Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023 có nhiều dấu hiệu tích cực, điều này sẽ tạo đà cho năm 2024 – năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021 – 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, bất định như hiện nay, với một quốc gia có độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo thì để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao mà Quốc hội đã thông qua, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh thực hiện một số chính sách để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức như sau:
1. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, thương mại và chính sách khác. Theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình trong và ngoài nước để điều hành, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, mục tiêu chính sách tiền tệ. Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn.
Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng; chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại triển khai hiệu quả gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Tích cực thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Kiểm soát chặt chẽ bội chi; bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn.
2. Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng:
– Năm 2024 dự báo chính sách tiền tệ tuy có chút dư địa được nới lỏng nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ có dấu hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024 nhưng mức độ giảm không lớn do lạm phát vẫn tiềm ẩn, vì vậy chính sách tiền tệ trong nước vẫn nhạy cảm, hơn nữa, lãi suất hiện nay ở mức khá thấp, khó giảm thêm cho đến giai đoạn giữa hoặc cuối năm 2024. Theo đó, chính sách tài khóa với thúc đẩy đầu tư công, sử dụng thuế, phí để hỗ trợ tổng cầu, từ đó thúc đẩy tổng cung nền kinh tế vẫn là giải pháp trọng tâm 2024.
Đầu tư công vẫn luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sự thuận tiện trong lưu thông, đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Việc giảm thuế GTGT có phạm vi tác động rất lớn bởi hầu hết đối tượng đều có lợi: doanh nghiệp bán được hàng do chi phí đầu vào giảm, từ đó giảm giá bán, người tiêu dùng được lợi do mua hàng với giá thấp hơn trước. Trong trường hợp 6 tháng cuối năm 2024 nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần duy trì hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, có thể cân nhắc tiếp tục việc giảm thuế GTGT này đến hết năm 2024. Tuy nhiên, giảm thuế GTGT cũng sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của NSNN bởi đây đã và vẫn đang là nguồn thu lớn nhất của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh thu NSNN đang ngày càng khó khăn thì cũng cần phải cân nhắc kỹ việc giảm thuế GTGT.
– Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế…
– Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam.
3. Thúc đẩy quảng bá, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là ngành kinh tế tổng hợp, có tính lan tỏa giúp phát triển một chuỗi các ngành từ lưu trú, ăn uống, vận tải, thương mại, dịch vụ khác, đồng thời làm tăng lượng ngoại tệ, giải quyết nguồn lao động tại địa phương trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất xuất khẩu dịch vụ tại chỗ.
4. Thực hiện chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tiếp tục xu hướng chuyển từ thu hút bằng mọi giá sang thu hút có chọn lọc nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, tính lan tỏa giữa khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh.
5. Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn luôn có mức tăng ổn định trong nhiều năm và luôn phát huy được vai trò trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, để có bước tăng trưởng đột phá là một bài toán khó, vì đặc thù của ngành vẫn dựa nhiều vào các yếu tố cố định như đất đai, thời tiết, thời gian sinh trưởng… Với tình hình thế giới như hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường thế giới, biểu hiện là xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn nằm trong những mặt hàng có kim ngạch và tốc độ tăng cao của Việt Nam và dự báo năm 2024 còn nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Để phát huy lợi thế này, cần tập trung phát triển ngành theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có lợi thế xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ trong các liên kết chuỗi, tư vấn và tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra.