Cho rằng hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất 4 phương án cải tạo trong đó nhấn mạnh 2 phương án nạo vét bùn, thanh thải phế liệu và xử lý chất lượng nước bằng cách sử dụng nước giếng khoan hoặc sông Hồng bổ sung vào hồ.
Giải pháp nạo vét bùn nhận được ủng hộ của nhiều chuyên gia, nhưng họ lo lắng hệ sinh thái của hồ Gươm bị thay đổi nếu việc này không đảm bảo. "Quan trọng nhất vẫn là bảo tồn hệ sinh thái. Động thực vật ở đáy hồ đã có từ ngàn năm nay, để gây dựng lại không dễ, vì vậy Hà Nội cần bàn bạc rõ hơn về cách làm cụ thể", TS Bùi Quang Tề, chuyên gia thủy sản nói.
Theo PGS TS Hà Đình Đức, hồ Gươm đang sở hữu nhiều chủng tảo đặc hữu, trong đó có tảo lục giúp nước có màu "lục thủy", điểm khác biệt với những hồ ở Hà Nội. Nhưng cũng có loại tảo chứa độc tố nguy hiểm như tảo lam, nên ông đề nghị cần đưa ra biện pháp nạo vét làm ít ảnh hưởng đến sinh vật có lợi cho hồ. "Mất màu xanh lục là mất đi nét đặc trưng của hồ Gươm", ông Đức nhấn mạnh.
Dẫn bài học làm sạch hồ Gươm năm 1992 với cách làm là liên tục xúc bùn lên đổ đi, khiến tảo độc bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, ông Đức cho rằng nên chia các giai đoạn để làm, rồi xem xét và đánh giá.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội sinh thái, giáo sư Mai Đình Yên nhấn mạnh đến vai trò đa dạng sinh học của hồ, trong đó có khả năng tự làm sạch nước. Đa dạng sinh học vốn có của hồ cần được bảo vệ, không nhất thiết làm hồ sạch "như mới", vì như vậy không khác gì cho thuốc tẩy trùng vào nước máy và "nó giống bể bơi hơn là hồ".
"Việc nạo vét hồ Gươm chỉ nên đáp ứng yêu cầu giúp nước ở đây tốt hơn các ao hồ khác khu vực đồng bằng Bắc Bộ, chứ không đòi hỏi sạch đến mức có thể uống được nước trong hồ", ông Yến nói và lưu ý khi nạo vét cần chú ý đến tầng bùn trên mặt, vì đây là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật như cá tôm.
Việc đưa nước giếng khoan bổ cập cũng khiến nhà khoa học lo ngại nó sẽ tác động đến hệ sinh thái hồ. Theo chuyên gia môi trường này, nước giếng khoan khác với nước hồ Gươm, chưa kể nếu đưa nước sông Hồng vào với lượng lớn phù sa càng phức tạp. Thay nước có thể thay cả hệ sinh thái, khiến hồ Gươm không giữ được màu xanh đặc trưng. Ông kiến nghị nên nạo vét hồ từng phần khoảng 20%, sau đó hệ sinh thái hoàn lại rồi vét tiếp. Cách làm này từng được Đức thực hiện tại hồ Gươm vài năm trước.
Trong khi đó, ông Lê Văn Cát (Viện Hóa học) có quan điểm trái ngược. Theo ông, chất lượng nước hồ Gươm đã ở mức báo động, màu xanh của hồ bây giờ không như xưa, mà đó là màu của tảo độc đang "xấm chiếm", đẩy hệ sinh thái giảm thấp, thậm chí bốc mùi hôi thối. Do đó, giữ màu xanh như hiện nay là "giữ những thứ không lành mạnh, phản sinh thái".
Vì vậy nạo hút bùn hay bất kỳ phương án nào làm sạch hồ Gươm cũng cần kiểm soát mật độ tảo trong hồ. Trong đó ông lưu lý về lâu dài, tảo độc có thể quay lại hồ thông qua đường nước thải, sinh hoạt hay hoạt động ô nhiễm nào đó.
Về việc đưa nước ngầm vào hồ, vị giáo sư này không phản đối. "Hồ là vực chứa nước thì nước phải trong lành, môi trường và các loài thủy sinh cũng được an lành khi sống ở đó mới là quan trọng", ông nhấn mạnh.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, thời gian cải tạo hồ không cần quá nhanh. Sau khi nạo vét, người dân nên có ý thức gìn giữ môi trường thì mới mong hồ Gươm luôn sạch.
Trước lo lắng trên của nhà khoa học, đại diện công ty nước sạch thừa nhận rất khó để đạt được hai mục tiêu hồ sạch và gìn giữ hệ sinh thái, vì vậy mong muốn tiếp tục nhận các ý kiến của giới chuyên gia.
Công ty thoát nước Hà Nội dự kiến tổng khối lượng nạo vét là 57.400 m3, diện tích khu vực nạo vét bùn hơn 97.455 m2. Phạm vi nạo vét phải đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7 m. Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 21h30 và kết thúc 5h30. Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng, giấy phép xây dựng) chưa bao gồm thời gian chuẩn bị máy móc và thời gian kiểm tra nghiệm thu. |