Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 32), trong đó có tiêu chí quy mô đào tạo không được vượt quá con số 15.000 sinh viên đã khiến nhiều trường đại học lo lắng…
Thông tư 32 có 3 tiêu chí đó là tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo khối ngành (tiêu chí 1); diện tích sàn xây dựng/sinh viên (tiêu chí 2) và quy mô sinh viên chính quy tối đa (tiêu chí 3) khi các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhiều trường đại học vượt quá quy định
Về tiêu chí 3, Bộ GD&ĐT chia 3 mức quy mô: 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành nghệ thuật; 8.000 sinh viên đối với khối ngành sức khỏe và 15.000 sinh viên đối với khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên, kinh doanh và quản lý, pháp luật, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản… Chiếu theo Thông tư này, cả nước có 18 trường “vượt rào” trên tổng số 219 trường đại học.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM là một trong số 18 trường vượt quy mô đào tạo trên 15 nghìn sinh viên. Ông Huỳnh Thiên Phúc, Phó hiệu trường cho biết: “Hiện trường đào tạo khoảng 19.000 sinh viên nên khi hay thông tư trên rất bối rối vì chưa tìm được cách nào để đáp ứng tiêu chí 3 của Thông tư 32”.
Theo ông Phúc, về tiêu chí 1 và 2, nhà trường hiện đang đáp ứng tốt, thậm chí ngày càng nâng cao chất lượng bằng cách tăng số lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo, tiến sĩ. “Tuy nhiên, nếu chiếu theo tiêu chí 3, giới hạn quy mô đào tạo thì sẽ gây ra sự lãng phí lớn đối với cơ sở vật chất, nguồn nhân lực như hiện nay”, ông Phúc nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cho rằng, thông tư 32 là không hợp lý khi quy định các trường đại học đào tạo không quá 15.000 sinh viên.
“Nếu muốn giảm chỉ tiêu thì trước hết là phải tăng học phí để tái tạo đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất… bởi mức học phí hiện tại của chúng ta đang rất thấp. Bên cạnh đó, giảm quy mô của trường cũng đồng nghĩa với việc gây lãng phí đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất mà bao nhiêu năm nay trường đã xây dựng…”, ông Dũng nói.
Cần lộ trình
Theo ông Huỳnh Thiên Phúc, muốn giảm quy mô đào tạo, trước hết cần phải có lộ trình dài hơi và trước mắt là giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước để tránh xáo trộn.
“Để tránh gây lãng phí cũng như đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho xã hội, trường đại học Bách khoa TPHCM sẽ làm tờ trình để xin các cấp cho giữ nguyên quy mô đào tạo như hiện nay”, ông Phúc nói.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM kiến nghị rằng vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo như hiện nay bởi trường hoàn toàn có đủ năng lực để đào tạo được chất lượng tốt.
Trong khi đó, ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng, việc Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn 18 trường xây dựng lộ trình giảm quy mô theo hướng dẫn của Thông tư, riêng kỳ tuyển sinh 2016, việc xác định chỉ tiêu được tính theo tiêu chí 1 và 2 của thông tư là việc làm cần thiết vì cần lộ trình.
Cho rằng thông tư 32 là cứng nhắc, ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ kiến nghị nên xem đây là mục tiêu, lộ trình hướng đến trong những năm tới.
“Trường hiện đang có gần 32.000 sinh viên với khoảng 2.000 giảng viên, nếu chiếu theo Thông tư 32 thì trường phạm luật nhưng dựa vào Quyết định 37 của Thủ tướng quy định quy mô đào tạo của các trường đại học trọng điểm là 35 ngàn sinh viên và trường Đại học Cần Thơ nằm trong danh sách các trường đại học trọng điểm nên trường sẽ thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng”- ông Đỗ Văn Xê lý giải.
P.V