Sức khỏe răng miệng cho biết rất nhiều về tình hình sức khỏe chung của cơ thể và đôi khi có thể cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, huyết áp cao, động kinh…
Môi nứt nẻ
|
Môi khô, nứt nẻ cảnh báo cơ thể đang bị thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng. Ảnh:Boldsky. |
Theo chuyên gia dinh dưỡng Cath Collins thuộc Bệnh viện St George (London, Anh), việc cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cơ bản có thể thể hiện qua đôi môi.
“Nếu đột nhiên môi bạn trở nên khô, hoặc xuất hiện những vết nứt nẻ ở khóe môi khiến bạn cảm thấy đau, có thể cơ thể bạn đang bị thiếu hụt sắt, kẽm, vitamin B3 và B6”, nhà khoa học cho biết.
Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể thêm lượng thịt đỏ - vốn giàu hàm lượng sắt và kẽm- vào khẩu phần ăn của mình. Các thực phẩm như cá hồi, trứng và rau xanh cũng rất giàu sắt, kẽm và vitamin nhóm B.
Nướu bị chảy máu
Theo Tiến sĩ Reena Wadia, chuyên gia về nướu tại một bệnh viện ở London, hiện tượng chảy máu nướu là bất bình thường.
“Hiện tượng chảy máu giống như một hồi chuông cảnh báo. Đó là cách cơ thể cảnh báo bạn về những vấn đề sức khỏe. Chảy máu sau khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa thường là những dấu hiệu đầu tiên của các bệnh về nướu, hay còn gọi là bệnh nha chu”, bà Reena cho biết.
Ngoài ra, bà cũng khẳng định các bệnh về nướu có liên quan mật thiết tới các vấn đề sức khỏe chung của cả cơ thể như tiểu đường, các bệnh về tim mạch và thận.
Nướu bị sưng tấy
Nếu bạn nhận thấy hiện tượng nướu bị sưng tấy, đỏ và chảy máu, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã mang thai. Phụ nữ mang thai thường dễ bị viêm lợi do hormon thay đổi, khiến nướu trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích thích và sưng đau.
Nghiến răng khi ngủ khiến răng bị mòn, mẻ
Tật nghiến răng khi ngủ có thể gây mòn răng, mẻ răng, căng mỏi cơ hàm và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nghiến răng khi ngủ có thể do stress, căng thẳng thần kinh, rối loạn giấc ngủ hoặc thậm chí liên quan tới những căn bệnh nguy hiểm khác như trào ngược dạ dày – thực quản, Parkinson. Để khắc phục hiện tượng này, bạn có thể tham khảo các bài tập thở trước khi ngủ, đeo máng chống nghiến, can thiệp nha khoa hay nắn chỉnh răng để điều chỉnh hàm răng hay khớp cắn bị lệch lạc.
Răng giòn, dễ vỡ
Người cao tuổi thường có hàm răng yếu và dễ vỡ hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này còn có thể xảy ra do những nguyên nhân khác, không liên quan tới tuổi tác. Theo Giáo sư Alastair Forbes, chuyên gia nghiên cứu về dạ dày, hiện tượng răng bị mòn, dễ vỡ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, và thường gây ra bởi axit từ dạ dày làm phân hủy men răng. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản gây ra do cơ vòng thực quản bị suy yếu và không đóng kín, khiến axit từ dạ dày trào ngược vào trong thực quản.
Những người cao tuổi, béo phì, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, hen suyễn, đái tháo đường có nhiều nguy cơ mắc bệnh này. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản cũng làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, amidan và xoang.
Các vết đau, lở loét
Hiện tượng này có thể xảy ra sau khi bạn ăn uống đồ nóng, cắn vật cứng hoặc đánh răng quá mạnh. Tuy nhiên, khi vết thương, đau trong miệng không biến mất sau 1-2 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu bệnh ung thư miệng. Căn bệnh này thường chỉ có tỷ lệ sống sót là 35%, chủ yếu do thường bị phát hiện muộn.
Theo các chuyên gia, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng gấp 6 lần, nhưng cứ 1 trên 4 trường hợp mắc ung thư miệng lại xảy ra ở cả những người không hút thuốc. Do vậy, hãy đặc biệt chú ý khi trong miệng xuất hiện những vết loét lâu lành, những đám màu trắng hoặc đỏ.
Nướu to bất thường
Khi nướu bị to bất thường kèm theo xuất hiện nhiều mảng bám, bạn hãy đi khám bác sĩ để làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh cao huyết áp hoặc động kinh. Nướu quá to cũng khiến bạn chải răng khó sạch và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu.