Méo mồm, lệch mặt vì rét
Những ngày rét buốt vừa qua, tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bệnh nhi liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng. Bệnh nhi K.H. (3 tuổi, ở Sơn La) nhập viện vì bị méo miệng do liệt dây ngoại biên số 7 bên trái. Bố bệnh nhân cho biết khi thấy con nói hơi ngọng, cười miệng bị méo nên đã đưa con đến phòng khám tư thăm khám. Tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán cháu bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 anh chuyển con đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư điều trị.
Cùng nằm phòng với H. là bé L.T.M (2 tuổi) vào viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch. Người nhà bệnh nhi cho biết, mấy ngày trước, bé được mẹ chở xuống bà ngoại chơi. Sau một đêm ngủ dậy, bà ngoại thấy cháu cười lệch nên cho lên Bệnh viện Châm cứu T.Ư khám. Đáng lưu ý, cháu H. thường được cho tắm đêm. Các bác sĩ nghi ngờ đây chính là nguyên nhân khiến trẻ bị liệt dây thần kinh số 7.
Bác sĩ Đặng Thị Hoàng Tuyên, Trưởng khoa Nhi cho biết, khoảng 1 tuần nay, khoa tiếp nhận 5 ca liệt dây thần kinh ngoại biên số 7.Theo các bác sĩ mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. Những trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này là trẻ có sức đề kháng kém khi gặp lạnh như đi học lúc sáng sớm không được giữ ấm, đeo khẩu trang, tắm muộn…
Bệnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh sau một đêm ngủ dậy đột nhiên khi đánh răng, khi ăn cơm thì nước và thức ăn chảy tràn ra ngoài, soi gương phát hiện khuôn mặt bị biến dạng lệch về một bên. Người bệnh cười nói khó, rõ nét nhất là mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng. Ở một số trường hợp, người bệnh có cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn. Liệt mặt tuy không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Khi mặt bị liệt, mắt sẽ nhắm không kín nên dễ gây các bệnh về mắt như loét giác mạc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Để không bị liệt dây thần kinh số 7, nên tránh nơi có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh. Không tắm quá khuya, nếu trời lạnh, đi ra ngoài cần có khẩu trang, khăn ấm, nếu có việc phải đi xa, tốt nhất nên tránh di chuyển bằng xe máy. Nên bịt kín tai để lạnh giảm tác động vào dây thần kinh số 7
Bác sĩ Tuyên cho hay, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những người thường xuyên thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm dễ nhiễm lạnh. Để không bị liệt dây thần kinh số 7, nên tránh nơi có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh. Không tắm quá khuya, nếu trời lạnh, đi ra ngoài cần có khẩu trang, khăn ấm, nếu có việc phải đi xa, tốt nhất nên tránh di chuyển bằng xe máy. Nên bịt kín tai để lạnh giảm tác động vào dây thần kinh số 7. Đối với những bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, phần lớn bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị đúng. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị sớm sẽ để lại biến chứng và di chứng về vận động và thẩm mỹ.
Bệnh nhân viêm đường hô hấp gia tăng
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, nhiệt độ xuống quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Những ngày này trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, tại khu khám bệnh, số trẻ chờ khám chưa trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, kinh nghiệm cho thấy thời tiết tiếp tục có rét đậm trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám sẽ tăng. Đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Đặc biệt, nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em cũng tăng cao khi thời tiết quá lạnh.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trong mùa đông, quan trọng nhất vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống.
Theo đó, cần mặc ấm, vệ sinh răng miệng hàng ngày, trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi. Nơi ở cần sạch sẽ, thông thoáng không bị gió lùa (tránh mở hai cửa lưu thông nhau). Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi,… không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh, không điều trị theo lời mách bảo của người khác. Cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điêu trị đúng.