Càng đắt càng nhiều lộc?
Mấy ngày nay, bà Khổng Minh Hạc (ngõ 14 Ngô Thì Nhậm, quận Hoàn Kiếm) bỏ bẵng cả lịch tập yoga để cùng chồng đến các công ty cho thuê người tham gia sự kiện kiếm… người xông đất. Bà kể: “Chỗ nào cũng khóa sổ ngày 23 Tết nên mình không nhanh là… hết diễn viên! Tết vừa rồi, gia đình tôi “viện” đến dịch vụ cho thuê người xông đất của công ty Vinamost. Diễn viên là một chàng trai trẻ tuổi, xông đất ngay đêm Giao thừa với mức phí 1 triệu đồng/người- ăn mặc lịch sự, áo vest giày âu. Nếu nhà chủ không quá cầu kỳ, chọn người xông đất từ khoảng 8 giờ sáng hôm mồng Một trở đi thì giá khá mềm, khoảng 800.000 đồng/người trở xuống...”.
Năm nay, bà Hạc muốn “tươm tất” hơn, bà muốn tìm ba diễn viên không chỉ có độ tuổi hợp với con trai bà mà phải mặc đồ Phúc -Lộc- Thọ. Giá cho người xông đất mặc đồ Phúc Lộc Thọ khoảng 1,5 triệu đồng/người, tổng cộng 3 người sẽ “ngốn” 4,5 triệu đồng. “Các con tôi đều làm kinh doanh buôn bán, chuyện xông đất phải làm thật bài bản, cầu kỳ mới mong tài lộc vào nhà!”, bà Hạc nói thêm. Không chỉ có Vinamost, trên địa bàn Hà Nội, bất cứ công ty, cơ sở nào chuyên cho thuê người ăn hỏi, cưới xin, diễn viên đóng thế… đều sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho thuê người xông đất khi khách hàng yêu cầu. Thậm chí, một cửa hàng cho thuê người cưới hỏi trên đường Quang Trung, Hà Đông còn ăn nên làm ra khi mời cả chuyên gia phong thủy, xem tướng “cộng tác”, tư vấn kỹ càng cho gia chủ khi cần thiết.
Trái với bà Hạc, gia đình ông Nguyễn Phúc (ngõ 255 đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai) lại coi trọng cây phong thủy trong nhà. Ngay từ đầu tháng Chạp, ông bà đến tận một cơ sở sản xuất đồ hàng mã ở đường Trần Khát Chân mua một cây tài lộc bằng tiền thật, gồm 38 tờ 1 đô la Mỹ và 1 tờ 10.000 đồng đỏ VND có giá 2,5 triệu đồng. Cây tiền tài “không bao giờ héo” được ông đặt trang trọng giữa phòng khách với mong muốn “hút” lộc vào nhà quanh năm.
Theo chủ một cơ sở đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, trung bình mỗi ngày chị nhận được khoảng 20 đơn đặt hàng, nhiều hôm quá tải không dám nhận vì sợ không làm kịp. “Với ý nghĩa tâm linh, cây chủ yếu có hai loại, tiểu thần tài làm từ 39 tờ tiền và đại thần tài 79 tờ, với màu đỏ chủ đạo tượng trưng cho sự may mắn. Dáng cây được uốn hình rồng bay, tờ tiền xếp hình thiên nga, con bướm, cánh quạt… Việc hoàn thành một cây tiền tài bằng tiền thật có khi mất cả ngày, từ kiếm nguồn tiền Ngân hàng mới tinh và màu đẹp, đến khâu gấp, lắp ráp các chi tiết với nhau…. Chưa kể nhiều lúc bị “ngưng trệ” vì nguồn cung tờ tiền 10.000 đồng đỏ ngày càng khan hiếm”. Trên thị trường, giá một cây tài lộc như thế dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. “Cây càng đắt thì càng bán chạy, người dân không mấy mặn mà với những cây tiền làm bằng tờ 500 đồng. Chạy nhất hiện nay là cây tiền tài toàn tờ 10.000 đồng (38 tờ 10.000 đồng và 1 tờ 2 đô la Mỹ ) với giá trên dưới 2 triệu đồng” - chị chủ nói thêm.
Cùng với cây tiền thật, nhiều gia đình không tiếc tiền chi mạnh tay cho cây “tâm linh, phong thủy” như kim tiền, sung, trạng nguyên, thủy tiên… có dáng bonsai cầu kỳ. Đi liền với đó là đồ nội thất phong thủy để bày biện trong nhà cũng rậm rịch vào mùa. Anh Nguyễn Hưng-chủ một cửa hàng nội thất trên đường Bà Triệu cho biết, ai cũng quan niệm, có đầu tư thì mới có lợi lộc, mặt hàng “hot” nhất năm nay là linh vật dê núi khoảng 4-5 triệu đồng. Có loại dát vàng thật bên ngoài thì tùy yêu cầu của từng gia chủ mà cửa hàng “đo ni” giá cả sau.
May mắn do bản thân mỗi người tạo nên
Theo PGS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, có “phú quý” đến mấy cũng không cần phải “sính lễ nghĩa” theo cách lãng phí như nhiều gia đình đang làm. Chẳng hạn tục xông đất, dẫu có chọn được người “lý tưởng” như vậy thì vẫn chỉ là người xa lạ. Mời một người xa lạ đến nhà mình vào giờ khắc quan trọng đầu năm là đi ngược lại với tập tục xông đất và kiêng kỵ của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bao đời nay, dân ta đều giữ gìn nếp sum họp gia đình, ngày tết con cháu, người thân đề huề vui vẻ.
Đứng trên tư tưởng Phật giáo, Thượng tọa, TS Thích Thanh Tuấn- Ủy viên Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN khuyên các gia đình không nên quá câu nệ, đổ tiền vào những dịch vụ “vô nghĩa” cuối năm. “Mọi người đang bày đặt quá nhiều lễ nghi không cần thiết, nghiêng về mê tín dị đoan. Nhà mình vẫn ở mảnh đất đó, hướng nhà như cũ, đồ đạc vẫn nguyên vẹn, có xông đất hay không cũng chẳng giúp các gia đình thay đổi vận hạn. Tục xông đất đơn giản chỉ là do người Việt tự đặt ra, lấy điều đó làm dấu mốc để chia tay năm cũ, chính thức bước sang năm mới.
"Năm hết Tết đến, mọi người đổ xô mua cây tài lộc bằng tiền để làm gì? Đồng tiền chỉ là phương tiện mưu sinh, cần phải được trân trọng. Nếu người dân cung tiến cây tiền tài bằng tiền thật cho chùa Quán Sứ, nhà chùa sẽ gỡ ngay tiền ra để xung quỹ làm từ thiện. Phúc họa hay không đều tùy theo nghiệp chướng của mỗi con người nặng hay nhẹ. Nghiệp đã có sẵn. Mỗi cá nhân muốn thay đổi nghiệp của mình phải tự thay đổi suy nghĩ, hành động, ứng xử, hướng đến làm phúc, để phúc cho con cháu. “Ai làm điều thiện thì được ban phúc, ai làm điều ác sẽ gặp tai họa. Tất cả đều do con người tạo ra và nhận lấy trong suốt nhiều năm liền. Tài lộc không sinh ra từ dụng công sắp đặt hay nhờ cậy những dịch vụ bề nổi hàng năm. “Mỗi gia đình hoàn toàn có thể tạo ra những nghi thức ngày tết cho mình sao cho phù hợp hoàn cảnh, sức khoẻ, thói quen, văn hoá cư xử… để không gây ảnh hưởng đến ai, cũng như chẳng phải cậy nhờ, lệ thuộc vào người khác” – Thượng tọa Thích Thanh Tuấn nói thêm.