Ths. BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cảnh báo: “Thực tế thăm khám các trường hợp cho thấy, trong khoảng 1 tháng đến 15 ngày sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân đã có thể tái nhiễm. Tỷ lệ tái nhiễm của người dân ở thời điểm này với chủng Omicron khá cao. Tái nhiễm xảy ra trong thời gian càng ngắn, dù kháng thể của người bệnh rất cao nhưng vẫn rất mệt mỏi và các triệu chứng có thể nặng hơn so với lần trước”.
Theo đó, tất cả các đối tượng, ở mọi lứa tuổi, nếu có tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm với SARS-CoV-2; trong đó, đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn là người già, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vaccine. Việc tái nhiễm cũng có thể gặp ở người trẻ, vì vậy bất kỳ ai cũng không thể chủ quan, kể cả với người đã từng mắc và đã khỏi bệnh”.
Theo BS. Nguyễn Thu Hường, có thể xảy ra các tình huống dẫn đến tái nhiễm như: Trước đó người bệnh đã nhiễm chủng Delta sau đó chủ quan có thể tiếp tục tái nhiễm với chủng mới Omicron; đặc biệt, người đã nhiễm chủng Omicron nhưng vẫn có thể tái nhiễm lần nữa với chính Omicron nhưng với biến thể phụ khác. Hiện chủng Omicron được phát hiện có các biến thể phụ là: BA.1, BA.2, BA.3. Thực tế hiện nay cho thấy, những người từng nhiễm biến chủng ban đầu của Omicron là BA.1, có thể nhiễm tiếp chủng BA.2.
Đặc biệt, hiện tại Hà Nội, biến thể Omicron được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện nhiễm biến thể Omicron. Đáng chú ý, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Theo đó, dù các triệu chứng khi nhiễm chủng Omicron thường không nặng như chủng Delta nhưng thời gian tái nhiễm càng ngắn sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, kéo theo đó thời gian hậu COVID-19 dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.