Tổn thất
Các thành viên trong Biệt đội SEAL 6 Hải quân Mỹ phải trải qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt nhằm chuẩn bị cho các nhiệm vụ trong tương lai. Tuy nhiên, đào tạo không bao giờ đủ để lường hết các diễn biến trên chiến trường. Nhiều thành viên đã thiệt mạng trong các trận đấu súng mà sự hy sinh của họ cũng chìm trong bóng tối, giống như sự tồn tại bí mật của họ.
Theo New York Times, trong một cuộc hỗn loạn vào tháng 3/2002 gần biên giới Pakistan, Neil C. Roberts, một chuyên gia tác chiến của đội 6 bất ngờ rơi xuống từ trực thăng trên khu vực đồn trú của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Các tay súng giết anh trước khi quân đội Mỹ có thể tiếp cận khu vực.
Đây là trận đánh lớn và thiệt hại đầu tiên của Biệt đội 6 ở Afghanistan. Roberts bị giết theo cách thức tàn bạo, nhưng dường như đó là hệ quả từ các nhiệm vụ của đơn vị. Trong các sứ mệnh săn lùng nghi can khủng bố, đôi khi các thành viên phải thực hiện công việc rùng mình như chặt ngón tay hay cắt một miếng da đầu của những tay súng họ vừa bắn chết để phân tích ADN.
Do đó khi rơi vào tay các phần tử khủng bố, họ phải chịu sự trả thù dã man, New York Times nhận định. Thiệt hại nặng nhất của đội là vào ngày 6/8/2011 khi một trực thăng CH-47 chở theo 38 lính biệt kịch bị bắn hạ tại Afghanistan, trong đó có 17 thành viên Biệt đội 6. Ngày hôm đó đã trở thành ngày kinh hoàng nhất trong lịch sử đặc nhiệm SEAL.
Trong năm 2002, khu vực hoạt động của đơn vị giới hạn bên ngoài căn cứ không quân ở Kabul, Afghanistan. SEAL cảm thấy thất vọng khi CIA không chịu hạn chế tương tự. Tuy nhiên, đội 6 nhanh chóng được phép phối hợp với cơ quan gián điệp để mở rộng chức năng và khu vực hoạt động.
Một cựu quan chức tình báo tiết lộ, Chương trình Omega là bước ngoặt trong việc mở rộng các nhiệm vụ săn lùng – tiêu diệt của Biệt đội 6. Omega được tổ chức theo mô hình Chương trình Phoenix của CIA trong Chiến tranh Việt Nam. Đơn vị được phép tiến hành các nhiệm vụ bắt giữ, thẩm vấn và ám sát nhằm triệt tiêu mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Bên cạnh đó, Đội 6 còn phối hợp với người Pashtun, Afghanistan để tiến hành các hoạt động gián điệp sâu trong các bộ lạc ở Pakistan. Cuộc chiến chống khủng bố lên đến đỉnh điểm vào năm 2006 khi Taliban tập hợp lực lượng thách thức sứ mệnh của Đội 6. Trung tướng Stanley A. McChrystal, Tư lệnh Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt Mỹ ra lệnh cho SEAL và các đơn vị đặc nhiệm khác đánh bại Taliban. Mệnh lệnh đó khiến năm 2006 trở thành thời gian đẫm máu nhất trong cuộc chiến chống khủng bố do Washington khởi xướng. Biệt đội 6 phối hợp với đơn vị đặc nhiệm Ranger của lục quân để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu nguy hiểm thường xuyên. Mùa hè năm đó, Biệt đội 6 bắt đầu săn lùng các thủ lĩnh của Taliban ngay tại tỉnh Kandahar, Afghanistan – khu trung tâm của tổ chức.
Trong các nhiệm vụ tấn công tiêu diệt nghi can khủng bố, Đội 6 có vô số mục tiêu, tuy nhiên, con số chính thức về các cuộc tấn công của SEAL ở Afghanistan và Pakistan không được công khai. Một cựu thành viên của đội từng tiết lộ, giữa năm 2006 đến 2008, giai đoạn khắc nghiệt nhất của cuộc chiến, mỗi đêm đơn vị hạ gục từ 10 đến 15 tay súng, đôi khi lên đến 25 người.
Tần suất các nhiệm vụ gia tăng đến mức giết chóc đã trở thành một thói quen, cựu đặc nhiệm cho biết. Khi nhiệm vụ của Biệt đội 6 ngày càng mở rộng thì họ càng lún sâu vào việc săn lùng và tiêu diệt vô tội vạ. Một cựu thành viên tiết lộ, đôi khi nhiệm vụ đơn giản là một cái tên và không quan trọng người đó dính líu thế nào đến Taliban. Thậm chí đơn vị tinh nhuệ nhất thế giới còn đuổi theo những tên côn đồ trên đường phố, cựu đặc nhiệm chia sẻ.
Những chỉ trích
Theo New York Times, sứ mệnh săn lùng – tiêu diệt nghi can khủng bố của Biệt đội 6 đã trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân ở 2 quốc gia Trung Á. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, người từng được chính Đội 6 bảo vệ, đã phải lên tiếng chỉ trích lực lượng đặc nhiệm này thường xuyên giết hại người dân trong các cuộc tấn công.
Vị tổng thống cho rằng, hoạt động của Đội 6 đã kích động Taliban tăng cường tuyển quân và gia tăng các hoạt động chống phá đất nước. Một số thành viên trong đội trả lời rằng, họ đã lùa phụ nữ và trẻ em ra khỏi khu vực nguy hiểm để tìm kiếm các nghi can nhằm hạn chế thương vong. Về nguyên tắc, hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm luôn được giám sát bằng máy bay do thám không người lái. Tuy nhiên, phần lớn sứ mệnh của Biệt đội 6 thực hiện vào ban đêm khiến việc xác định tính đúng, sai trong các vụ bắn giết trở nên mong manh.
"Tôi lẻn vào nhà dân trong khi họ đang ngủ, nếu thấy ai đó có súng, tôi giết họ ngay lập tức", Bissonnette, cựu thành viên từng viết trong cuốn sách "No Hero" dưới bút danh Mark Owen, cho hay. Một cựu thành viên giấu tên khác tiết lộ, quy tắc tham chiến của đội quy định, nếu cảm thấy bị đe dọa, các đặc nhiệm có quyền nổ súng. Nhưng việc xác định mức độ của mối đe dọa thường không có cơ sở cụ thể. Chính quy định mập mờ đó đã cho phép các đặc nhiệm bắn giết một cách không nương tay.
Slabinski, cựu thành viên Đội 6, chia sẻ ông từng chứng kiến nhiều vụ bắn nhầm thường dân. Thậm chí, một lính bắn tỉa SEAL từng giết 3 người không mang vũ khí, trong đó có một bé gái và sau đó nói với cấp trên rằng, ông ta cảm thấy bị đe dọa.
Một số cựu quan chức quân đội thường xuyên đặt câu hỏi về việc Biệt đội 6 giết người không có cơ sở. Nhưng tìm bằng chứng về hành vi sai trái của đơn vị là rất khó khăn. Bên cạnh đó, các quan chức của Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt Mỹ SOCOM luôn tìm cách bưng bít và phủ nhận hành động sai trái của Biệt đội 6. "Nếu bạn không thú nhận trên chiến trường thì bạn không phải chịu trách nhiệm", William C. Banks, một chuyên gia về pháp luật tại Đại học Syracuse, nhận xét về hoạt động của Biệt đội 6.
Xem thêm:
- Hạm đội Biển Đen - Lực lượng dũng mãnh bậc nhất thế giới của Nga [Infographics]
- Khóa đào tạo 'địa ngục' của biệt kích quân Mỹ Navy SEALs [Infographics]
- Top những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới
- 10 biệt kích quân tinh nhuệ nhất thế giới (kỳ 1)
Nguồn Zing News