Tuấn Anh bắt đầu cuộc xếp hàng vào lúc 17h chiều hôm trước, cho dù đến 8h sáng hôm sau trường Tiểu học Vạn Bảo mới mở cửa nhận đơn đăng ký vào lớp 1.
Đêm 12/6, Hà Nội rất oi và nóng. Nhưng, trong một sự kiên nhẫn bền bỉ thường thấy, không có bất cứ ai rời khỏi hàng.
Vạn Bảo, một trường tiểu học công lập ở Hà Đông năm học này chỉ nhận 200 học sinh. Khả năng hữu hạn, trong khi nhu cầu thì thể hiện rất rõ: Xếp hàng dài dặc, xuyên đêm.
Dân số Thủ đô đến đầu 2023 đã vào khoảng 8,5 triệu người. Tốc độ tăng dân số 200.000 người/năm, từng được ví tương đương “một huyện người”, mà là “một huyện lớn” mỗi năm.
Không một tốc độ phát triển nào, cả về kinh tế lẫn hạ tầng thiết yếu có thể theo kịp tốc độ tăng dân số như vậy.
Câu chuyện xếp hàng vào lớp 1 ở Hà Đông, tiếc thay, lại không hề cá biệt. Ở quận Hoàng Mai chẳng hạn, nó đã, đang và sẽ còn là chủ đề nóng, mỗi năm.
Nhớ trên truyền hình quốc gia từng có một “ông Loan”, công dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Ông Loan suốt 10 năm trồng rau trên mảnh đất quy hoạch trường mầm non.
Hoàng Liệt, bé con con với diện tích chỉ 4,85 km vuông nhưng có tới gần 25.000 hộ, ngót 90.000 dân với 85 toà chung cư. Số trường mầm non công lập chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu. Trong khi đó, có tới 7 khu đất quy hoạch xây trường đang bỏ hoang.
Vậy là dân xếp hàng cứ xếp hàng. Đất bỏ hoang vẫn cứ bỏ hoang, cả thập kỷ.
Dòng người xếp hàng cho con vào lớp 1 ở Hà Đông. Dòng người xếp hàng bốc thăm vào trường mầm non ở Hoàng Liệt. Dòng người xếp hàng mua nhà ở xã hội ở nhiều nơi… đang cho thấy ngay cả những yếu tố thiết yếu xã hội tối thiểu nhất, cơ bản nhất cũng đang thiếu, chứ chưa cần bàn tới yếu-mạnh, tốt-không tốt.
Và nguyên nhân là điều ai cũng biết: Dân số tăng quá nhanh, trong khi đất thì không thể “đẻ” thêm được. Nhu cầu quá lớn trong khi nguồn lực ít ỏi thì hoặc đang bị bỏ hoang. Còn quy hoạch thì đẩy đất xây dựng trường học có khi lọt giữa những nghĩa địa.
Trong những yếu tố thiết yếu của hạ tầng xã hội như đường giao thông, bệnh viện, trạm y tế, hay trường học, sân chơi thì trường học là thiết yếu của thiết yếu. Trong sự tối thiểu nhất của tháp nhu cầu, những đứa trẻ cần được đến lớp 1 mà bố mẹ không phải vật vã xếp hàng xuyên đêm mong có một chỗ học cho con.