Cụ bà “Tên lung tung” hàng ngày bất kể nắng mưa, cứ 4h sáng, từ một xóm trọ dưới chân cầu Long Biên lại lọ mọ bán hàng rong khắp phố phường Hà Nội. Quãng gần trưa, cụ “đóng đô” dưới bóng mát của một cây sấu cổ thụ trên phố Hàng Bài… để tránh cái nóng đã lên tới 35-40 độ C.
Cụ đến từ một vùng quê nghèo ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Nghèo, có nghĩa là không có ruộng. Hạt ngô, hom sắn thả xuống đất cằn, “nước giới”, lớn được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Vậy là cụ ra Thủ đô. Đơn giản, cứ đói là “đi”.
89 tuổi, tài sản có 2 con 6 cháu 4 chắt. “Thằng bé” cũng 69 tuổi rồi. Cụ đi Thủ đô kiếm kế sinh nhai vì “chúng nó còn phải lo cho con cái chúng nó”, đi vì số tiền trợ cấp người già 360 ngàn đồng mỗi tháng để dành cho đứa chắt đi học, tiền ở quê hiếm lắm. Và “đi” để không mang tiếng ăn bám con cháu.
Cái lưng còng gập thế này nhưng mỏi thì nghỉ. Ơn giời, đôi chân vẫn còn đi được. Cái miệng vẫn còn nói được. “Chó đánh phải chịu đòn”- không khoẻ phải cố khoẻ chứ không khoẻ lấy gì mà ăn.
Một làn tăm tre, bông ngoáy tai mỗi ngày có thể kiếm được 50-70 ngàn đồng, trừ đi 20 ngàn tiền ăn, 15 ngàn tiền trọ thì cũng đút túi được mấy chục. "Chẳng đáng làm bao nhưng thôi kệ mẹ nó bác ạ".
Cuộc sống là chuỗi thang thang. Nỗi buồn, nếu có, chỉ là không có chỗ đi vệ sinh. Cứ phải “ỉa non đái ép” ngoài đường rồi nhét túi nilon bỏ thùng rác.
Bà cụ “Tên lung tung”… thuộc về bộ phận kinh tế vỉa hè. Một khảo sát của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết có đến 69 hoạt động mưu sinh bám mặt đường thống kê được. Và một thành phố, như TP HCM chẳng hạn, có đến hàng vạn người (và có thể nhiều hơn nữa), hộ gia đình, cá nhân, người lang thang... sống nhờ vào vỉa hè, mặt đường.
Có lần một lãnh đạo Tổng cục Thống kê xác nhận nền kinh tế vỉa hè đang đóng góp khoảng 13% GDP…
Nhưng kể cả khi bỏ qua các chỉ số % trong GDP thì chính những cần lao dưới đáy xã hội đang tự mưu sinh, thậm chí trở thành một cột trụ gia đình, tự tạo ra thu nhập, ra 1 việc làm...
Chúng ta có thể nhìn thấy sự nhếch nhác, mất mỹ quan từ hàng rong vỉa hè... nhưng ẩn sau đó là những nỗ lực kiếm sống, để không trở thành gánh nặng xã hội.
Cốc tào phớ bán rong trên tay bà cụ có giá chỉ 5.000 đồng. Nó vừa là nước giải khát, vừa là bữa trưa. Cụ “Tên lung tung” bảo: “Người ta định không lấy tiền mình đâu. Nhưng dù nghèo thì mình cũng phải có sĩ diện, mình phải biết nghĩ… Người ta cũng cảnh bán rong, cũng bòn tiền lẻ như mình”.
Trên vỉa hè, vì thế, còn rất giàu sự tự trọng nữa.