Sau nhiều ngày báo cáo chưa đúng, chiều 6/4, Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên đã có một báo cáo chi tiết, cụ thể về sự việc nghiêm trọng này.
Cụ thể, theo Ban 389 Hưng Yên, sau khi nhận được chỉ đạo khá quyết liệt từ Ban 389 Quốc gia, yêu cầu làm rõ sự thật để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm ở vụ việc này, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 9, Chi cục QLTT Hưng Yên đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA81), Công an tỉnh Hưng Yên làm việc với 2 người ban đầu nhận là chủ hàng số chất lỏng nghi xăng nói trên là ông Trần Mạnh Tiến và Đặng Minh Tâm.
"Kết quả xác minh đã buộc 2 người này thừa nhận họ không phải là chủ hàng cũng như những lời khai ban đầu là không đúng sự thật", Ban 389 Hưng Yên báo cáo.
Cụ thể, ông Đặng Minh Tâm khai nhận có quan hệ đồng hương (Hà Tây cũ) với ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ của Công ty TNHH Một thành viên 165 (thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên). Ông Thành nhờ ông Tâm đứng ra nhận mua xăng với ông Tiến lái xe xi téc BKS 29 C-391.61. Ông Tâm không biết sự việc thế nào. Còn ông Trần Mạnh Tiến khai nhận là lái xe thuê và làm theo chỉ đạo của ông Trần Việt Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị xăng dầu Đức Minh (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Cũng theo Ban 389 Hưng Yên, số hàng hoá trên chiếc xe bị tạm giữ, theo lời khai của chủ hàng, lái xe, chủ xe là xăng máy bay của Cục Xăng dầu quân đội nhập khẩu từ nước ngoài về giao cho Công ty TNHH MTV 165 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội (Bộ Quốc phòng) quản lý để cấp phát cho các đơn vị phòng không, không quân. Số lượng xăng gần 9000 lít đó là lượng xăng dư thừa, dồn lại trong quá trình san chiết từ tank nhập khẩu sang các thùng phuy 200 lít để cấp phát.
Người bán số hàng trên là ông Nguyễn Văn Thành (Chương Mỹ, Hà Nội), Phó trưởng phòng Kế hoạch vật tư của Công ty TNHH MTV 165. Người mua hàng được xác định là ông Trần Việt Quang (trú tại Cầu Diễn, Hà Nội), là Giám đốc Công ty Cổ phần xăng dầu Đức Minh.
Đáng chú ý, việc thoả thuận mua số hàng hoá trên được trao đổi qua điện thoại giữa ông Thành, ông Quang. Ông Quang yêu cầu ông Thành phải có hồ sơ thanh lý và hoá đơn GTGT mới thanh toán tiền. Nhưng quá trình bốc xếp, kiểm đếm số lượng, ông Quang không trực tiếp làm mà giao cho ông Trần Mạnh Tiến, lái xe đến gặp ông Thành để lấy hàng.
Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên đã đề xuất chuyển hồ sơ, tang vật vụ việc sang Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng
"Tại Công ty TNHH MTV 165, ông Thành, ông Tiến và 5 công nhân đã bơm hút xăng từ các thùng phuy vào bồn chứa xe ô tô. Việc mua bán không có hoá đơn, chứng từ theo quy định với giá trị 80 triệu đồng mà đến nay, ông Quang vẫn chưa thanh toán cho ông Thành", ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Chi cục QLTT Hưng Yên thay mặt cho Ban 389 Hưng Yên báo cáo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, cho đến nay, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên đã đề xuất bàn giao hồ sơ vụ việc và tang vật cho Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
"Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên nhận thấy việc điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Thành và các đối tượng có liên quan thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Quốc phòng nên đề xuất bàn giao hồ sơ, vụ việc, tang vật về Cục Điều tra hình sự các tổ chức sự nghiệp Bộ Quốc phòng để tiếp tục điều tra, làm rõ", báo cáo của Văn phòng BCĐ 389 Hưng Yên nêu rõ.
Như vậy, sự việc trên đã ngày càng rõ ràng hơn. Những lời khai ban đầu của các đối tượng là không đúng sự thật và các lực lượng chức năng của tỉnh Hưng Yên đã xử lý hành chính khi chưa làm rõ người mua, người bán, tính chất nghiêm trọng của vụ việc là đã quá vội vàng. Thậm chí, những người vi phạm khai mua gần 9000 lít xăng trên của người dân ven đường, một lý do rất thiếu căn cứ nhưng cũng được cơ quan quản lý chấp nhận. Dân trí sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tin tức về vụ việc này.
Theo Dân trí