Những mập mờ trong vụ liên kết đào tạo với GWIS

(Ngày Nay) - Trường liên kết nói việc thẩm định tính pháp lý của GWIS là Bộ Giáo dục, nhưng Bộ nói chỉ "đồng ý về nguyên tắc".

Trường George Washington International School (GWIS) liên kết dạy song bằng ở 14 tỉnh thành Việt Nam, được Đại sứ quán Mỹ thông báo "không thể tìm thấy" trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ, của bang Florida hay California - hai địa phương trường ghi đặt trụ sở.

Xung quanh câu chuyện GWIS liên kết đào tạo tại 14 tỉnh thành Việt Nam, có  nhiều câu hỏi chưa được giải đáp rõ. 

Ít học sinh đủ tín chỉ để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của GWIS (Mỹ)  

Trong cam kết của nhà trường đăng trên website, Tiểu học - THCS - THPT Newton (Hà Nội) - đơn vị đầu tiên liên kết với GWIS - cho biết học sinh sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT của GW (Mỹ), khi đủ 24 tín chỉ trong chương trình liên kết với GWIS (viết tắt là GW).

Những mập mờ trong vụ liên kết đào tạo với GWIS ảnh 1Những hứa hẹn về quyền lợi của học sinh khi học chương trình liên kết với GWIS đăng trên website của trường Tiểu học - THCS - THPT Newton (Hà Nội), nay đã bị xóa. Ảnh chụp màn hình.

Phần giới thiệu về chương trình liên kết với GWIS của trường Victory (Đăk Lăk) cũng viết, học sinh được nhận bảng điểm và giấy chứng nhận hoàn thành lớp học, tương đương học bạ từng lớp của Việt Nam, khi kết thúc chương trình mỗi lớp học. Kết thúc lớp 12, học sinh được nhận bằng Tú tài của Mỹ.

Cam kết trên của các trường liên kết đã thuyết phục được nhiều phụ huynh - những người mong muốn con em có song bằng tốt nghiệp THPT của cả Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2012 đến nay, trường Newton mới có 6 học sinh nhận được song bằng trong đợt tốt nghiệp năm học 2015-2016.

Giải thích lý do số học sinh theo học chương trình liên kết nhiều (hiện khoảng 500), nhưng có quá ít người được nhận song bằng tốt nghiệp, Hiệu phó Đặng Huyền Phong cho biết, "để đạt đủ 24 tín chỉ, học sinh phải học ít nhất từ lớp 9 chương trình GW". Các em vào lớp 10 mới học chương trình này không thể lấy đủ số tín chỉ, đồng nghĩa với việc không được cấp bằng.

Như vậy giữa cam kết đào tạo với thực tế cấp bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ là khoảng cách quá xa.

Bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ có giá trị thế nào với các đại học Mỹ?

Cũng trong cam kết, trường Newton khẳng định "chuyển tiếp vào các trường đại học của Mỹ, Anh, Úc... tất cả học sinh có bằng tốt nghiệp GW; chuyển tiếp sang trường nước ngoài tất cả học sinh hệ quốc tế GW từ năm 2".

Trường Newton còn thông tin, học sinh học hệ GW sau khi tốt nghiệp THPT sẽ được hưởng học phí ưu đãi như công dân người Mỹ (học bổng đối tác nước ngoài là khoảng 50% học phí) cho 4 năm học tại một số đại học (có nêu tên) ở quốc gia này.

Những mập mờ trong vụ liên kết đào tạo với GWIS ảnh 2Website của GWIS thiếu mọi thông tin căn bản, như: hiệu trưởng, ban điều hành, ban giáo viên, phòng giáo vụ...

Tuy nhiên, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, ông Trần Thắng khẳng định "xã hội Mỹ xem văn bằng tốt nghiệp THPT là kỷ niệm thời trung học". Nó có tính tượng trưng, không có giá trị trong hồ sơ đại học hay xin việc làm. Ngoài ra, đại học Mỹ chấp nhận văn bằng tốt nghiệp THPT của các quốc gia. Kể cả khi trường Việt Nam không liên kết với GWIS, bằng tốt nghiệp phổ thông vẫn được đại học Mỹ chấp nhận.

Nguyễn Vy - Việt kiều ở bang Arizona (Mỹ) từng học chương trình phổ thông và đại học của quốc gia này cũng cho biết, bằng tốt nghiệp THPT "chỉ phát cho vui" chứ không có giá trị khi xét tuyển vào đại học ở Mỹ. "Các trường chủ yếu dựa vào điểm thi chuẩn hóa SAT hoặc điểm GPA để tuyển sinh viên", Vy nói.

Dù học sinh mất thời gian, tiền bạc học để đạt 24 tín chỉ, đủ để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của GWIS (Mỹ), nhưng văn bằng ấy chẳng đem lại giá trị gì.

Học phí chương trình GW giữa các tỉnh chênh nhau hàng chục triệu đồng

Đại diện các trường học có liên kết với GWIS tại Hà Nội, Đăk Lăk, Đồng Tháp, Phú Yên đều cho biết được đối tác Mỹ cung cấp chương trình, sách giáo khoa và giáo viên nước ngoài dạy các môn Toán, Khoa học, tiếng Anh, Văn học Mỹ. Cùng một chương trình, học phí các trường lại chênh lệch hàng chục triệu đồng.

Đơn cử, học phí chương trình GW lớp 6-8 của trường Newton là 11,9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, học phí ở trường Victory (Đăk Lăk), cùng hệ GW, cùng khối lớp, là 1 triệu đồng/tháng (với học sinh trong trường) và 2,6 triệu đồng/tháng (với học sinh ngoài trường), tức chỉ tương đương với học phí trường tư thục trên cùng địa bàn.

Victory còn quảng cáo việc du học tại chỗ qua chương trình liên kết với GWIS "giúp phụ huynh tiết kiệm chi phí gấp 20 lần so với chương trình này tại Mỹ".

Những mập mờ trong vụ liên kết đào tạo với GWIS ảnh 3Học phí chương trình GW của trường Newton (Hà Nội) và Victory (Đăk Lăk) chênh nhau chục triệu đồng/tháng.

Vì sao một chương trình được xem là "đẳng cấp quốc tế" lại có mức học phí giữa các vùng chênh lệch quá lớn?

Liên kết 6 năm, nhưng chưa từng đến thăm trường đối tác

Thành lập năm 2009, trường Tiểu học - THCS - THPT Newton dạy theo chương trình chung của Bộ Giáo dục. Năm 2012, sau khi hợp tác với GWIS, trường bổ sung ba môn trong chương trình liên kết là Toán, Khoa học và Văn học Mỹ.

Theo Hiệu phó Đặng Huyền Phong, trong 6 năm hợp tác, trường Newton vẫn trao đổi định kỳ, đóng tiền học qua tài khoản ngân hàng cho đối tác GWIS. Hàng năm, đại diện GWIS về Việt Nam 1-2 lần, trong đó có hiệu trưởng Larry Frazier và Chủ tịch Hội đồng quản trị Phillip Nguyễn.

Tuy nhiên, trường Newton chưa bao giờ dẫn học sinh sang tham quan cơ sở của đối tác liên kết, dù thường xuyên tổ chức trại hè kéo dài vài tuần ở Mỹ. Bà Phong giải thích, học sinh chủ yếu có nhu cầu tìm hiểu đại học Mỹ theo định hướng tương lai, do đó trường chỉ lập kế hoạch cho các hoạt động liên quan.

Dù học sinh không tham quan, nhưng tại sao chủ cơ sở liên kết không có động thái tới thăm trụ sở của đối tác? Trong khi đó, sau khi báo chí lên tiếng, ông Trần Thắng (Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ) đã tự thẩm định. Ông cho biết, GWIS theo địa chỉ đăng trên website tại thành phố Ontario, tiểu bang California là khuôn viên của Trung tâm nghệ thuật California, không phải trường học.

"Tôi đã liên hệ với Trung tâm nghệ thuật, họ nói khu vực này chưa bao giờ có trường học. Việc GWIS đặt những logo tên trường trên tòa nhà của họ là giả mạo bằng hình ảnh. Trung tâm sẽ sớm báo cáo việc này lên cảnh sát của thành phố. Ngoài ra, tôi gọi cho Ban trường học của thành phố Ontario, họ xác nhận không có trường GWIS trong khu vực của họ", ông Thắng thông tin.

Trách nhiệm để GWIS liên kết tại 14 tỉnh thành thuộc về ai?

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 19/4 cho biết "chỉ đồng ý về nguyên tắc" cho Sở Giáo dục các tỉnh hợp tác với GWIS mở lớp học môn Toán, Khoa học, tiếng Anh và Văn học Mỹ. Bộ đồng thời giao Sở Giáo dục Hà Nội rà soát nội dung, chương trình giảng dạy song ngữ, đảm bảo mục tiêu chương trình giáo dục Tiểu học - THCS - THPT của Việt Nam.

"Bộ đã chỉ đạo rõ chương trình song ngữ thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông của Mỹ và chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, có nghĩa là phải đảm bảo sử dụng đúng và hợp pháp chương trình của hai nước theo sự quản lý của Sở Giáo dục", Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục) Phạm Quang Hưng nói.

Tuy nhiên, nhiều Sở Giáo dục, nhà đầu tư và trường học có liên kết với GWIS lại nói rằng, nếu không có công văn, hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Giáo dục thì sẽ không hợp tác với đối tác Mỹ. "Chúng tôi là người làm giáo dục, chỉ thẩm định về chuyên môn. Trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của GWIS thuộc về Bộ Giáo dục, cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Chúng tôi làm theo những gì Bộ yêu cầu", Hiệu phó trường Newton Đặng Huyền Phong nói.

Trong 6 năm "đồng ý về nguyên tắc" cho phép liên kết, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục cũng không có động thái thẩm định hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của GWIS. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khẳng định "không thể tìm thấy" GWIS trên danh sách cơ quan quản lý của Mỹ thì Bộ Giáo dục mới yêu cầu Sở Giáo dục Hà Nội báo cáo, xem hồ sơ pháp lý của GWIS và tự thu thập tài liệu.

Chỉ vài ngày kiểm tra, Bộ đã ra được kết luận về đơn vị đã liên kết đào tạo 6 năm ở 14 tỉnh thành là tổ chức tư nhân được đăng ký tại Bang Florida (sau đó, đăng ký bang California), không có tên trong cơ sở dữ liệu danh sách các trường tư của sở giáo dục hai bang này. Trường GWIS không được kiểm định chất lượng tại Mỹ, không có minh chứng về việc có học sinh, giáo viên và khuôn viên trường học tại quốc gia này.

Bộ đã gửi công văn đến các Sở Giáo dục có liên kết với GWIS yêu cầu dừng hợp tác và có hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Như vậy, trách nhiệm trong việc cấp phép cho GWIS hoạt động ở nhiều tỉnh thành Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào thừa nhận.

George Washington International School (GWIS) bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2012 qua chương trình "du học tại chỗ", liên kết với trường Tiểu học - THCS - THPT Newton (Hà Nội). Đơn vị này sau đó mở rộng hợp tác với các tỉnh TP HCM, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định..., chủ yếu vào năm 2015-2016. Chỉ tính trường Newton (Hà Nội), Tiểu học - THCS - THPT Victory (Đăk Lăk), trường phổ thông quốc tế George Washington - Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp), đã có khoảng 1.500 học sinh đang theo học chương trình liên kết với GWIS.

Theo Vnexpress
Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.