Nhuộm răng đen
Dân thường nhuộm theo phương pháp đơn giản và rẻ tiền; còn quan lại, vua chúa thì lại có các phương pháp thuốc gia truyền được giữ bí mật về công thức pha chế thuốc nhuộm để có thể duy trì màu đen bóng của răng trong thời gian dài.
Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. |
Trước khi nhuộm phải tiến hành làm sạch hàm răng. Sau đó trong 2-3 ngày liền người đó phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô và than bột. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai các lát chanh mỏng, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh.
Làm như vậy, chất a-xít trong chanh sẽ ăn mòn lớp men ngoài của răng làm thành những vệt sần sùi trên bề mặt răng nhưng không ăn sâu quá làm hại răng, nhờ đó thuốc nhuộm có thể bám chặt hơn vào thành răng. Chưa kể, nhuộm răng phải trải qua các giai đoạn: nhuộm răng đỏ và nhuộm răng đen.
Khi bắt đầu nhuộm, người ta phết chất cao nhuộm răng đen lên lá chuối, lá dừa hay lá cau, cắt vừa khít với hàm răng rồi ép lên mặt ngoài răng. Khoảng 9-10 tiếng thì thay thuốc một lần. Người nhuộm phải nằm há mồm, không được cử động hàm răng cũng như đá lưỡi, đến sáng hôm sau mới được súc miệng bằng loại nước mắm hảo hạng để thải hết chất thuốc còn dính ở kẽ răng.
Sau đó, trong vòng 15 ngày, người nhuộm răng chỉ được ăn các chất lỏng như cháo, bún chấm nước mắm…và chỉ nuốt chứ không được nhai. Ăn xong phải súc miệng bằng nước thuốc. Tiếp đó, dùng một thứ thuốc bột để “xỉa khô”, dùng tay miết thuốc lên mặt răng để có hàm răng đen.
Đây là công đoạn để có một hàm răng đen bóng ánh như hạt huyền. Bước sang thế kỷ 20, tục nhuộm răng đen bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng, ở một số làng quê, đôi khi vẫn bắt gặp những phụ nữ có hàm răng đen.
Xăm mặt
Người B’râu có một cách làm đẹp khác là xăm những hình thù kì lạ lên xung quanh mặt, tùy theo ý thích.
Chỉ những người giàu mới được xăm vẽ mặt |
Đó có thể đơn giản chỉ là những dấu cộng, hoặc những đường thẳng song song nhau… Những hình xăm này không chỉ có ý nghĩa làm đẹp cho mỗi cô gái, chàng trai trong làng, mà còn là biểu tượng của sự giàu có, phồn vinh. Chính vì vậy, chỉ những người giàu mới được xăm vẽ mặt; người nghèo không được phép xăm.
Hiện nay, tục làm đẹp thú vị này đã bị mai một. Trong làng Đăk Mế chỉ còn duy nhất 2 người phụ nữ từng sống trong gia đình giàu có xưa, được xăm mặt. Đó là bà Nàng Nang (88 tuổi) và bà Y bù (101 tuổi).
Mài răng
Các dân tộc Pa Kô, Cơtu, Tà Ôi, M'nông, X'tiêng, Mạ, Bahnar, B'râu, Rmăm... có tập tục cà răng vì cho rằng, ngoài chức năng làm đẹp, nó còn là dấu hiệu của người trưởng thành trong cộng đồng. Vì thế, từ khi mới lớn, con gái, con trai đã được mẹ dạy cho cách làm đẹp này.
Đó là lấy sản phẩm từ núi rừng - những viên đá nhám kiếm từ suối mang về bỏ sẵn trên mái nhà, mỗi ngày mang xuống mài răng một lần. Cứ tháng này qua tháng khác, lúc nào răng nhẵn, đều thì thôi. Ngoài ra, để răng đen bóng, không bị sâu, con trai, con gái còn lấy củ turda (người Pa Kô) giã nhuyễn kết hợp với nhựa đen trong tẩu thuốc bôi lên răng.
Bôi ngày này qua ngày khác, đến khi hợp chất này khô thì sẽ có hàm răng đẹp, suốt đời không phai.
Nhổ răng cửa cho… xinh
Tục nhổ răng cửa được phát hiện ở những di cốt người cổ ở thời kỳ Phùng Nguyên, cách đây khoảng 4.000 năm. Những cư dân thời đại đá mới ở Trung Quốc cũng có tục này. Nhật Bản, Australia và nhiều đảo của Thái Bình Dương cũng có tục nhổ răng.
Cư dân văn hóa Phùng Nguyên nhổ răng từ khi ở tuổi thanh niên. Có khi họ nhổ cả bốn răng cửa dưới và hai răng ở hai bên. Có những người "chơi trội" hơn, nhổ tất cả răng cửa gồm 8 cái. "Họ quan niệm thế là đẹp, là thẩm mỹ", Phó giáo sư Lân Cường từng cho biết, sau khi nghiên cứu về người Việt cổ.
Căng tai
Căng tai có lẽ là dị biệt của nhiều tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên |
Trong các cách làm đẹp của nhiều tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên, tục căng tai có lẽ là dị biệt. Để đeo được những đôi bông bằng ngà hoặc bằng nứa, đồng bào phải căng lỗ dái tai rộng ra. Họ thường dùng gai cây chanh để xỏ lỗ tai, dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xỏ.
Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, đi dự lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng. Trong khi đó, người nghèo chỉ đeo khúc cây hoặc bông ngà voi giả làm bằng củ sắn phơi khô.
>>> Xem thêm:
1. Hủ tục quái gở: Mẹ lấy chồng, con cũng thành vợ cha dượng
2. Bê tráp và quan niệm mất duyên
3. Người giữ lửa ở làng nghề nặn tò he có một không hai ở Việt Nam
Theo Báo Đất Việt