Cao Thị Mơ tại phiên tòa xét xử về hành vi mua, bán người. |
"Mẹ mìn" tuổi 16
Cao Thị Mơ ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Gia đình nghèo khó, mẹ Mơ, như bao người phụ nữ trong bản, chỉ biết lầm lũi theo chồng lên nương rồi tất bật về nhà cơm nước, giặt giũ.
Bà sống lặng lẽ, chấp nhận mọi khổ đau, thậm chí khi bị chồng đánh đập, chửi bới cũng không cãi lại nửa lời. Không muốn chứng kiến mãi cảnh bố đánh mẹ, 14 tuổi, Mơ gật đầu làm vợ người ta.
Dù ít tuổi, nhưng cô gái cũng hiểu được rằng một phần lý do khiến bố mẹ lục đục là vì nghèo túng. Chồng Mơ là Vi Văn Mạo (27 tuổi, ở ngay trong bản). Mạo không biết chữ, tính cách lại chậm chạp, nên cuộc sống đôi vợ chồng trẻ khó khăn, cơm lo từng bữa.
Ở cái tuổi vui đùa, chưa phải lo chuyện cơm áo thì Mơ đã làm mẹ. Tuổi ít, người nhỏ nên dường như cô gái ấy không thể tự tay làm được những việc bình thường của một người mẹ.
May thay, mẹ Mơ vì thương cô con gái, thường lặn lội sang nhà chăm sóc con và đứa cháu nhỏ. Nhưng cuộc đời trớ trêu khi đứa bé lên 2 tuổi vẫn không biết nói.
Rồi Mơ sinh đứa con thứ 2, những tưởng có thêm đứa con lành lặn, ngoan hiền, cuộc sống gia đình Mơ sẽ thay đổi, nhưng oái oăm thay, giông tố cuộc đời cũng bắt đầu từ đó.
Khi bị bắt, Mơ kể lại: “Chồng em tốt bụng nhưng bố mẹ chồng lại khó tính, nhất là khi thấy đứa cháu đầu bị câm, ông bà sinh ra hắt hủi, nói em không biết đẻ con. Áp lực từ gia đình chồng, cộng với áp lực kinh tế cùng suy nghĩ trẻ con, em quyết định, để lại hai con nhỏ ra tỉnh Thái Bình làm thuê, kiếm sống”.
Tại đây, Mơ được nhận vào làm tạp vụ tại một nhà nghỉ. Dù nhớ con nhưng Mơ dặn lòng, cố gắng chắt chiu để chữa bệnh cho con. Ngày làm việc quần quật, hết dọn dẹp rồi giặt giũ, nỗi nhớ cũng vơi đi nhưng đêm về, nghĩ tới hai đứa con, Mơ không tài nào ngủ được.
Cùng chung nỗi nhớ đó, tại quê nhà, Mạo cũng nhớ vợ khôn xiết nên thi thoảng bắt xe ra tỉnh Thái Bình thăm. Phần vì nhớ con, phần vì công việc không phù hợp, Mơ xin nghỉ, quyết định về quê sinh sống.
Biết được ý định về quê của Mơ, Phạm Thị Lĩnh, chủ nhà nghỉ Bến Thành, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình đặt vấn đề nhờ Mơ “điều gái” cho Lĩnh, mỗi người giá 2 triệu đồng.
Lúc đầu Mơ kiên quyết từ chối khi biết đó là việc làm tội lỗi, nhưng vì quá cần tiền, Mơ gật đầu đồng ý. Sau đó, Mơ về bàn bạc với chồng bằng mọi cách dụ dỗ, lừa phỉnh các thiếu nữ thôn quê có thân hình cao ráo, ưa nhìn ra tỉnh Thái Bình.
Tháng 4/2010, vợ chồng Mơ tìm đến nhà hai cô gái Nguyễn Thị Hiên và Lê Thị Thương, cùng trú tại xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) đặt vấn đề. Phần vì nhẹ dạ cả tin, phần vì tin tưởng người trong bản, người thân của những cô gái này gật đầu đồng ý.
Sau khi bắt xe khách ra tỉnh Thái Bình, đôi vợ chồng này đã bán Hiên và Thương lấy 4 triệu đồng. Thấy việc kiếm tiền dễ dàng, cả hai tiếp tục về quê và vùng lân cận tiếp cận những cô gái khác.
Trong năm 2010, Mạo tiếp tục lừa gia đình cháu Ngân (13 tuổi), ở cùng bản. Lần này, hai vợ chồng dắt cô bé đến gặp tú bà Bùi Thị Liễu. Tuy nhiên, do thấy cháu còn quá nhỏ, sẽ không đủ sức để “tiếp khách”, Liễu không mua cháu Ngân. Sau vài lần nài nỉ nhưng vẫn không bán được, vợ chồng Mơ và Mạo buộc phải đưa cháu Ngân trở về địa phương.
Làm gái bán dâm khi đang bị truy nã
Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành điều tra, giải cứu các nạn nhân bị bán vào động mại dâm. Tại thời điểm bị bán, Hiên 15 tuổi, 5 tháng, 15 ngày; Thương 12 tuổi, 9 tháng. Với tội mua bán người, Vi Văn Mạo phải chịu mức án 12 năm tù giam. Với tội danh tương tự, Nguyễn Thị Lĩnh phải chịu mức án 3 năm tù giam. Trước đó, biết chồng bị bắt, Mơ bỏ trốn khỏi địa phương.
Sau thời gian truy bắt không có kết quả, ngày 26/11/2010, công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã đối với Cao Thị Mơ. Thông qua các nguồn tin, công an nắm được thông tin, Cao Thị Mơ đang sống lang bạt ở các tỉnh phía Bắc và hành nghề mại dâm. Từ thông tin đó, các chiến sĩ tiếp tục rà soát ở vùng biển các địa phương từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Nam Định.
Sau đó, nhận được nguồn tin cho biết, Cao Thị Mơ hành nghề gái mại dâm ở bãi biển Quất Lâm (Nam Định). Mới đây, thị đã lấy chồng khác và sinh một con gái được 10 tháng tuổi.
Ngay lập tức, Phòng PC52 một mặt cử tổ công tác lên đường xác minh nguồn tin, mặt khác, tiến hành vận động, thuyết phục gia đình Mơ hợp tác với cơ quan chức năng đưa Mơ ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Biết không trốn tránh được pháp luật, cuối năm 2013, Cao Thị Mơ trở về và đến công an tỉnh Nghệ An đầu thú.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã xử sơ thẩm bị cáo Cao Thị Mơ về hành vi Mua, bán người. Đi cùng với Mơ ngày hôm đó, có cả người mẹ với khuôn mặt bầm tím. “Mẹ bị bố đánh đấy”, Mơ nói lí nhí khi được chúng tôi hỏi chuyện.
Khi được hỏi, biết việc làm sai trái của mình tại sao vẫn cứ vi phạm, Mơ nói: Vì em thương con, mà gia đình lại nghèo, đã thế bố mẹ chồng hay đánh đập, đuổi ra ngoài nên em mới làm liều như vậy.
Trước vành móng ngựa, Mơ thành khẩn khai báo mọi hành vi phạm tội của mình.
Nhận thấy Cao Thị Mơ vì thiếu hiểu biết nên mới dẫn đến vi phạm pháp luật, bị cáo lại thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, HĐXX tuyên phạt 5 năm tù về tội mua bán trẻ em, một năm tù về tội mua bán người.
Nghe vị chủ tọa tuyên án, Mơ ngân ngấn nước mắt. Khi được tòa cho nói lời cuối cùng, bị cáo Mơ run run nói: “Em sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về. Chỉ sợ khi đó các con em chẳng còn nhớ tới mẹ nó nữa”. Nói đoạn Mơ cúi xuống cố giấu những giọt nước mắt chực trào.
* Tên nhân vật đã được thay đổi