2,7 triệu bà mẹ đơn thân “khát” việc
Những bà mẹ đơn thân ở Mỹ phải đối mặt với nhiều rào cản khi muốn kiếm việc, như khó khăn trong việc tìm dịch vụ chăm sóc con nhỏ với giá cả phải chăng và thời gian làm việc cố định. Đối với nhiều bà mẹ, khi đứa con bất ngờ bị ốm hay hỏng xe giữa đường đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ bị sa thải.
Tể từ năm 2015, một điều đáng ngạc nhiên đã xảy ra: Tỷ lệ mẹ đơn thân trong lực lượng lao động đã tăng 4%, chủ yếu là những người chưa có bằng đại học. Đây là con số đáng kinh ngạc, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp. Lần cuối tỷ lệ nhóm các bà mẹ đơn thân có việc làm tăng nhanh như vậy là vào thập niên 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ rất thịnh vượng và những thay đổi chính sách lớn của liên bang, bao gồm đại tu hệ thống phúc lợi xã hội và ưu đãi thuế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính phủ liên bang chưa ban hành bất kỳ chính sách nào nhằm thúc đẩy nhóm phụ nữ này gia nhập lực lượng lao động.
Vào thời điểm hiện tại, các phụ nữ đơn thân buộc phải đi làm để kiếm tiền nuôi con do chính sách an sinh xã hội của chính phủ liên bang không còn đáng tin cậy như trước. Mặt khác, các chính sách mới ở một số tiểu bang như nghỉ có lương và tăng lương tối thiểu có thể thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm việc làm của các bà mẹ. Bằng biện pháp “cây gậy và củ cà rốt”, nhóm phụ nữ đơn thân sẽ buộc tận dụng lợi thế của động lực lớn nhất: Một thị trường lao động có tính cạnh tranh cao.
“Các bà mẹ sẽ phải tính toán một chút. Việc tăng mức lương cơ bản cùng với các chính sách hỗ trợ hợp lý có thể giúp ích cho họ. Thế nhưng như chúng ta đều biết, một nền kinh tế khỏe mạnh mới giúp ích cho tất cả mọi người”, bà Pamela J. Loprest – thành viên của Viện Đô thị Mỹ, cho biết.
Có tới 2,7 triệu bà mẹ đơn thân từ 25 - 34 tuổi chưa kết hôn hoặc sống với bạn đời, họ chiếm khoảng ¼ số lượng các bà mẹ cùng độ tuổi trên toàn nước Mỹ. Ngoài việc phải đối mặt với những thách thức hàng ngày trong việc nuôi dạy và hỗ trợ con nhỏ mà không có sự giúp đỡ của bạn đời, các bà mẹ đơn thân phải lao vào kiếm việc. Họ là nhóm có xu hướng nghèo hơn và ít có cơ hội nâng cao học vấn so với những phụ nữ khác cùng độ tuổi.
Đối với nhiều người, công việc không đủ để giúp các bà mẹ trang trải chi phí nuôi con, vì vậy nếu không có các chính sách như hỗ trợ nghỉ phép, các điểm trông giữ trẻ công, thì nhóm phụ nữ đơn thân khó có khả năng đi làm. “Dù đang nói về những bà mẹ, thực chất chúng ta chỉ quan tâm tới những đứa trẻ. Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ em ở Mỹ là sự bất bình đẳng về kinh tế”, ông Matthew McKeever - Chủ tịch khoa Xã hội học tại trường cao đẳng Haverford, cho biết.
Công việc tạm thời lên ngôi
Những bà mẹ không sở hữu bằng cấp đang chiếm số lượng lớn nhóm phụ nữ đơn thân tham gia lực lượng lao động. Họ là những người thuộc mọi chủng tộc, đến từ cả thành thị và nông thôn. Việc làm trong các ngành điều dưỡng, quản lý và vận chuyển hàng hóa trong kho có mức tăng trưởng việc làm cao nhất đối với các bà mẹ đơn thân trẻ trong giai đoạn 2015-2018. Công việc bán lẻ và hành chính lại có sự sụt giảm lớn nhất.
“Mặc dù các công việc tạm thời (như lái xe Uber hoặc vận chuyển hàng hóa Instacart) không được thống kê cụ thể, nhưng nhiều bà mẹ đơn thân cũng chọn loại công việc này trong những năm gần đây”, bà Danika Dellor, giám đốc điều hành Wanda - một tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco chuyên hỗ trợ các bà mẹ trẻ có thu nhập thấp, cho biết.
Khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, các nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sẽ dễ dàng tìm việc hơn và các nghiên cứu cho thấy điều này cũng giúp ích cho các hộ gia đình yếu thế (người khuyết tật, có tiền án hoặc thất nghiệp dài hạn). Chủ lao động có thể đưa ra mức lương hoặc phúc lợi hợp lý giúp những bà mẹ có thể cân bằng được công việc và nuôi dạy con cái.
Quay trở lại những năm 1990, các bà mẹ đơn thân có thể dễ dàng tiếp cận thị trường lao động nhờ hưởng lợi từ một nền kinh tế thịnh vượng và tỷ lệ thất nghiệp thấp, bên cạnh những thay đổi chính sách lớn.
Đạo luật Hòa hợp Trách nhiệm Cá nhân và Cơ hội việc làm năm 1996, còn được gọi là chương trình cải cách phúc lợi, yêu cầu những người thuộc diện được nhận trợ cấp phải có việc làm cũng như ấn định ngày hết hạn hưởng trợ cấp.
Chính quyền Tổng thống Bill Clinton khi đó cũng ban hành cách chính sách thuế có lợi cho những người thu nhập thấp, kích thích nhu cầu lao động của người dân.
Tỷ lệ việc làm của các bà mẹ đơn thân tăng lên cũng đồng nghĩa với việc chính quyền liên bang sẽ không phải gánh các khoản trợ cấp khổng lồ như trước. Nhưng vẫn còn một số lượng phụ nữ không có khả năng đáp ứng được yêu cầu của công việc, họ trở nên thất nghiệp và không được nhận trợ cấp. Họ có xu hướng ít được giáo dục và có con sớm hơn, và có nhiều khả năng phải đối mặt với các vấn đề thể chất hoặc tinh thần, lạm dụng chất gây nghiện hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Vào năm 2016, có khoảng 3,3 triệu bà mẹ đơn thân thất nghiệp và chỉ 1,3 triệu gia đình được nhận trợ cấp theo chương trình phúc lợi Hỗ trợ Tạm thời cho các Gia đình nghèo (TANF), đây là con số thấp nhất kể từ khi chương trình cải cách phúc lợi được ban hành, theo bà LaDonna Pavetti, Phó Chủ tịch bộ phận chính sách hỗ trợ thu nhập gia đình tại Trung tâm Ưu tiên chính sách và ngân sách.
Ngay cả những người đủ điều kiện tham gia TANF cũng không còn mặn mà đăng ký chương trình, các nhà nghiên cứu cho biết. Chính quyền Trump đã đề xuất bổ sung các yêu cầu công việc tương tự cho những người nhận trợ cấp thực phẩm hay nhà ở và bảo hiểm y tế.
“Nhiều chương trình phúc lợi đã bị vắt kiệt, trong khi yêu cầu công lại tăng lên”, bà Carol Burnett, giám đốc điều hành của Sáng kiến chăm sóc trẻ em có thu nhập thấp Mississippi - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các bà mẹ đang làm việc. “Nếu có nhiều bà mẹ đơn thân đang làm việc, họ chỉ đơn giản là đang rất cần tiền”.
Hiện tại, một số tiểu bang và thành phố đã thông qua các chính sách giúp đỡ các gia đình lao động. Một ví dụ đó là tăng lương tối thiểu. Các khu vực tăng lương nhiều nhất đều có tỷ lệ mẹ đơn thân thất nghiệp thấp nhất. Tuy nhiên, điều này không chứng minh rằng tiền lương cao hơn đã khiến số lượng việc làm tăng lên, mặc dù vậy các thành phố hay tiểu bang có nền kinh tế mạnh sẽ cảm thấy tự tin hơn khi tăng lương tối thiểu. Nghỉ phép có lẽ cũng là một yếu tố đáng kể. Đã có 5 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã ban hành hoặc gia hạn thời gian nghỉ phép kể từ đầu năm 2016. Chính sách nghỉ ốm có lương được ban hành hoặc mở rộng ở 8 tiểu bang và 13 thành phố, theo Hiệp hội Đối tác Phụ nữ và Gia đình Quốc gia. Một số công ty cũng đã mở rộng chính sách nghỉ phép có lương cho những người làm việc theo giờ - đối tượng thường bị loại trừ khỏi những lợi ích này.
Ngân sách cho hệ thống nhà trẻ công đã tăng đáng kể mỗi năm kể từ năm học 2015-2016, nhiều thành phố cũng đã mở thêm các nhà nhà trẻ công để đáp ứng nhu cầu cho các bà mẹ trẻ. Tại quận Columbia, kể từ khi áp dụng các chính sách hỗ trợ nhà trẻ công, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của các bà mẹ chưa kết hôn có con dưới 5 tuổi đã tăng 13%, nhiều hơn 4% so với mức tăng của các bà mẹ đã kết hôn.
Các chính sách phúc lợi hỗ trợ cho các gia đình thu nhập thấp có thể thúc đẩy. Ít nhất 25 bang đang xem xét các đề xuất để tạo hoặc mở rộng ưu đãi thuế thu nhập. Vào năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt chi thêm 2,4 tỷ USD cho Quỹ chăm sóc và phát triển trẻ em, mức tăng lớn nhất kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 1990.
Thị trường lao động chặt chẽ và các chính sách từng phần dường như đang giúp nhiều bà mẹ đơn thân có đủ khả năng làm việc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết nhóm phụ nữ này không đủ tự mình giải quyết các khó khăn trong công việc để kiếm tiền chăm sóc con cái, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ chững lại.
“Ngay cả khi tăng lương và thậm chí ban hành các chính sách hỗ trợ, người lao động vẫn phải phụ thuộc vào lòng thương hại của người sử dụng lao động”, bà Kristin S. Seefeldt, Phó Giáo sư về công tác xã hội và chính sách công tại Đại học của Michigan, cho biết. “Người lao động vẫn phải tự lo cho các vấn đề cá nhân và gia đình của mình, chứ không phải những chủ lao động, điều này đã in đậm trong văn hóa Mỹ”.