'Sống kiểu nào cũng phải hạnh phúc'

[Ngày Nay] - Dành hết thanh xuân làm ruộng, chăn nuôi phụ giúp gia đình, ngẩng lên đã 35 tuổi, khi bạn bè ai cũng yên bề gia thất, chị Hoa gạt bao dị nghị để xin một đứa con làm chỗ dựa. Hai mẹ con tắt lửa tối đèn có nhau trong ngôi nhà thấp bé chưa đầy 10m2 ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
'Sống kiểu nào cũng phải hạnh phúc'

Làng quê nghèo định kiến

Sinh ra trong một gia đình nghèo vùng ngoại thành Hà Nội, chị Phạm Thị Hoa, 59 tuổi rất thấm những định kiến xã hội ở ngoại thành. Có bầu trước khi cưới đã hứng chịu bao búa rìu dư luận, huống hồ không chồng mà chửa. Có người nói chị lành quá chẳng chịu ra ngoài tìm chồng, có người chê chị nghèo nên chẳng anh nào lấy. Cả thanh xuân tìm chồng bất thành, chị quyết tâm phải có một đứa con làm “của để dành”.

“Hồi son rỗi, cũng có vài ba người đến với tôi nhưng chẳng đi đến đâu. 35 tuổi hết duyên, biết mình không thể lấy chồng, tôi quyết tâm xin một đứa con” – chị Hoa kể.

Nhà bố mẹ nghèo có 8 người con, bố mẹ chị Hoa như bao ông bố bà mẹ nông thôn khác, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, vất vả nuôi cả đàn con. Ông bà đương nhiên không chấp nhận con gái mình có con mà không lấy chồng. Bố chị ghét ra mặt. Mẹ chị không đồng ý nhưng vì thương con gái nên cũng không quá căng thẳng. Chị Hoa lẳng lặng có bầu, sinh con năm 1995, rồi ở cữ cùng bố mẹ đẻ.

“Ngày tôi đi đẻ ở trạm y tế xã có 2 em dâu đi cùng, đỡ tủi thân. Mọi thứ đều một tay tôi lo. May mắn là tôi đẻ dễ, dù đã cao tuổi. Trưa hôm ấy tôi vẫn còn gánh gồng 40-50 cây ngô khô về đun củi, thế mà tối đã đi đẻ” – chị Hoa cười nhớ lại. Trời thương cho chị một đứa con gái trộm vía kháu khỉnh, chị đặt tên là Mai, với hi vọng con sẽ có một ngày mai tươi sáng và hạnh phúc hơn.

Có thêm đứa con, bao thứ phải lo, chị Hoa mới thấy làm nông nghèo và khó khăn thế nào. Chị bảo, nuôi con một mình vất vả lắm, nhất là làm nông, thiếu tiền suốt ngày. Nếu nhà khác có chồng làm trụ cột kinh tế thì những gia đình đơn thân như chị “hổng nóc”. Không có nhà nội hỗ trợ, không có người đàn ông trong gia đình, cái gì cũng đến tay người mẹ đơn thân. Con gái được 5-6 tháng đã ốm vặt liên miên, tròn 6 tháng nó bị viêm phổi phải đi bác sĩ, chị Hoa vừa bế con chăm con, vừa tăng gia sản xuất để kiếm tiền mua thuốc cho con… “Hồi ở cữ, bà ngoại trông con cho tôi đi làm ruộng. Các cậu và em dâu cũng đỡ đần nhiều. Tôi có gia đình giúp nên cũng đỡ vất vả hơn. Nhà có gì ăn nấy, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau”.

'Sống kiểu nào cũng phải hạnh phúc' ảnh 1

Hồi ấy, thời gian đầu, người ta thỉnh thoảng xì xào về hai mẹ con chị Hoa, tò mò bố đứa bé là ai, sau thưa dần rồi thôi. Ai cũng có cuộc sống riêng, người ta lại bị cuốn vào guồng quay của đồng áng, việc nhà, việc họ hàng, làng xóm. Không chỉ có chị Hoa, trong làng cũng có dăm ba người xin con như chị nên chuyện không chồng có con dần bớt ồn ào...

Ra phố kiếm tiền

Con gái từ lúc đỏ hỏn đến tuổi đi học trộm vía đều ngoan ngoãn như tự biết gia cảnh riêng của mình. Chị Hoa không ca thán nhiều. Chị tự hào về con lắm, nó học hết phổ thông, rồi đỗ Cao đẳng sư phạm, khoa tiểu học. Từ ngày con gái đi học cao đẳng, nó cần nhiều tiền, chị Hoa quyết định ra nội thành, chọn “nghề” osin để kiếm thêm thu nhập. Chị luôn cố gắng làm mọi thứ kiếm sống để cô con gái không thấy tủi thân và thiếu thốn.

“Hồi nó đi học cao đẳng, mỗi tháng phải gửi 2-3 triệu/tháng. Làm ruộng chẳng được bao nhiêu, tôi khóa cửa, để nhà không, ra thành phố làm osin. Đi không biết bao nhiêu nhà, khéo phải giúp việc cho chục gia đình rồi đó. Nhà ai tôi cũng nhớ...” – chị Hoa kể.

Ngày đầu mới ra phố, lương osin được 2-2,5 triệu/tháng, tháng nào lấy lương chị đưa con gái hết. Sau lương osin tăng, giờ cũng được 5-6 triệu đồng. Nhưng chị Hoa kể, làm osin cực lắm. “Nhà chủ hỏi đã phơi quần áo chưa, chị nói rất nhanh phơi rồi, thế mà nó quy tội cãi chủ. Lại có hôm chị làm xong việc nhà, chán không biết làm gì, tivi thì không dám bật lên xem, chị sang hàng xóm trò chuyện, bị quy tội buôn chuyện, hóng hớt...”.

Đời osin được chủ nuôi ăn, nuôi ở, nhưng chị bảo, đâu có sướng, việc chẳng lúc nào ngơi tay, phải làm việc nào ra việc ấy. Chị từng giúp việc cho một gia đình làm thuốc nam ở thị trấn Phùng – Đan Phượng, hết trông con cho nhà chủ, lại ngồi sao thuốc, tiếp khách... Có những ngày chị thức đêm trông trẻ. Chị thích trẻ con, đến nhà chủ nào có trẻ nhỏ chị cũng chăm kỹ lắm, thậm chí có đứa trẻ quấn chị hơn quấn bố mẹ. Là mẹ đơn thân, lại ít học nên chị trân trọng từng công việc mình nhận được, để kiếm từng đồng nuôi con gái ăn học. Nhưng có khi đụng phải nhà chủ quá quắt, gán cho chị lỗi nọ lỗi kia không đúng, chị không sao nói lại được. Đã có lần chị bỏ về ngang chừng hợp đồng vì không muốn đôi co với chủ. Rồi chị lại cặm cụi xin việc, làm thật tốt công việc của mình...

Ai rồi cũng ổn

Ngày xưa không chồng mà đẻ là chuyện tày đình, nhưng giờ khác rồi, nhịp sống và suy nghĩ đã cởi mở. Chuyện một thời “bất thường”, tày trời của chị Hoa giờ đã thành bình thường. Không ai phán xét, không ai dị nghị. Giờ con gái chị đã 24 tuổi, nó đã kịp lấy chồng và sinh hai đứa con êm ấm. Nhà thông gia không quá câu nệ chuyện chị là mẹ đơn thân. Giờ chị ở một mình, thỉnh thoảng chị ngóng Mai và các con về sum vầy thăm bà ngoại.

'Sống kiểu nào cũng phải hạnh phúc' ảnh 2

Những ngày cuối hè tháng 8, cái lưng đau của chị Hoa lại “biểu tình” chắc vì hồi đẻ chị không kiêng kỹ, lại quanh năm quần quật công việc nên càng có tuổi chị càng đau. Chị nghỉ làm giúp việc, về quê an nhàn, tiếp tục làm ruộng. Có ngày mưa dông, căn nhà nhỏ lụp xụp ngập nước. Mấy cây bưởi quanh nhà cũng uống “no nước” vì nhà đúng chỗ trũng, nước mưa rút chậm. Căn nhà nhỏ cấp bốn chưa đến 10m2, bên cạnh là cái bếp nhỏ cũng vẻn vẹn 4-5m2. Mong muốn lớn nhất lúc này của chị Hoa là có tiền sửa nhà, nâng cái nhà lên cho cao thêm chút nữa, nhà sẽ khô ráo và sẽ đỡ bị ngập nước hơn. Chị muốn con rể và con gái khi về thăm bà ngoại có chỗ ngủ rộng rãi hơn. Chị Hoa bảo: “Chẳng ai muốn làm mẹ đơn thân cả, ai cũng mong muốn được mái ấm hạnh phúc, có chồng đỡ đần bên cạnh. Nhưng nếu bất đắt dĩ phải chọn, thì phải sống thật tốt. Chị nghĩ đơn giản, phụ nữ dù sống kiểu nào cũng phải hạnh phúc, thì con mới hạnh phúc”.

Mấy hôm nữa, chị sẽ thử sang nhà ông cụm trưởng gần nhà, hỏi xem có khoản nào hỗ trợ hộ nghèo không, chị sẽ xin một khoản về sửa nhà. Con gái chị đã yên bề gia thất, chị không có mong muốn gì hơn là có thể sửa nhà tươm tất, để các cháu có một chốn quê khang trang hơn khi thăm bà ngoại... 

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.