Bộ tứ này được thành lập vào mùa hè năm 2013 khi quá trình dân chủ hóa ở Tunisia có nguy cơ sụp đổ vì các vụ ám sát chính trị và bất ổn xã hội. Nó thiết lập tiến trình chính trị hòa bình để nắm quyền lãnh đạo đất nước trong thời điểm quốc gia Bắc Phi bị đẩy tới bờ vực nội chiến. Bộ tứ thực hiện vai trò trung gian hòa giải và tạo động lực cho hòa bình, dân chủ phát triển ở Tunisia.
Trước đó, Cuộc “Cách mạng hoa nhài” bùng nổ ở Tunisia đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” ở hàng loạt quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi như Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Saudi Arabia, Syria, Libya, Morocco…Ở nhiều nước, sự hỗn loạn bùng nổ dẫn tới nội chiến đẫm máu, điển hình là Libya và Syria.
Nhờ các cuộc đối thoại do nhóm Bộ tứ tổ chức và vận động, hòa bình đã được lặp lại tại Tunisia, các cuộc bầu cử tự do và dân chủ diễn ra, chính phủ được thành lập.
Bộ tứ Đối thoại Quốc gia bao gồm 4 tổ chức chủ chốt đại diện cho các tầng lớp và lĩnh vực khác nhau trong xã hội dân chủ Tunisia đã vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình 2015. |
Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định cần ghi nhận công lao này của nhóm Bộ tứ, bao gồm cả việc bảo vệ những thành quả của cuộc “Cách mạng hoa nhài”.
Đồng thời bày tỏ hi vọng giải Nobel Hòa bình 2015 sẽ đóng góp vào nền dân chủ Tunisia và là niềm cảm hứng đối với tất cả những người đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình và dân chủ tại Trung Đông, Bắc Phi và phần còn lại của thế giới.
Tổng thống Pháp hoan nghênh sự kiện này với nhận định: giải thưởng Nobel Hòa bình vừa được trao là một vinh danh đối với "thành công của tiến trình quá độ dân chủ tại Tunisia", trong số tất cả các phong trào Mùa Xuân Ả Rập, chỉ duy nhất có Tunisia là đạt được một chuyển đổi thành công, "với các cuộc bầu cử được công nhận, và các định chế dân chủ". Bộ tứ vì Đối thoại Quốc gia Tunisia đã đóng vai trò to lớn trong việc thiết lập nên một hệ thống điều hành đất nước dựa trên Hiến pháp.
Houcine Abassi, một lãnh đạo trong các nhóm thuộc bộ tứ vừa nhận giải Nobel Hòa bình, cho biết ông rất xúc động khi nhận giải thưởng danh giá. “Nó là sự ghi nhận cho nỗ lực suốt hai năm qua của chúng tôi để gìn giữ Tunisia”, Abassi nói.
Giải Nobel Hòa bình được công bố lúc 16h chiều 9/10 theo giờ Việt Nam. Đây được coi là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel. Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển chịu trách nhiệm trao thưởng 5 giải Nobel bao gồm Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế. Giải Nobel hòa bình do Ủy ban trao giải của Quốc hội Na Uy chọn ra.
Tuy nhiên, Nobel Hòa bình cũng là giải thưởng thường gây tranh cãi nhất. Ủy ban trao giải Nobel Hòa bình thường không công bố hồ sơ về những người được đề cử trong suốt nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ủy ban này tiết lộ có 273 ứng viên, bao gồm 68 tổ chức và 205 cá nhân được đưa vào diện xét duyệt trong năm 2015.
Kể từ năm 1901 tới năm 2014, 95 giải Nobel Hòa bình được trao. 16 phụ nữ nhận giải thưởng này trong đó Malala Yousafzai, 17 tuổi, là người trẻ nhất được vinh danh. Độ tuổi trung bình của chủ nhân giải Nobel là 62.
Việc Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia được trao giải Nobel Hòa bình là hết sức bất ngờ, vì trước đó các tổ chức nói trên đã không có mặt trong nhóm các ứng cử viên hàng đầu của giải thưởng cao quý này (như Giáo hoàng Phanxicô, Thủ tướng Đức Merkel, hay một bác sĩ người Congo).
Xem thêm:
- Nobel Hóa học 2015 mở đường cho phương pháp điều trị ung thư mới
- Nobel Vật lý được trao cho người giải mã bí ẩn hạt neutrino "ma quái"
- Những điều ít biết về nhà khoa học nữ nhận nửa giải Nobel Y học 2015
Minh Châu (t/h)