Đồng thầy Nguyễn Ngọc Khánh (làng Hòa Duệ, Tứ Kỳ, Hải Dương) chia sẻ, từ hôm biết Tín ngưỡng Thờ Mẫu chính thức được vinh danh ông mất ngủ triền miên vì lo bùng phát các ông bà đồng “khóa học ngắn ngày” tự xưng và nghi lễ hầu đồng ngày càng biến tướng, thành dịch vụ làm giàu, mất hết thiêng.
Nỗi niềm người “lỗi mốt”
Ở tuổi trên 60, đồng Khánh kể ông từng có 12 năm theo đồng thầy trong làng làm đệ tử, tới lúc thầy công nhận ông mới được mở điện riêng. Trước kia mâm lễ chỉ có ít trầu cau, vài quả cam táo. Kẹo dồi tự nấu, cắt ra lăn vào khay bột, dúm vào mảnh giấy chia lộc cho mỗi người vài cái. Đồ mã chỉ có 1 tòa sơn trang, 1 voi, 1 ngựa, 15 cỗ mũ (biểu tượng cho các thánh). Thỉnh thoảng mới có giá hầu tung tiền xu, hào lẻ lộc thánh. Ngày nay “đồng to bóng lớn” phải phô trương thanh thế bằng lễ vật ngập ngụa và tiền tung mọi lúc.
“Bản thân tôi mặc đúng trang phục của các quan theo vấn hầu nhưng không bao giờ tô son phấn. Thời nay trăm phần trăm đồng nam đều kẻ vẽ mặt cầu kỳ, gắn cả mi giả, có người độn cả ngực. Gần đây tôi đi hầu ở Kiếp Bạc, gặp nhà sư kiêm thầy đồng độn ngực nhảy múa trông lố hết nói”. Thời xưa thầy đồng chỉ đi lại nhún nhảy trong một vuông chiếu, nay họ múa loạn lên trong cả ba bốn chiếu. Nhiều người vừa trình đồng hôm trước hôm sau đã làm thầy mở điện linh đình. Mặc dù, đa số con nhang đệ tử thời nay phù thịnh, chỉ ủng hộ đền phủ hoành tráng, nhạt nhẽo dần với đồng đền “quê mùa lỗi mốt”, đồng Khánh vẫn quyết giữ cung cách xưa. “Ngoài lúc nhập đồng tôi chỉ là người phàm tục. Người hầu đồng chỉ là cái ghế của thánh. Vậy mà nhiều ông bà đồng ảo tưởng họ là thánh 24/7, được quyền phán truyền, chửi mắng con nhang”. Đồng Khánh cảm thấy được an ủi ấm lòng khi thỉnh thoảng được con nhang từ một vấn hầu lòe loẹt nhạc ầm ĩ gọi điện mong được dự giá hầu của ông “ông hầu “thật đồng thật bóng” xem thấy dễ chịu, thư thái hơn hẳn”.
Đồng đền Trần Thị Hồng Vân (Đền phủ Nấp, Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định) |
Đồng đền (vừa là đồng thầy vừa là thủ đền) Trần Thị Hồng Vân (Đền Phủ Nấp, xã Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định) ở tuổi trên 70 vẫn cai quản hai ngôi đền trong xã. Con nhang đệ tử của bà đa số toàn người dân quanh vùng, mỗi vấn hầu trình đồng (lễ ra mắt để được công nhận là ông (bà) đồng) không bao giờ vượt quá 20 triệu. Trong đó, chi phí cho nhóm hát văn ba người hết có 2 triệu. Thời xưa lễ mặn chỉ có vài lạng giò, cân hoa quả cũng trình đồng được. Nay thì ở đền phủ tên tuổi phải mất vài trăm triệu mới “nên danh đồng thầy (ông/bà đồng đủ uy tín để mở phủ cho người trình đồng”) “ Một tạ lúa bán được có 600 ngàn. Người nông dân mất bao nhiêu tạ mới hầu được ở đền phủ to?”.
Là một trong ba trường hợp đồng thày đưa vào nghiên cứu trong Hồ sơ đề cử quốc gia về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đồng Vân vừa trở về từ Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể họp tại Adis Abebas, Ethiopia. Đồng Vân kể, lúc xuống sân bay Nội Bài, chả có ai ra đón mà bà cũng chả dám nhắn ai “chỉ có đồng đền ở phủ lớn, phủ giàu mới được nhiều đoàn xe xịn của con nhang ra nghênh đón thôi”. “Đang đứng lơ ngơ ở sảnh, tôi gặp được một đệ tử cũ, thế là cậu ấy chở tôi về quê. May quá”. Câu hát “Còn duyên buôn nụ bán hoa. Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi chờ” có lẽ đúng cả với những đồng thầy tuổi cao, “không chịu cập nhật”, theo cách nói của con nhang đương thời.
Đồng Vân bày tỏ ghét nhất thầy đồng kiêm nghề đồng bói. “Họ nhân danh thánh điều khiển con nhang mê muội phải vay mượn theo các giá hầu đắt đỏ khiến người ta nợ nần khốn đốn thêm”.
Nhớ thời hầu trộm, hầu chay
Hơn mười năm về trước, hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan, các vấn hầu thường phải thực hiện lén lút. Cơ cánh đồng thầy cùng con nhang đệ tự phải chọn giờ vắng vẻ, thậm chí đi cổng sau vào đền hầu thánh. Thời đó ban quản lý các đền đông khách “hầu bóng” luôn trả lời “không” khi có người tò mò về vấn hầu đang diễn ra bên trong. Tuy nhiên nếu được lời đảm bảo của cơ cánh thì dễ dàng lọt vào tham dự.
“Nhân đợt này, nhiều người cố tình vinh danh đồng cốt chứ không phải Tín ngưỡng thờ Mẫu”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) kể năm 2004 bà dẫn TS ngành Nhân học Mỹ Laurel Kendall về phủ Phúc Linh Điện (Văn Giang, Hưng Yên để dự vấn hầu của bà đồng Nguyễn Thị Nga. Hàng xóm thấy có tây liền báo chính quyền. Công an xã đến dẹp vì lý do đưa người nước ngoài vào nhà không báo cáo và tuyên truyền hình ảnh mê tín dị đoan của người Việt với bạn bè quốc tế. Bà Nga lấy mấy bao thuốc lá ra biếu, giải thích khách là nhóm nghiên cứu thế là mọi chuyện lại đâu vào đấy. Đồng Nga kể, có lần lên Sơn La mở phủ cho đệ tử, bà bị bắt giam mấy ngày. Người nhà phải lên chạy vạy đón về.
Có người nặng căn quả mà ở nông thôn nghèo không có điều kiện nên đành ra đồng hầu chay. TS Nguyễn Thị Hiền từng tham dự vấn hầu không có hát văn, không mã, chỉ có đĩa hoa quả và vài bức tranh màu nước vẽ các thánh. Người trình đồng ngồi nhắm mắt lắc lư trong im lặng, tự cảm thấy quan Hoàng Mười nhập về thì ra hiệu, nhóm hầu dâng ngồi cạnh chắp tay lạy, miệng hô mời quan về. Có nhiều trường hợp hầu chay không nhạc là do sợ ồn ào, hàng xóm báo cơ quan chức năng.
Giai đoạn Tín ngưỡng thờ Mẫu được đề nghị đệ trình lên UNESCO để được công nhận Di sản Văn hóa nhân loại, ở nhiều địa phương cấp Sở văn hóa đã nới lỏng nhưng chính quyền phường xã vẫn chưa biết, nên lúc cấm lúc thả. Ngoại giao xởi lởi, quà cáp vung tay là sở trường của các ông bà đồng. Gần đây, hầu đồng đã được hoạt động thoải mái, nhiều người trong cuộc vẫn giữ thói quen “tán lộc” từ vòng gửi xe để được “xuôi chèo mát mái”.
Đồng thầy có phải là một nghề?
Chia sẻ cảm nghĩ về mối đe dọa nghi lễ hầu đồng bùng nổ lệch lạc, đồng đền Nguyễn Đắc Trung (đền Linh Vương Long (Cô bé Sapa), Tân Ấp, HN) chia sẻ thời nào cũng có người lạm dụng tín ngưỡng để gây thanh thế và kiếm tiền. “Nhân đợt này, nhiều người cố tình vinh danh đồng cốt chứ không phải Tín ngưỡng thờ Mẫu”. Thuộc thế hệ 9X, đồng Trung cho rằng mỗi nơi có một cách làm của họ. Đây là tín ngưỡng nên không có qui định cụ thể. “Không chỉ trong giới hầu đồng mà bản chất xã hội luôn phù thịnh chứ không phù suy”. Có nhiều đồng thầy có tâm nhưng lại không có sức hút nên ít con nhang, đền phủ vắng vẻ. Bản thân đồng Trung không ủng hộ những con nhang sống chết vay mượn để hầu đồng cải số. “Hầu đồng là một cách giải tỏa, một chỗ dựa tâm linh để cầu an, cầu sức khỏe. Không thể vì nó mà thành con nợ, lo nghĩ tâm trí hao tổn, sinh bệnh, bất hạnh thêm”.
Đồng đền Nguyễn Đắc Trung (đền Linh Vương Long (Cô bé Sapa), Tân Ấp, HN) |
Đệ tử, những người chấp tác trong phủ của đồng Trung ngoài giờ phụ lễ, họ đi cắm hoa, trang trí sự kiện bên ngoài kiếm tiền. Đội cung văn không được nhận cát-sê quá cao, họ phải hát tăng thêm từ 7 thành 10 vấn trong tuần để tăng thu nhập. Cung văn của phủ giữ lối hát truyền thống, không bao giờ chiều khách kiểu hát thêm cải lương hay nhạc mới.
Đồng Trung kể: “Tôi luôn bảo với các đệ tử (cũng toàn người trẻ) rằng “mình là người lao động, không có học vấn kiếm được việc phù hợp là tốt lắm rồi”. Đệ tử nào nhen nhóm ảo tưởng quyền lực của thánh lập lức bị loại ngay. Đồng Trung không coi “đồng thầy” là một nghề “người có căn quả thì phải theo thôi”, chính vì vậy đồng thầy 9X không ủng hộ khi thanh đồng được phong nghệ nhân.
Trong giới đồng , cũng rộ trào lưu “gia đình trị”. Có gia đình nảy ra tới 3-4 ông bà đồng, họ cử tiếp thành viên khác đi học viết sớ, học làm mã để mở xưởng, cả mười người cha mẹ con cái thành dịch vụ khép kín, với mục đích kinh doanh làm giàu. Có người chẳng có căn đồng cũng được gia đình gò thành ông (bà) đồng nối nghiệp gia truyền.
Theo đồng Trung, “không có trường lớp nào đào tạo được thầy đồng. Đã là nghệ nhân thì phải truyền nghề mà nghệ nhân thanh đồng đâu có truyền nghề được nếu đệ tử không thực sự có căn số”.