Sữa đem đổ, ớt đem chôn
Tháng 3/2015, Tiến sỹ Rick Gilmore, người từng giữ chức cố vấn an ninh lương thực cho Nhà Trắng và là chủ tịch của Diễn đàn an toàn lương thực toàn cầu, tới Việt Nam. Trong một bài phỏng vấn rất ngắn gọn dành riêng cho tác giả, ông đã chia sẻ một số từ khoá để Việt Nam trở thành một “nhân tố lớn” trên thị trường thực phẩm toàn cầu. Trong đó, tất nhiên bao gồm những khái niệm quen thuộc như “an toàn thực phẩm”, “nguồn cung ổn định” và “chất lượng đồng đều”.
Nhưng làm thế nào để có được điều đó? Khi tác giả hỏi tiến sỹ Gilmore, rằng mục tiêu biến Việt Nam thành một quyền lực trên thị trường nông sản thế giới, sẽ được thực hiện bởi các doanh nghiệp lớn, hay bởi ý thức của từng người nông dân, ông trả lời: “Both”. Cả hai. Các doanh nghiệp lớn cần có một chiến lược mà nguồn cung nông sản của họ đến từ các tập quán canh tác lành mạnh. Họ cần phải “giới thiệu cho người nông dân các tiêu chuẩn canh tác tốt” này, đồng thời trả giá xứng đáng cho nông dân. “Lợi ích song hành” là cách mà Gilmore nói về mối quan hệ của nông dân - doanh nghiệp.
Vậy thực trạng ở nước ta hiện nay, mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp đang như thế nào?
Hãy hỏi những người nuôi bò sữa ở Lâm Đồng. Đó là buổi sáng ngày 10/1/2015, bà Nguyệt, một nông dân nuôi bò, chở hai thùng sữa lớn bằng chiếc xe Cub cũ kỹ, đến trước cửa trạm thu mua của Công ty cổ phần sữa Đà Lạt, ở thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Người phụ nữ hì hục xách thùng sữa lên bậc thềm của trạm thu mua, rồi đứng đó, đổ thẳng thùng sữa này xuống đất, chảy thành một dòng thác trắng xoá. Một hành động phẫn uất của người nông dân: Sau những lời động viên của doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình đã vay tiền mua bò, làm trang trại, mua máy móc. Rồi bỗng nhiên công ty đột ngột giảm lượng sữa thu mua, thậm chí ngừng thu mua - khiến các hộ nông dân đứng bên bờ vực phá sản.
Khung cảnh ấy không chỉ diễn ra tại Lâm Đồng. Đã hơn một lần người ta thấy nông dân nuôi bò phải đổ sữa ra đường, phải bán bò giá rẻ.
Khung cảnh ấy cũng không chỉ diễn ra với sữa. Rất nhiều loại nông sản đã từng rơi vào cảnh ê hề, vứt chỏng chơ ngoài ruộng cho bò ăn, sau khi những lời hứa của doanh nghiệp, của thương lái trở thành “lời nói gió bay”.
Hãy hỏi những nông dân trồng ớt ở Nghệ An. Năm 2014, 6 xã trên địa bàn tỉnh đưa cây ớt cay cao sản vào sản xuất. Một công ty xuất khẩu nông sản ở Thanh Hoá đứng ra bao tiêu sản phẩm. Năm đầu tiên, mọi chuyện xuôi chèo mát mái, công ty thu mua toàn bộ ớt của bà con. Diện tích trồng ớt vì thế cũng tăng trong năm tiếp theo.
Nhưng rồi một ngày, ớt đã chín đỏ ngoài ruộng, mà không thấy bóng dáng nhà thu mua đâu. Những người nông dân cay đắng nhổ ớt lên đem đổ vào góc sân - bán không ai mua, cho không ai lấy, ăn cũng chẳng ăn nổi. Một số hộ, thì thậm chí còn chẳng thu hoạch. Họ nhổ luôn những cây ớt ngoài đồng, rồi đào một hố lớn, đem chôn xuống. Hình ảnh người đem chôn những cây ớt như thể là một biểu tượng cho “nấm mồ” của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân.
Đến lúc hỏi ra thì doanh nghiệp viện ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sản lượng, để khẳng định rằng mình có lý do để không tiếp tục bao tiêu nữa. Người nông dân, trong những câu chuyện này, hoàn toàn không đủ năng lực pháp lý để tranh biện với doanh nghiệp. Họ chỉ biết ngậm ngùi phá vườn ớt, trồng lại cây ngô, mồ hôi mặn có thêm cả vị cay.
Doanh nghiệp chế biến nông sản/thực phẩm tại nước ta cho đến thời điểm này vẫn phần lớn đóng vai khách hàng của người nông dân. Những khách hàng khó tính: Họ cũng áp đặt các quy chuẩn về chất lượng, về chuồng trại, về sản lượng lên nông dân. Nhưng các khách hàng này, rất thường xuyên, quay lưng với nông dân nếu việc kinh doanh gặp khó khăn hay nếu… họ muốn. Và khi đó, người ta phát hiện ra rằng nông dân hoàn toàn yếu thế trong cuộc thương lượng với các doanh nghiệp: Làm gì có ai bảo vệ họ? Hội nông dân vốn xưa nay chỉ chuyên chú thực hiện chức năng tuyên truyền chính sách, chứ hỗ trợ nông dân về công nghệ, về pháp lý, thì rất mờ nhạt. Nói cách khác, nông dân không có người đại diện.
Cuộc chung sống giữa các doanh nghiệp và nông dân tại Việt Nam đến lúc này vẫn mang bóng dáng của một cuộc “tình đơn phương”. Mối quan hệ một chiều. Người nông dân phụ thuộc vào việc doanh nghiệp thu mua (sau những lời hứa hẹn và chuyển đổi sản xuất), loay hoay đầu tư để phục vụ các đòi hỏi kỹ thuật mà doanh nghiệp đặt ra, rồi sau đó có nguy cơ bị… bỏ rơi.
Vậy thì ý của Rick Gilmore khi nói đến việc doanh nghiệp phải “giới thiệu cho nông dân các giá trị mới” trong nông nghiệp là gì?
Lợi ích song hành
Khi mà từ khoá “thực phẩm bẩn” đang nóng trên đầu môi người dân thành thị, thì cách điều chỉnh thị trường tốt nhất không phải là lên án “đạo đức”của người nông dân hay thương lái, mà là trực tiếp điều chỉnh phương thức sản xuất thông qua thị trường.
Từ trước tới nay, hỗ trợ người nông dân chủ yếu vẫn là chính quyền. Tuy nhiên, hệ thống quan liêu cũng đã hơn một lần đưa nông dân đi sai đường. Sẽ ít người quên được hình ảnh những người dân trồng cao su tiểu điền ở Quảng Bình và Quảng Trị đứng khóc bên những gốc cao su bị bão đốn hạ, nhựa chảy như máu. Đó là khung cảnh quen thuộc sau cơn bão số 10 và 11 năm 2013.
Lúc đó, người ta mới ngơ ngác hỏi nhau: Ai đó quy hoạch cho trồng cao su ở vùng bão? Không ai nhận trách nhiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: “Việc xây dựng quy hoạch và quy hoạch của Chính phủ đã phê duyệt chỉ là định hướng ”, còn việc trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, trồng lúc nào là… chuyện của các tỉnh.
Thái độ ấy cũng không khác nhiều so với thái độ của những doanh nghiệp đã khiến người nông dân Lâm Đồng đổ sữa và người nông dân Nghệ An chôn ớt. Tức là chỉ khuyến khích vậy thôi, còn nếu có chuyện gì bất trắc, thì người nông dân tự chịu trách nhiệm.
Một mối quan hệ bình đẳng giữa đôi bên có lẽ sẽ chỉ tồn tại được khi một doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho người nông dân, cho họ sự tự chủ trên cánh đồng và trước thị trường, rồi sau đó đóng vai một đối tác thu mua ngang hàng thay vì mối quan hệ “phụ thuộc” như hiện nay.
Người nông dân khi làm chủ được công nghệ sản xuất nông sản chất lượng (hay là “nông sản sạch” theo đòi hỏi tiên quyết của thị trường hiện nay) thì họ sẽ tự động thay đổi phương thức canh tác - sẽ tự làm ra hàng hoá tốt để làm giàu - và lúc đó lợi ích của doanh nghiệp cũng được đảm bảo. Doanh nghiệp sẽ không còn rơi vào cảnh không thể thu mua hàng hoá của nông dân vì lý do này lý do khác, mà có một nguồn cung ổn định. Họ cũng không mang cái món nợ phải “bao tiêu” với nông dân - bởi nông dân lúc này đã làm chủ công nghệ và có thể bán hàng đi bất kỳ đâu.
Khi mà từ khoá “thực phẩm bẩn” đang nóng trên đầu môi người dân thành thị, thì cách điều chỉnh thị trường tốt nhất không phải là lên án “đạo đức”của người nông dân hay thương lái, mà là trực tiếp điều chỉnh phương thức sản xuất thông qua thị trường. Thông qua đôi đũa và cái bát ăn cơm, người tiêu dùng có thể thay đổi thị trường nông sản, hướng tới các sản phẩm có chất lượng, các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào kinh doanh thứ đó, còn người nông dân có cơ hội để được đầu tư - thay đổi phương thức sản xuất.
Đó là một bài toán ba bên. Nhưng ba bên đều cần phải “nhúc nhích”. Một vấn đề nan giải ở nước ta hiện nay là không bên nào trong cuộc này sẵn sàng thay đổi.
Khi nông dân bỏ ruộng
Làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị tưởng đã đạt đỉnh trong hơn 2 thập kỷ qua vẫn chưa có xu hướng dừng lại khi điều tra dân số 2009 cho thấy rằng trong 10 tỉnh có tỷ lệ xuất cư cao nhất thì có đến 4 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hai vùng nông nghiệp trù phú nhất của cả nước, và có lý do để tin rằng những khó khăn trong đời sống nông nghiệp đóng một phần nguyên nhân.
Bạn sẽ không khó khăn để bắt gặp một lao động phổ thông ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh vẫn có đất ở quê. Họ hoàn toàn có thể làm nông nghiệp với một mức sống không tệ hơn, nếu không muốn nói là tốt hơn rất nhiều so với việc phải chui rúc trong một căn phòng trọ chật hẹp, mất vệ sinh và an ninh tại thành phố và bán sức lao động 12 tiếng mỗi ngày. Nhưng những rủi ro trong đời sống nông nghiệp, từ thiên tai, hạn hán ngày càng nhiều cho đến rủi ro thị trường đang khiến người nông dân mất niềm tin vào nghề làm nông.
Bạn có thể gặp một nữ công nhân mà mơ ước của cô chỉ là được về quê nuôi gà. Nhưng người mẹ cương quyết không cho con về vì xấu hổ với người làng: Đã mất công cho ăn học bao nhiêu năm, không thể làm nông nữa.
Bạn có thể bắt gặp một người đàn ông ngũ tuần ngủ trên ghế đá. Ông có ruộng ở quê, nhưng trồng lúa không thể nuôi sống được ông nữa và ông cũng chẳng có ý tưởng gì về việc mình sẽ làm gì với mảnh ruộng để nuôi sống được gia đình.
Bạn sẽ bắt gặp một vị chủ nhiệm hợp tác xã đã dầy công dựng lên một cơ ngơi cho mình và bà con xã viên. Nhưng rồi giờ đây khi sắp đến tuổi nghỉ hưu ông hoàn toàn không biết hợp tác xã sẽ đi đâu về đâu: Ông không có người kế nhiệm. Những người trẻ có học thức đã ở lại thành phố hết.
Nghề nông đang bị ruồng bỏ bởi chính những người nông dân. Bởi đơn giản là sẽ không có ai ca ngợi vẻ đẹp của việc làm nông, người ta chỉ thấy rằng đó là một công việc bần hàn và cơ cực. Việt Nam là một nước có lợi thế lớn về nông nghiệp, và hoàn toàn có thể trở thành một thế lực lớn trên thị trường nông sản thế giới. Nhưng không ai cụ thể hoá điều đó cho người nông dân thấy.
Cuộc thay đổi nền nông nghiệp, nếu muốn bắt đầu, phải bắt đầu rất nhanh, bởi nếu không, thì những cuộc ly nông sẽ khiến cho nhân lực ở nông thôn chẳng còn đủ để cải tạo điều gì nữa…