Bảo tồn đặc trưng "đất trăm nghề"
Được mệnh danh là "đất trăm nghề," Hà Nội là nơi dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề với 1.350 làng nghề; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Nhắc đền làng nghề truyền thống Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sừng Thụy Ứng… Sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ, từ truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay.
Dù chịu những thăng trầm của thời gian, có những lúc bị suy thoái, thậm chí mai một nhưng với sự tâm huyết, trăn trở với nghề truyền thống cha ông, cộng đồng làng xã nhất định giữ lấy nghề, từng bước vực nghề truyền thống phát triển.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội không chỉ chinh phục được thị trường trong nước, mà còn vươn xa đến các quốc gia trên thế giới.
Đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng những ngày này sẽ cảm nhận được sự hồi sinh, phát triển của một làng nghề truyền thống sau nhiều năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, làng nghề Bát Tràng có tuổi đời hơn 500 nay, trải qua những biến cố lịch sử nhưng làng nghề Bát Tràng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất.
Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó, có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Năm 2019, Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Hà Nội do đó công tác du lịch được quan tâm đầu tư phát triển một cách bền vững gắn với sản xuất, thương mại dịch vụ.
Mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước sông Hồng, đến thời điểm hiện nay, khu vực ngoại thành Hà Nội còn lưu giữ nhiều làng cổ truyền thống với hình thái cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà cổ mái ngói phủ màu thời gian, cổng làng rêu phong, đường làng rợp bóng cây kết nối với ruộng đồng xanh ngát.
Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng Cự Đà, làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai)… là những làng cổ tiêu biểu cho việc bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống và đang trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách.
Một số địa phương như Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và có các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp.
Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu cả nước về lĩnh vực di sản văn hóa với 5.922 di tích (đã xếp hạng gần 2.400 di tích; trong đó, có 1 di sản thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 1.200 di tích cấp quốc gia); 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (4 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 21 di sản được nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Trong số này, một phần lớn các di tích, di sản văn hóa phi vật thể nằm ở ngoại thành Hà Nội. Đây là nguồn lực rất lớn để Hà Nội khai thác phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Trong những năm qua, nhiều địa phương khai thác tốt di sản để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đó là, huyện Mỹ Đức với lễ hội chùa Hương; huyện Quốc Oai với lễ hội chùa Thầy; thị xã Sơn Tây với lễ hội đền Và và làng cổ Đường Lâm; huyện Ba Vì với cụm di tích đền Hạ - đền Trung - đền Thượng, di tích đền thờ Bác Hồ, di tích K9, các khu du lịch sinh thái…
Tuy nhiên, điều có thể nhìn thấy, dù có nhiều tiềm năng nhưng việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực ngoại thành Hà Nội để phát triển kinh tế chưa xứng tầm.
Dù sở hữu nhiều làng nghề, thu hút một lực lượng lớn lao động tham gia nhưng nhiều làng nghề còn phát triển tự phát, manh mún, chưa có thị trường ổn định, sản phẩm còn đơn điệu về mẫu mã, chưa tạo giá trị gia tăng cao.
Phát triển du lịch nông nghiệp chưa mang tính tổng thể, toàn diện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch nông nghiệp Hà Nội; chưa thực sự gắn kết với xây dựng nông thôn mới nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và các giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Bởi vậy, việc phát huy nguồn lực đang là vấn đề đặt ra cho các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Kiến tạo những gam màu đặc sắc và tươi sáng
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm.
Công ty Gốm sứ cổ truyền Bảo Quang (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) mỗi năm sản xuất khoảng 10.000 bộ sản phẩm gốm tâm linh, doanh thu 50 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 500 lao động tại địa phương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Các làng nghề đóng góp khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10-50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 10.000-25.000 tỷ đồng /năm.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025 và xa hơn.
Trước mắt, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng đang mở ra hướng đi mới cho các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội.
Tháng 3/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban Kế hoạch 73-KH-Ủy ban Nhân dân về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, Hà Nội chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.
Thành phố cũng phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.
Để có cơ sở triển khai theo Kế hoạch 73/KH-UBND hiệu quả, có chiều sâu, Sở Du lịch Hà Nội đã thành lập Đoàn công tác với sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các chuyên gia lĩnh vực du lịch, nông nghiệp khảo sát và làm việc với 6 địa phương có các mô hình du lịch nông nghiệp gồm Thạch Thất, Thường Tín, Sơn Tây, Mỹ Đức, Đan Phượng, Thanh Trì nhằm đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và các vấn đề cần quan tâm trong tổ chức hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, thị xã.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết sau khi khảo sát, đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch nông nghiệp các huyện, thị xã, ngành du lịch sẽ tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các chương trình quảng bá du lịch Thủ đô; số hóa các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn trong hệ thống giói thiệu chung bằng giao diện 3D, Flycam.
Đồng thời, xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các khu, điểm, cụm du lịch nông thôn nhằm đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; tổ chức các lơp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch khu vực nông thôn…
Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, thu hút khách du lịch, Hà Nội cần có chính sách phát triển du lịch nông nghiệp với các chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ, đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng; về quản lý, hỗ trợ du lịch nông nghiệp; quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp...
Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử các vùng ngoại thành để hình thành các không gian sáng tạo, các sản phẩm du lịch du lịch văn hóa, tâm linh thu hút du khách.
Nhiều di tích có giá trị văn hóa đang được xây dựng thành điểm đến du lịch tiêu biểu của Hà Nội. Một số dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được triển khai trong cộng đồng bước đầu có hiệu quả, như: ca trù, hát chèo, hát dô, trống quân, múa bài bông, rối nước, tri thức trồng thuốc nam của người Dao...
Bảo tồn và phát huy nguồn lực truyền thống để phát triển kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành sẽ là hướng đi mang tính bền vững, vừa tạo ra diện mạo khu vực nông thôn văn minh, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc. Hơn thế, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bức tranh nông thôn Hà Nội với những gam màu đặc sắc và tươi sáng đang dần hiện hữu.