Chúng tôi gặp nữ Thượng sỹ CSGT Bùi Nguyễn Uyên Nhi (SN 1993), thuộc Đội CSGT số 3, Phòng PC67 CATP Hà Nội vào những ngày cuối năm, khi dòng người đổ về quê, người đi sắm Tết ngày càng đông, chiếm lưu lượng lớn trên đường.
Nhi vẫn nhanh nhẹn, niềm nở như lúc chúng tôi gặp Nhi những ngày đầu tháng 11/2015. Lúc đó Nhi nhặt được 1 chiếc ví da màu nâu dùng cho nam giới khi đang được phân công làm nhiệm vụ phân luồng, chống ùn tắc vào giờ cao điểm tại nút giao thông Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội).
Trong ví có 03 CMTND mang tên Phùng Văn Hải, SN 1992; Phùng Văn Hưng, SN 1962 và Phạm Thị Loan, SN 1963, đều có địa chỉ ở tỉnh Vĩnh Phúc cùng 1 giấy phép lái xe hạng A1 mang tên anh Phùng Văn Hải và số tiền mặt 3.650.000 đồng.
Tuy nhiên, ngoài địa chỉ trên CMND thì không có số điện thoại nào để tổ công tác liên lạc. Ngay sau đó, sự việc được báo cáo về BCH Đội CSGT số 3 xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời tìm cách thông báo cho chủ nhân chiếc ví nhưng sau đó không thấy ai đến nhận lại tài sản. Để đảm bảo thời gian tiếp tục làm nhiệm vụ, Thượng sỹ Nhi và Thượng sỹ Tạ Quang Dũng đã bàn giao tài sản về CA phường Thổ Quan, quận Đống Đa để chờ chủ sở hữu đến xác minh, làm thủ tục nhận lại tài sản của mình.
Thượng sỹ CSGT Bùi Nguyễn Uyên Nhi đang điều tiết giao thông những ngày cuối năm
Sau phút hồi tưởng câu chuyện cũ, Nhi kể chúng tôi nghe về những ngày mình đứng trên bực chỉ huy tại các chốt: Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phạm Ngọc Thạch – Xã Đàn. Mưa có, nắng có… nhưng không làm giảm nhiệt huyết và tình yêu màu áo vàng của cô gái đến từ thành phố Hải Dương ấy.
Nhi kể, cô sinh ra trong gia đình có bố công tác tại Học viện Cảnh sát. Từ nhỏ, Nhi đã mang trong mình tình yêu đặc biệt với công việc mà hàng ngày bố đang giảng dậy cho biết bao học viên, dù có lúc Nhi nghĩ mình sẽ nộp hồ sơ thi vào Đại học Luật.
“Khi học tại trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân tại Sóc Sơn (Hà Nội - PV), bố hỏi tôi thích học chuyên ngành nào. Lúc đó, tôi đã trả lời bố rằng, tôi thích màu áo vàng”, Nhi cười nhớ lại.
Chia sẻ thêm về quyết định muốn khoác lên mình màu áo “đặc biệt” này, Nhi nói, khi lên Hà Nội, cô gái 9X ấy đã được chứng kiến mật độ giao thông ở Thủ đô lớn hơn rất nhiều so với thành phố Hải Dương – nơi cô sinh ra và lớn lên.
Nhi làm thủ tục bàn giao chiếc ví nhặt được cho CA phường Thổ Quan (Ảnh: phapluatxahoi)
“Mật độ giao thông lớn là vậy nhưng cảnh sát giao thông vẫn vất vả phân luồng tại các ngã tư, ngã năm để đảm bảo không bị ùn tắc. Lúc ấy, mình chỉ mong ước được hỗ trợ công việc cùng các anh.
Tôi ra trường đi làm tới nay cũng hơn hai năm rồi, thực sự vất vả cũng có. Bù đắp lại tôi học được nhiều điều hơn, biết được bên trong ngành cảnh sát giao thông cũng vất vả không kém gì các chiến sỹ truy bắt tội phạm, phòng chống ma túy.
CSGT là những người tiếp xúc gần nhất với dân”, Nhi tâm sự.
Học xong, Nhi về Đội CSGT số 6 thực tập. Mỗi buổi sáng điểm danh, Nhi đều được chứng kiến cảnh sát giao thông mang theo đồ đạc hỗ trợ, còng tay… trước khi đi làm nhiệm vụ. Nhi cảm thấy thích. Và Nhi càng đam mê công việc đứng chốt tại các nút giao thông hơn khi được chứng kiến công việc thực tế của các nữ CSGT.
“Khi ra trường nhận quyết định về Phòng CSGT Hà Nội, tôi thấy vui và may mắn vì được làm đúng công việc mình đam mê và mặc màu áo vàng mình yêu thích”, Nhi nói.
Là con một trong một gia đình có truyền thống ngành công an, nhưng từ nhỏ, Nhi đã được bố mẹ định hướng phải tự lập trên đường đời.
Chính vì thế, trên quãng đường hơn 70km từ nhà lên Hà Nội và ngược lại, Nhi đều tự đi xe máy.
Và trong thâm tâm của nữ thượng sỹ CSGT ấy không bao giờ quên những ngày giáp Tết khi mọi người đều về sum họp cùng gia đình, Nhi và nhiều đồng nghiệp vẫn thầm lặng làm công việc cấp trên giao phó.
“Khi đứng chốt, tôi có nhiều kỉ niệm nhưng kỉ niệm buồn sẽ nhiều hơn, đặc biệt là ngày lễ, tết. Gần nhất là tết năm ngoái khi sáng 28, mình vẫn đứng trên bực chỉ huy để điều tiết giao thông. Lúc đó trên đường chỉ còn 1- 2 xe lưu thông mà mình vẫn phải làm hết trách nhiệm.
Cảm giác rất buồn. Mọi người được về còn mình vẫn chưa về để phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Lúc ấy tủi thân lắm.
Mùng 4, tôi cũng trở lại công việc trực chỉ huy điều tiết giao thông. Trên đường trở lại Hà Nội, tôi khóc không ngừng. Đứng trên bực chỉ huy, tôi cũng rơm rớm nước mắt. Nhưng nghĩ tới niềm đam mê với công việc, tôi lại cố gắng.
Những ngày nhiệt độ Hà Nội xuống thấp kỉ lục nhất trong 40 năm qua, tôi được phân công đứng trên bực chỉ huy cả tuần. Cảm giác dậy từ 5 rưỡi sáng trong tiết trời ấy không hề dễ nhưng nghĩ tới việc trời mưa, đường càng dễ tắc, tôi lại bật dậy và sẵn sàng với nhiệm vụ được giao”, Nhi kể.
Cũng có lúc, để chứng minh cho mọi người thấy, nữ CSGT cũng làm được những công việc như nam CSGT, Nhi đã rời bục chỉ huy, xuống đường hỗ trợ các anh điều tiết giao thông khi đường tắc dài.
“Tôi biết, trong mắt nhiều người dân, hình ảnh CSGT không đẹp. Nhưng ngành nghề nào cũng có người này người kia. Hình ảnh CSGT xấu với người dân nhưng đó là mọi người nhìn bề ngoài và nhận xét còn sự thật bên trong như thế nào không phải ai cũng hiểu.
Thời gian gần đây, nhiều người post clip liên quan tới những tiêu cực của CSGT lên các trang mạng xã hội nhưng mọi người càng làm thế dân càng ác cảm với những người mặc áo vàng như chúng tôi. Chúng tôi cũng rất cố gắng trong công việc của mình để hình ảnh ngày càng hoàn thiện trong mắt dân.
Ví như, người dân tham gia giao thông gặp vấn đề gì, lực lượng đầu tiên xuất hiện là CSGT.
Thực sự khi làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT rất áp lực, các nữ CSGT càng vất vả hơn vì sức khỏe yếu hơn, nhất là những lúc giao thông ùn tắc. Tuy nhiên, trong nỗi vất vả đó mình làm được một việc tốt, dù đó là việc lớn hay việc nhỏ thì đều rất vui và đó là động lực để mình phấn đấu, nỗ lực hết mình vì nhân dân. Tôi mong rằng những hành động đẹp của lực lượng CSGT được người dân ghi nhận và nhân rộng hơn nữa”, Nhi chia sẻ thêm.
Và nếu được chọn lại, nữ Thượng sỹ CSGT Bùi Nguyễn Uyên Nhi vẫn chọn cho mình màu áo vàng ấy. Cô gái 9X ấy không những được đồng đội đánh giá là nữ chiến sỹ năng nổ, nhiệt tình trong công việc mà Thượng sỹ Nhi còn là bông hoa xinh đẹp trong đội ngũ nữ CSGT Thủ đô, thường xuyên làm nhiều việc tốt, giúp đỡ người khác.
Nguyễn Huệ