100% làng được quan trắc ô nhiễm nước ngầm
Thống kê của ngành chức năng, đến cuối năm 2016, cả nước có 1.864/5.411 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Tuy nhiên, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Như làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm nặng.
Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi được cá do tiếp nhận một lượng nước thải do sản xuất rất lớn. Hay các làng nghề ở vùng ngoại thành huyện Hoài Đức như La Phù với nghề bánh kẹo, Dương Liễu, Cát Quế với nghề làm miến dong…
Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện Hà Nội đang có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Khu vực này đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, trong đó hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn thành phố. Song đáng lo ngại, hiện không ít làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát sinh ô nhiễm cao, trong khi hầu hết các làng nghề chưa có công trình xử lý chất thải phù hợp.
Kết quả khảo sát mới đây của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm; bề mặt ao hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc… Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố có chỉ số ô nhiễm môi trường làng nghề vượt quá 30 lần cho phép.
Làng nghề Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội. |
Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi NH4, phenol…; nước mặt tại các ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng As, Hg khá cao… Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, khoảng 150m3 nước thải sinh hoạt.
Riêng ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt… hầu hết các loại chất thải không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường.
Đề án liệu có khả thi?
Đáng lo ngại là một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, chưa thực sự chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm. Nhiều hộ gia đình vì lợi ích kinh tế, dù biết rõ mức độ nguy hiểm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Được biết, Hà Nội đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với nhiều giải pháp cụ thể. Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để bảo vệ môi trường làng nghề, Sở đã có văn bản về việc thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng 2030 gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã (nơi có làng nghề) để chủ động xây dựng kế hoạch.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2018 tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề và đánh giá phân loại làng nghề; thành phố đang nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xã hội hoá và quản trị chất thải (rắn, lỏng, khí) cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Trong nhóm giải pháp về chính sách, Hà Nội theo dõi, xác định các làng nghề ô nhiễm và đề xuất phương án xử lý. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường tại làng nghề. Nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề…
Một nhóm giải pháp quan trọng Hà Nội đặt ra là quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Giải pháp này áp dụng trong một số hình thức, tuỳ thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương. Đó là, quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp: Quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề.
Trước mắt, trong năm 2018, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 13 loại hình làng nghề gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; nghề thuộc da, nghề nhuộm; chăn nuôi, giết mổ gia súc.
Theo Công An Nhân Dân