Con số này dự kiến sẽ tăng trong những năm tới do biến đổi khí hậu khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích dữ liệu về "cháy rừng", bao gồm cả cháy rừng tự nhiên và cháy do con người gây ra như đốt nương rẫy.
Kết quả cho thấy, từ năm 2000 đến 2019, khoảng 450.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh tim mạch có liên quan đến ô nhiễm không khí do cháy rừng. Thêm 220.000 ca tử vong do bệnh hô hấp cũng được cho là do khói và bụi từ các đám cháy.
Tổng cộng, ước tính có khoảng 1,53 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu liên quan đến ô nhiễm không khí từ cháy rừng.
Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó riêng khu vực cận Sahara châu Phi chiếm gần 40%.
Các quốc gia có số người chết cao nhất là Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ấn Độ, Indonesia và Nigeria.
Các tác giả của nghiên cứu kêu gọi "hành động khẩn cấp" để giải quyết vấn đề này. Sự chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo càng làm nổi bật vấn đề "bất công khí hậu", khi những người ít đóng góp nhất vào sự nóng lên toàn cầu lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người dân ở các nước nghèo hơn không có điều kiện tiếp cận các biện pháp phòng tránh khói bụi như di dời, sử dụng máy lọc không khí, khẩu trang hoặc ở trong nhà. Do đó, cần có thêm hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.