Những con số biết nói
Theo khảo sát quy mô lớn do nền tảng giáo dục Studyportals (Hà Lan) thực hiện với 365 trường đại học tại 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, 41% các trường ghi nhận sự sụt giảm số lượng sinh viên sau đại học và 31% báo cáo giảm số lượng sinh viên đại học trong năm nay. Các trường cho biết chính sách hạn chế của chính phủ và khó khăn trong việc xin thị thực là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Tại Vương quốc Anh, con số này lần lượt là 18% đối với bậc sau đại học và 4% với bậc đại học. Đầu năm nay, chính phủ Anh đã siết chặt luật nhập cư bằng nhiều biện pháp như tăng ngưỡng lương cho thị thực lao động có tay nghề, loại trừ thành viên gia đình khỏi đơn xin thị thực sinh viên đại học và tăng chi phí visa.
Canada chứng kiến mức sụt giảm còn nghiêm trọng hơn với 27% ở bậc sau đại học và 30% ở bậc đại học. Điều này xảy ra sau khi chính phủ áp đặt hạn ngạch đối với sinh viên quốc tế từ tháng 1/2024. Đến tháng 9, họ tiếp tục thông báo sẽ cắt giảm thêm 10% trong năm tới, đưa con số xuống còn 437.000 giấy phép, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng sang cả sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ.
Tác động sâu rộng tại Australia
Tại Australia, chính phủ cũng đang áp đặt các hạn chế tương tự. Trong năm qua, họ đã tăng phí thị thực cho sinh viên và thắt chặt yêu cầu về trình độ tiếng Anh - những biện pháp được cho là đã làm giảm số lượng sinh viên nước ngoài.
Dù kế hoạch áp dụng hạn ngạch từ năm 2025 không được thông qua trong nghị viện, các nhà nghiên cứu cảnh báo việc giảm số lượng sinh viên quốc tế sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về tài trợ nghiên cứu vốn đã tồi tệ. Ông Chennupati Jagadish, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Australia tại Canberra, nhận định: "Hệ thống tài trợ cho khoa học đang rất mong manh và dễ đổ vỡ".
Năm 2022, 27 trong số 42 trường đại học Australia báo cáo thâm hụt ngân sách và một số đã phải thông báo cắt giảm việc làm. Bà Emma Johnston, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu sắp mãn nhiệm tại Đại học Sydney, nhận định: "Các trường đại học trên khắp Australia, nếu chưa rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, thì cũng sẽ sớm phải đối mặt với nó".
Những hệ luỵ không thể tránh khỏi
Các trường đại học đang phải lên kế hoạch đối phó với việc giảm học phí từ sinh viên quốc tế. Theo Giáo sư Peter Høj, Hiệu trưởng Đại học Adelaide, trong thực tế, điều này đồng nghĩa với việc không bổ sung nhân sự khi có người nghỉ việc. Còn theo bà Johnston, các nhà nghiên cứu trẻ có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Canada, Hội đồng Đại học Ontario dự báo thiệt hại trong tỉnh này có thể lên tới 900 triệu đô la Canada (tương đương 642 triệu USD) từ 2024 đến 2026, và các thay đổi được công bố vào tháng 9 có thể làm tăng thêm những tổn thất này.
Gabriel Miller, Chủ tịch Hiệp hội Đại học Canada tại Ottawa, cảnh báo: "Bài học từ Canada là phải hết sức thận trọng với những công cụ cứng nhắc như hạn ngạch, bởi chúng có thể gây tổn thất sâu rộng hơn dự kiến và để lại những thiệt hại lâu dài cho giáo dục đại học và toàn bộ nền kinh tế".
Cuối cùng, theo Giáo sư Høj, việc giảm đầu tư cho nghiên cứu cũng sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế vốn đã chịu áp lực do dân số già hóa và chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.